Trái với phản ứng gay gắt của phương Tây về vụ MH17, Thủ tướng Malaysia điềm tĩnh đi theo con đường ngoại giao ôn hòa trong quá trình thương thảo với phe ly khai ở Ukraine.
Sáng 22/7, Thủ tướng Najib Razak thông báo với người dân về một thỏa thuận đột phá giữa Malaysia và phe ly khai Ukraina. Theo thỏa thuận, Malaysia sẽ tiếp nhận thi hài của nạn nhân và hai hộp đen từ tay lực lượng ly khai. Bà của ông Najib cũng nằm trong số các nạn nhân.
Chiếc Boeing 777 của Malaysia Airlines bị rơi hạ tại miền đông Ukraina hôm 17/7. Đây là thảm họa thứ hai mà hãng hàng không quốc gia Malaysia phải chịu, sau sự mất tích bí ẩn của chuyến bay MH370 hồi tháng 3.
Thủ tướng Najib Razak (giữa) tại cuộc họp báo công bố kết quả vụ thương thảo giữa Malaysia và phe ly khai hôm 22/7. Ảnh: Malaysiakini
Sau Hà Lan, Malaysia là quốc gia có nhiều công dân trên chuyến bay với 43 người, gồm 15 thành viên phi hành đoàn. Nhiều ngày sau vụ tai nạn, một câu hỏi được đặt ra là vì sao lãnh đạo Malaysia không phản ứng giận dữ trước vụ việc như nhiều nhà lãnh đạo của các nước khác.
“Việc ông Najib không đổ lỗi cho bất cứ ai trước khi ông nhận sự giúp đỡ là điều rất quan trọng. Nếu ông thể hiện thái độ công kích ngay từ đầu, chúng ta sẽ không thể nhận lại các thi thể và hai hộp đen”, Wan Saiful Wan Jan, một chuyên gia phân tích chính trị kiêm giám đốc điều hành của Viện Dân chủ và kinh tế (IDEAS) tại Kuala Lumpur nhận định.
Chiến lược ngoại giao “bình lặng”
Phe ly khai bàn giao hộp đen của MH17 cho phía Malaysia.Ảnh:Irishtimes
Theo CNN, kể từ khi bước chân vào chính trường, ông Najib đã xây dựng con đường ngoại giao riêng biệt. Đó là một chiến lược ngoại giao “bình lặng”.
Theo nhiều lời đánh giá, ông Najib vốn nổi tiếng là một người làm trung gian hòa giải. Ông từng đứng ra đảm bảo một thỏa thuận hòa bình giữa nhóm người Hồi giáo ly khai ở miền nam Philippines và chính phủ đảo quốc này.
Sau vụ tai nạn của MH17, Najib đã liên lạc với giới lãnh đạo Nga, châu Âu, Ukraina và Mỹ. Tuy nhiên, ông không quên tạo các kênh liên lạc với người kiểm soát khu vực hiện trường, ở đây là lãnh đạo của nước Cộng hòa Donetsk tự xưng Alexander Borodai.
“Najib là một người có tài ngoại giao. Ông ấy đã trò chuyện với những người có mối liên hệ với ông Borodai”, nguồn tin giấu tên cho hay.
Lần liên lạc đầu tiên giữa người đứng đầu Malaysia và thủ lĩnh phe ly khai là vào hôm 19/7, hai ngày sau khi MH17 gặp nạn. Kể từ đó, “vô số” các cuộc trò chuyện giữa hai người đã diễn ra, bao gồm các cuộc kết nối qua điện thoại.
Thủ tướng chịu áp lực
Một cộng sự của ông Najib tham gia cuộc đàm phán tin rằng, cuộc đối thoại giữa ông và thủ lĩnh của phe ly khai là quan trọng, đặc biệt với một đối tác “ôn hòa” như Malaysia.
“Về mặt nội bộ, đây là một thành công lớn đối với ông Najib. Ông ấy nhận nhiều sự ủng hộ hơn. Phe đối lập đang ngả về phía ông. Thậm chí những nhà chỉ trích cũng ngợi ca ông”, chuyên gia Wan Saiful nói.
Người dân Malaysia đã phải chịu cú sốc quá lớn sau hai vụ tai nạn máy bay chỉ trong vài tháng. Ảnh:AFP
Ông Najib từng chịu sự chỉ trích mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế về cách thức xử lý thảm họa MH370 hồi tháng 3. Tuy nhiên, cho tới nay, người đứng đầu chính phủ Malaysia đã chứng minh rằng, ông có thể hành động nhanh chóng và dứt khoát trong vụ MH17.
Ông Najib phát biểu trên truyền hình hôm 22/7 rằng: “Những ngày gần đây, nhiều lần, tôi muốn lên tiếng mạnh mẽ hơn để đáp lại nỗi tức giận và đau khổ của không chỉ cá nhân tôi, mà của cả người dân Malaysia. Nhưng đôi khi, chúng ta phải hành động trong bình lặng để đạt kết quả tốt đẹp hơn”.
Theo Hải Anh/zing.vn
Theo