Thứ tư 15/01/2025 02:55 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Chính phủ cần đi tiên phong

20:36 | 27/01/2014

(Xây dựng) - “Xây dựng các công trình năng lượng hiệu quả, giảm thiểu và tái chế chất thải, sử dụng hiệu quả nguyên vật liệu và nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý và hoạt động của tòa nhà là giải pháp đúng đắn nhằm hạn chế phát thải nhà kính, bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên, góp phần ứng phó tích cực với tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH)… Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo như vậy khi đề cập đến việc phát triển công trình xanh (CTX) tại Việt Nam. 

Công trình xanh tiết kiệm 30 - 40% năng lượng

Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, Việt Nam hiện nay đang trải qua quá trình đô thị hóa nhanh chóng. Cả nước có gần 770 đô thị với dân số đô thị chiếm 32,45% dân số toàn quốc. Hàng năm, có khoảng 1 triệu người trở thành cư dân đô thị. Theo dự báo, đến năm 2025, dân số đô thị ở Việt Nam khoảng 52 triệu người, chiếm 50% dân số đô thị của cả nước. Do vậy, nhu cầu về xây dựng tăng nhanh chóng trong khu vực đô thị. Điều này đồng nghĩa với việc tăng sử dụng nhiên liệu hóa thạch và xả rác thải ra môi trường. “Việc xây dựng các công trình năng lượng hiệu quả sẽ giảm áp lực lên nguồn tài nguyên thiên nhiên (nguyên liệu, nước...), làm giảm năng lượng tiêu thụ, giảm áp lực lên hệ thống điện, giao thông, sản xuất điện quốc gia, xử lý chất thải và các chất gây ô nhiễm môi trường..., đồng thời đảm bảo một môi trường sống đô thị lành mạnh gần với thiên nhiên cho người dân” – Bộ trưởng nói.

Minh chứng cho nhận định của Bộ trưởng, Phó vụ trưởng Vụ KHCN&MT (Bộ Xây dựng) Trần Đình Thái cho biết, theo điều tra, đối với các công trình mới nếu áp dụng đồng bộ các giải pháp thiết kế kiến trúc, sử dụng các vật liệu tiết kiệm năng lượng, lắp đặt và vận hành các thiết bị có hiệu suất năng lượng cao, có cán bộ quản lý năng lượng đủ trình độ thì có thể tiết kiệm khoảng 30 - 40%. Còn đối với các công trình đang hoạt động, nếu tiến hành kiểm toán năng lượng và sau đó triển khai giải pháp tiết kiệm năng lượng (TKNL) thì cũng có thể TKNL từ 15 - 25%.

Thúc đẩy phát triển công trình xanh

Đề cập đến giải pháp thúc đẩy phát triển CTX và sử dụng năng lượng hiệu quả trong ngành Xây dựng, ông Trần Đình Thái cho biết: Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ hoàn thiện Chiến lược và kế hoạch hành động về phát triển CTX, đồng thời sẽ đẩy mạnh nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý cấp Trung ương và địa phương, chủ đầu tư, cộng đồng… về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong các tòa nhà, hướng tới xây dựng các CTX. Bộ cũng sẽ hoàn thiện tiêu chí đánh giá và xây dựng quy trình xét duyệt, cấp chứng chỉ CTX.

Mới đây nhất, Bộ Xây dựng đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 09:2013/BXD "Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả". Quy chuẩn có hiệu lực từ ngày 15/11/2013, là bước quan trọng thúc đẩy mục tiêu năng lượng hiệu quả thông qua thiết kế, thi công công trình xây dựng, sẽ góp phần giảm khoảng 20% tổng năng lượng tiêu thụ so với hiện nay.

Ông Trần Bình Trọng - Phó tổng giám đốc TCty Tư vấn xây dựng Việt Nam (VNCC) thì đề xuất: Nhà nước cần có các chính sách khuyến khích đối với chủ đầu tư như giảm thuế cho công trình đạt tiêu chuẩn cao về TKNL và không cấp phép cho công trình quá tốn năng lượng. Đối với tư vấn thiết kế, Nhà nước nên có chính sách thưởng, tăng thiết kế phí cho các thiết kế được thẩm định đạt chuẩn cao về TKNL.

Đồng quan điểm của ông Trọng, ông Yannick Millet -  Giám đốc điều hành Hội đồng CTX Việt Nam cũng cho rằng: Cùng với việc củng cố và thi hành khuôn khổ luật pháp, để phát triển CTX, Chính phủ Việt Nam cần đi tiên phong. Việt Nam cần xây dựng các chính sách khuyến khích khu vực tư nhân và đưa CTX vào giáo trình giảng dạy trong các trường đại học.

Nghiên cứu của các nước đã khẳng định hiệu quả năng lượng cũng đem lại lợi ích kinh tế. Đầu tư nâng cấp các giải pháp cách nhiệt nhà ở, nâng cao hiệu quả tăng nhiệt (đối với các nước vùng nhiệt đới là hiệu quả làm mát), thiết bị chiếu sáng TKNL, thay thế các thiết bị cũ bằng các thiết bị mới TKNL hơn cho nhà ở, văn phòng… sẽ đem lại tiềm năng giảm thải CO2 tối ưu. Ở Việt Nam, nhận thức về hiệu quả năng lượng dù đang tăng dần nhưng vẫn còn ở mức thấp. Một trong những lý do là vì chi phí của các công trình TKNL thường bị dự toán cao. Các nhà đầu tư BĐS cũng như các hộ gia đình đánh giá sai mức chi phí, lợi ích của các công trình TKNL, vì thế các đối tượng này thường không muốn đầu tư vào vấn đề TKNL. Trong khi đó, theo một nghiên cứu tại Trung Quốc: Mức chi phí của các công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả khá thấp, chỉ chiếm 5 - 7% tổng chi phí đầu tư công trình mới.

Hòa Bình

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load