Hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp; giảm 30% tiền thuê đất năm 2021 cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; tập trung phòng, chống dịch, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy phát triển KTXH;… là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tháng 9/2021.
Phong trào thi đua đặc biệt cả nước đoàn kết, chung sức chiến thắng đại dịch
Ngày 10/9/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định 1497/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai Phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19”.
Mục tiêu của Phong trào là nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tập trung cao nhất mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống đại dịch COVID-19 với phương châm "phòng là cơ bản, chiến lược lâu dài, chống là quan trọng, thường xuyên"; thực hiện thắng lợi "mục tiêu kép": Vừa phòng, chống đại dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống, sức khỏe nhân dân.
Kiên quyết không để tình trạng giãn cách không triệt để, kéo dài mà không đạt được mục tiêu
Trong Thông báo 237/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại cuộc họp trực tuyến ngày 5/9 với các địa phương về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng yêu cầu trong thời gian giãn cách xã hội phải kiểm soát được dịch bệnh theo tiêu chí của Bộ Y tế, kiên quyết không để tình trạng giãn cách không triệt để, kéo dài mà không đạt được mục tiêu, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội và tâm lý, tình cảm, đời sống nhân dân.
Đưa dịch vụ y tế đến gần người dân nhất, ngay tại xã, phường, thị trấn
Tại Nghị quyết 107/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2021, Chính phủ đề nghị các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, yêu cầu các đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.
Trong đó, quyết liệt thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia; có sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo và phù hợp thực tế của địa phương, thích ứng an toàn với dịch bệnh. Phải tổ chức thực hiện nghiêm ngặt, thực chất hơn giãn cách xã hội với tinh thần “ai ở đâu ở đó”; giữ vững “vùng xanh”, “xanh hóa vùng vàng, thu hẹp vùng đỏ”; cách ly, phong tỏa triệt để, chặt chẽ các ổ dịch, nguồn lây trong thời gian nhanh nhất, phạm vi nhỏ nhất và xét nghiệm nhanh nhất, không được để lây nhiễm chéo trong khu cách ly, phong tỏa, gắn với xét nghiệm thần tốc, cuốn chiếu theo quy định; đưa dịch vụ y tế đến gần người dân nhất, ngay tại xã, phường, thị trấn, ưu tiên hàng đầu việc điều trị giảm tử vong.
Các bộ, cơ quan, địa phương lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân
Tại văn bản văn bản số 6858/VPCP-KTTH ngày 24/9/2021, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương thành lập ngay Tổ công tác đặc biệt của bộ, cơ quan, địa phương về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.
Tăng cường bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ và xử lý vi phạm trong phòng, chống dịch COVID-19
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 1118/CĐ-TTg ngày 7/9/2021 yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ và xử lý vi phạm trong phòng, chống dịch COVID-19.
Trong Công điện, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương đẩy mạnh thực hiện các kế hoạch, phương án bảo đảm an ninh trật tự trong thời gian dịch bệnh; tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, tập trung trấn áp tội phạm có tổ chức liên quan đến "tín dụng đen", tội phạm chống người thi hành công vụ, nhất là chống lại các lực lượng chức năng tham gia phòng, chống dịch COVID-19; xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng chính sách phòng, chống dịch COVID-19 và việc quyên góp, ủng hộ của nhân dân để trục lợi, các vi phạm liên quan đến sản xuất, kinh doanh trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh trong công tác phòng, chống dịch COVID-19... Kịp thời rà soát, phát hiện và xử lý nghiêm hành vi tung tin giả, xuyên tạc, không đúng sự thật trên không gian mạng liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Quản lý chặt việc cấp phép sản xuất và xuất, nhập khẩu trang thiết bị phòng dịch
Tại văn bản 6313/VPCP-V.I ngày 9/9/2021, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, lực lượng chức năng tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, giám sát để xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, buôn bán khẩu trang, găng tay không bảo đảm chất lượng, nguồn gốc và lợi dụng tình hình dịch COVID-19 để đầu cơ, tăng giá bất hợp lý các mặt hàng thiết yếu; đồng thời, quản lý chặt chẽ việc cấp phép sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu găng tay, khẩu trang y tế, trang thiết bị phòng dịch.
Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19
Ngày 9/9/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19.
Theo đó, Chính phủ quyết nghị 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu:
1. Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.
2. Bảo đảm ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng.
3. Hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
4. Tạo điều kiện thuận lợi về lao động, chuyên gia.
Hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Hỗ trợ bằng tiền cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp
Đối tượng áp dụng là người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm ngày 30/9/2021.
