(Xây dựng) - Công ty Than Nam Mẫu sinh sau đẻ muộn so với các đơn vị sản xuất than hầm lò của Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV). Những đường lò cũ nằm sâu dưới lòng đất và công trường làm than ở vùng rừng núi Năm Mẫu, dấu tích để lại từ năm 1888.
Vì chống thủy lực thay gỗ trụ mỏ
Thợ lò thời Pháp thuộc ở Năm Mẫu ngày đào được bao tấn than không rõ. Ngày giải phóng khu Mỏ người thợ tay chòong, tay cuốc, hôm cờ rong trống mở cũng chỉ đào được 1 tấn than/ngày/người. Nay một người khai thác được trên dưới 8 tấn/ngày.
Năng suất lao động dưới lòng đất tăng “nóng”, nhiều người ngạc nhiên. Dò hỏi, Giám đốc Công ty Bùi Quốc Tuấn cho biết nhiều giải pháp đem lại kết quả đó. Từ thực hiện chủ trương đổi mới của Đảng lấy “cuộc CM khoa học kỹ thuật công nghệ làm then chốt”, đến công nghiệp hóa hiện đại hóa. Nghe thì dài, chúng tôi suy ra như bài học các cụ nhà ta ngày trước đã dạy, vỏn vẹn mấy câu: “muốn ăn cá quả-phải thả câu dài”. Và đọng lại cách buông câu được cá xộp.
Nói dễ, làm khó. Chính ông bà ta cũng nhủ “mạnh vì gạo…” hành trang của Nam Mẫu bước vào lộ trình đầu tư đưa KHKT, công nghệ mới vào sản xuất vốn liếng mỏng manh, do ảnh hưởng cơn lốc hủng hoảng kinh tế toàn cầu, hòn than làm ra khó tiêu thụ, đôi khi thợ mỏ phải nghỉ việc luân phiên. Trên 5 ngàn thợ mỏ Nam Mẫu khi bát cơm chưa ngoan, áo mặc chưa đẹp, phải “thắt lưng-buộc bụng” dành tiền đầu tư vào sản xuất. Những đồng tiền thợ mỏ chắt chiu, gửi gắm cho tập thể, người đứng mũi chịu sào lựa cơm gắp mắm, tính toán kỹ càng, minh bạch. Đôi khi thâu đêm “bóp trán” tìm giải pháp: Đầu tư cái gì? Đầu tư khi nào? Trang sắm loại thiết bị gì trước, loại thiết bị gì sau để đồng vốn bỏ ra nhanh sinh lời, tránh lãng phí. Trang sắm không ồ ạt, trái lại cũng không giải mành mành. Kết hợp nội lực với sự giúp đỡ bên ngoài, gây chữ “tín” để lãnh đạo TKV, các nhà đầu tư tài chính Ngân hàng, chính quyền địa phương tạo môi trường đầu tư, dòng chảy tài chính thông thoáng.
Vận hành hệ thống giá khung di động trong lò cho KT3
Tháng 11/2000, Công ty đưa công nghệ chống giữ lò chợ bằng cột thuỷ lực đơn kết hợp với xà khớp kim loại vào sử dụng tại lò chợ vỉa 8, mức +290 đến mức +335. Tiếp đó tháng 4/2001, hợp tác với Viện Khoa học Công nghệ mỏ đưa công nghệ chống giữ lò chợ bằng giá thủy lực di động vào lò chợ vỉa 7 mức +200 đến mức +250 khu vực Than Thùng.
Ngày đầu khởi sự, tiền rời két đội nón ra đi, lợi lộc chưa nom thấy, lại buộc người thợ phải thay đổi thói quen tay cuốc, tay búa. Cán bộ không còn chỉ tay năm ngón, phải học hành làm chủ khoa học kỹ thuật, hướng dẫn công nhân vận hành các cỗ máy hiện đại. Không ít người ái ngại, ngãng ra, nghi ngờ về tính khả thi của công nghệ. Dần dà trăm nghe không bằng một thấy đưa khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới vào đến đâu, hiệu quả kinh tế tỏa sáng ngay đến đó. Năng suất lò chợ từ 135.000 tấn/năm, tăng lên đến 200.000 tấn/năm.
