(Xây dựng) - Đây là một trong những nội dung được đề cập tại Thông tư 14/2021/TT-BXD của Bộ Xây dựng được ban hành mới đây về hướng dẫn xác định chi phí bảo trì công trình xây dựng (Thông tư 14). Thông tư 14 có hiệu lực từ ngày 01/11/2021.
Dự toán chi phí sửa chữa công trình gồm chi phí sửa chữa phần xây dựng công trình, chi phí sửa chữa phần thiết bị công trình và một số chi phí khác có liên quan (nếu có) (Nguồn: Internet). |
Theo Thông tư 14, dự toán chi phí bảo trì công trình bao gồm: Chi phí thực hiện các công việc bảo trì định kỳ hàng năm, chi phí sửa chữa công trình, chi phí tư vấn phục vụ bảo trì công trình, chi phí khác và chi phí quản lý bảo trì thuộc trách nhiệm chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình.
Trong đó, dự toán chi phí bảo trì công trình được xác định là chi phí thực hiện các công việc bảo trì định kỳ hàng năm quy định tại Điểm a, Khoản 3 Điều 35 Nghị định 06/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng của Chính phủ.
Chi phí thực hiện các công việc bảo trì định kỳ hàng năm được xác định bằng định mức tỷ lệ phần trăm (%) nhân với chi phí xây dựng và chi phí thiết bị công trình. Chi phí sửa chữa công trình được xác định bằng dự toán.
Dự toán chi phí sửa chữa công trình gồm chi phí sửa chữa phần xây dựng công trình, chi phí sửa chữa phần thiết bị công trình và một số chi phí khác có liên quan (nếu có).
Trong trường hợp sửa chữa công trình có chi phí thực hiện từ 500 triệu đồng trở lên thì dự toán chi phí sửa chữa công trình xác định theo quy định tại Thông tư hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng của Bộ Xây dựng (Thông tư 11/2021/TT-BXD).
Trường hợp sửa chữa công trình có chi phí thực hiện dưới 500 triệu đồng thì dự toán chi phí sửa chữa công trình được xác định trên cơ sở khối lượng và đơn giá sửa chữa công trình.
Đối với trường hợp sửa chữa định kỳ công trình thì khối lượng các công tác sửa chữa được xác định căn cứ thiết kế sửa chữa, kế hoạch sửa chữa và quy trình bảo trì của công trình xây dựng được phê duyệt. Trường hợp sửa chữa đột xuất công trình thì khối lượng các công tác sửa chữa được xác định căn cứ tình trạng công trình thực tế cần sửa chữa, hồ sơ thiết kế sửa chữa và các yêu cầu khác có liên quan.
Bên cạnh đó, đơn giá sửa chữa công trình trong Thông tư 14 được xác định từ định mức dự toán sửa chữa và giá các yếu tố chi phí hoặc được xác định trên cơ sở giá thị trường hoặc theo giá tương tự ở các công trình đã thực hiện.
Trường hợp đơn giá sửa chữa công trình được xác định từ định mức dự toán sửa chữa và giá các yếu tố chi phí, chi phí trực tiếp (chi phí vật liệu, nhân công, máy và thiết bị thi công) xác định theo quy định tại Thông tư 11/2021/TT-BXD của Bộ Xây dựng. Chi phí gián tiếp xác định bằng 10% của chi phí trực tiếp. Thu nhập chịu thuế tính trước tính bằng tỷ lệ % của chi phí trực tiếp và chi phí gián tiếp trong đơn giá sửa chữa công trình. Định mức tỷ lệ % thu nhập chịu thuế tính trước xác định theo hướng dẫn tại Thông tư 11/2021/TT-BXD.
Trường hợp đơn giá sửa chữa công trình xác định trên cơ sở giá thị trường hoặc theo giá tương tự ở các công trình đã thực hiện thì đơn giá có thể gồm các khoản mục chi phí gián tiếp và thu nhập chịu thuế tính trước.
Thông tư 14 cũng quy định xác định dự toán chi phí sửa chữa công trình đối với trường hợp trong năm kế hoạch có chi phí sửa chữa đột xuất công trình; chi phí tư vấn phục vụ bảo trì công trình xây dựng; chi phí quản lý bảo trì thuộc trách nhiệm chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình…
Trong đó, chi phí quản lý bảo trì thuộc trách nhiệm chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình được xác định: Đối với sửa chữa công trình có chi phí thực hiện dưới 500 triệu đồng thì xác định bằng 3,5% tổng chi phí thực hiện các công việc bảo trì định kỳ hàng năm, chi phí sửa chữa công trình, chi phí tư vấn phục vụ bảo trì công trình và chi phí khác quy định tương ứng tại khoản (1), (2), (6) và (7) của Thông tư 14.
Còn đối với sửa chữa công trình có chi phí thực hiện từ 500 triệu đồng trở lên có yêu cầu lập báo cáo kinh tế kỹ thuật hoặc dự án đầu tư sửa chữa công trình thì xác định bằng 3,5% tổng chi phí thực hiện các công việc bảo trì định kỳ hàng năm, chi phí tư vấn phục vụ bảo trì công trình và chi phí khác quy định tương ứng tại khoản (1), (6) và (7) của Thông tư 14.
Ngoài ra, chi phí khác theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 35 Nghị định 06/2021/NĐ-CP xác định bằng định mức tỷ lệ % hoặc lập dự toán theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
Linh Đan
Theo