(Xây dựng) - Ông Đỗ Thương (Hà Nội) hỏi: Trường hợp dự toán xây dựng công trình đã duyệt với tỷ lệ chi phí dự phòng là 5% thì tỷ lệ này trong dự toán gói thầu thi công xây dựng là bao nhiêu? Có thể lấy giá trị bất kỳ và không vượt 5% có được không?
Ảnh minh họa.
Ông Thương cũng muốn biết, thành phần chi phí dự phòng trong dự toán gói thầu thi công xây dựng có phải gồm 2 yếu tố là dự phòng cho khối lượng phát sinh và dự phòng cho yếu tố trượt giá như trong chi phí dự phòng dự toán xây dựng công trình không?
Nếu dự phòng trong dự toán gói thầu thi công xây dựng gồm 2 yếu tố là dự phòng cho khối lượng phát sinh và trượt giá, vậy trường hợp gói thầu quy mô nhỏ phải áp dụng hình thức hợp đồng trọn gói thì dự phòng cho khối lượng phát sinh này là phát sinh trong hay ngoài thiết kế?
Về vấn đề ông Thương hỏi, Bộ Xây dựng trả lời như sau:
Việc xác định chi phí dự phòng trong dự toán gói thầu được quy định tại Điều 13 Nghị định số 32/2015/NĐ-CP ngày 25/3/2015 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Theo đó, “chi phí dự phòng trong dự toán gói thầu thi công xây dựng được xác định theo tỷ lệ % của các chi phí đã xác định trong dự toán gói thầu và thời gian thực hiện gói thầu nhưng không vượt mức tỷ lệ % chi phí dự phòng của dự toán xây dựng công trình đã được phê duyệt”.
Do vậy, đối với trường hợp ông Thương nêu, tỷ lệ % chi phí dự phòng trong dự toán gói thầu cần được tính toán xây dựng một cách phù hợp, bảo đảm hiệu quả và không được vượt tỷ lệ chi phí dự phòng của dự toán xây dựng công trình đã được phê duyệt.
Chi phí dự phòng trong hợp đồng trọn gói bao gồm 2 yếu tố là dự phòng cho khối lượng phát sinh trong phạm vi công việc phải thực hiện theo thiết kế và dự phòng cho yếu tố trượt giá.
Đoan Trang (tổng hợp)
Theo