Hiệu quả khích lệ, tháng 10/2005 Công ty Than Nam Mẫu đẩy mạnh đầu tư thêm một bước dài, mua sắm máy đào lò Combain AM-50Z và đưa công nghệ cơ giới này vào thực nghiệm đào lò dọc tại vỉa 7 mức +125 khu Than Thùng. Kết quả đầu tư cao hơn mong muốn, tốc độ đào lò nhanh bội phần, cao điểm đạt 210m/tháng cho một gương lò. Máy đào lò còn có ưu điểm: Đảm bảo an toàn cho người lao động trong thao tác đưa vì chống lên cao giữ nóc lò, công đoạn dễ xảy ra tai nạn lao động nhất.
Đến năm 2007, Công ty lại áp dụng thử nghiệm công nghệ chống giữ lò chợ bằng giá khung di động ZH-1600/16/24Z vào lò chợ vỉa 7 mức +165 đến mức +220, khu vực Than Thùng.
Mỗi lần thay đổi thiết bị kỹ thuật mới, đầu tư công nghệ mới… lại nhận được niềm vui mới, năng suất từ 180.000 tấn/năm/lò chợ nâng lên 200.000 tấn/năm. Công nghệ khai thác mới này có nhiều ưu điểm nổi trội hơn so với cột thủy lực đơn và giá thủy lực di động mà Công ty đã áp dụng 7 năm trước. Đặc biệt là mức độ cơ giới hoá cao trong khâu chống giữ lò chợ; chỉ số an toàn cao; vận chuyển, lắp đặt đơn giản, giảm thiểu các công đoạn nặng nhọc trong quá trình lắp đặt. Mỏ bèn nhân rộng ra 6 lò chợ, lợi thu đưa lại với sản lượng khai thác ổn định từ 16 đến 22 ngàn tấn than nguyên khai/ tháng, đạt năng suất kỷ lục dẫn đầu TKV.
Với đà ấy năm 2008, Nam Mẫu đầu tư dàn khoan tự hành 2 choòng vào đào lò xây dựng cơ bản. Giàn khoan tự hành 2 choòng ưu việt: Hệ số an toàn cao, giảm chấn-giảm thanh, hạn chế tiếng ồn; có hệ thống phun sương mù dập bụi tại chỗ. Vị trí người thợ vận hành giàn khoan cách gương lò 3 mét, khẩu độ dễ quan sát những biến cố bất trắc địa tầng, kịp thời ứng phó.
Nắm chắc phần thắng trong tay, năm 2010 Công ty Than Nam Mẫu tổng tiến công vào KHKT, cơ giới hoá đồng bộ dây chuyền khai thác bằng sử dụng giàn chống tự hành kết hợp với máy khấu than. Máy khấu than, giàn chống lò tự hành khắc phục được những hạn chế trong khai thác than bằng phương pháp khoan nổ mìn thủ công, đảm bảo an toàn cho người lao động, tăng năng suất lao động và tiết kiệm tài nguyên. Ngay những vị trí khai thác khó khăn nhất, như ở mức +145 đến mức +155 công nghệ cơ giới hóa đã phát huy được hiệu quả có những tháng đạt trên 35 ngàn tấn than nguyên khai, sản lượng cao gấp đôi trước đây.
Đưa khoa học công nghệ vào sản xuất, hiệu quả rất rõ. Nó làm thay đổi quy mô sản xuất doanh nghiệp, tăng trưởng đồng bộ từ năng suất lao động, thu nhập doanh nghiệp, đóng góp nghĩa vụ với Nhà nước, lợi ích người lao động, an toàn lao động, bảo vệ môi trường… Nhìn vào biểu đồ thống kê sản xuất kinh doanh 10 năm nay làm phép tính so sánh khắc rõ:
Năm |
Sản lượng than nguyên khai (tấn) |
Độ sâu đào lò mới (m) |
Doanh thu (tỷ đồng) |
Thu nhập BQ người LĐ (triệu đồng/tháng) |
2003 |
781.000 |
11.494 |
237,9 |
2,7 |
2013 |
1.975.100 (tăng 153%) |
28.550. (tăng148%) |
2.336,3 (tăng 882%) |
9,2 (tăng 240,7%) |
Lợi nhuận sau thuế tăng từ 1,5 tỷ đồng lên đến 52, 64 tỷ đồng.
Đưa khoa học, công nghệ vào sản xuất lợi thu kinh tế, còn ẩn chứa giá trị xây dựng nếp sống văn hóa doanh nghiệp... ví như câu được con cá lớn. Công ty Than Nam Mẫu thả câu dài như vậy!
Vũ Phong Cầm
Theo