Người lao động đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp do chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 30/9/2021 có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu theo quy định của pháp luật về việc làm, không bao gồm người hưởng lương hưu hàng tháng.
Mức hỗ trợ từ 1,8 triệu đến 3,3 triệu đồng/người trên cơ sở thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động.
Giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19
Đối tượng áp dụng là người sử dụng lao động quy định tại Điều 43 của Luật Việc làm (không bao gồm các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên) đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp trước ngày 1/10/2021.
Mức giảm đóng: Người sử dụng lao động được giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Thời gian thực hiện giảm mức đóng: 12 tháng, kể từ ngày 1/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022.
Giảm 30% tiền thuê đất năm 2021 cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19
Ngày 25/9/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 27/2021/QĐ-TTg về việc giảm tiền thuê đất của năm 2021 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Đối tượng áp dụng là tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo quyết định hoặc hợp đồng của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm (người thuê đất).
Quy định này áp dụng cho cả trường hợp người thuê đất không thuộc đối tượng miễn, giảm tiền thuê đất và trường hợp người thuê đất đang được giảm tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan.
Quyết định quy định giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2021 đối với người thuê đất quy định ở trên; không thực hiện giảm trên số tiền thuê đất còn nợ của các năm trước năm 2021 và tiền chậm nộp (nếu có).
Bảo đảm an sinh xã hội và an toàn phòng, chống dịch
Tại văn bản số 6324/VPCP-KGVX ngày 10/9/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TPHCM, Bình Dương rà soát, khắc phục ngay các tồn tại về hỗ trợ y tế, lương thực, thực phẩm cho người dân; bảo đảm yêu cầu giãn cách, cách ly theo quy định.
Thủ tướng yêu cầu TPHCM khẩn trương rà soát, kịp thời hỗ trợ người dân khó khăn
Tại văn bản số 6611/VPCP-KGVX, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu UBND TPHCM chỉ đạo kiểm tra, kịp thời hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn nhưng không thuộc đối tượng theo quy định; khẩn trương rà soát, không để sót, lọt đối tượng, không để người dân "thiếu ăn”, không để bất bình đẳng trong việc nhận hỗ trợ; xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng kích động người dân gây mất an ninh trật tự và an toàn phòng, chống dịch COVID-19.
Hoàn thiện quy trình cấp phép vaccine và sản xuất sinh phẩm phòng, chống dịch COVID-19
Tại Thông báo số 248/TB-VPCP ngày 16/9/2021 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp về nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thử nghiệm lâm sàng sản xuất thuốc, vaccine, sinh phẩm phòng, chống dịch COVID-19, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế quan tâm, hỗ trợ hơn nữa đối với các đơn vị nghiên cứu vaccine phòng COVID-19 trong việc hoàn thiện, bổ sung hồ sơ gửi Hội đồng đạo đức, Hội đồng cấp phép của Bộ Y tế cho ý kiến để xem xét việc cấp phép khẩn cấp, trước mắt là vaccine Nanocovax; xin ý kiến các thành viên của 2 Hội đồng trong việc khuyến nghị đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về vaccine phòng COVID-19, nhất là vaccine cho trẻ em, phương án phối trộn các loại vaccine, kế hoạch sử dụng vaccine năm 2022.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan hỗ trợ các doanh nghiệp sớm sản xuất test nhanh kháng nguyên đạt hiệu quả trên nhiều chủng của virus SARS-CoV-2 với tinh thần "sớm nhất, tiện dụng nhất".
Nghị quyết của Chính phủ về mua vaccine phòng COVID-19
Theo Nghị quyết 109/NQ-CP, Chính phủ đồng ý việc Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu đối với việc mua vaccine phòng COVID-19 Abdala do Trung tâm Kỹ thuật di truyền và công nghệ sinh học Cuba sản xuất, trong đó có việc tiếp nhận đủ số lượng 10 triệu liều vaccine.
Tại Nghị quyết 110/NQ-CP, Chính phủ đồng ý việc Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu đối với việc mua 20 triệu liều vaccine phòng COVID-19 Vero Cell của Tập đoàn Sinopharm, Trung Quốc.
Không được thu phí, trục lợi trong tiêm vaccine phòng COVID-19
Ngày 22/9/2021, Văn phòng Chính phủ có Công điện 6741/CĐ-VPCP truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Nghiêm cấm mọi hành vi tiêu cực tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm trong việc mua sắm, sử dụng vật tư, trang thiết bị y tế, các sinh phẩm xét nghiệm và tiêm chủng vaccine; không được thu phí tiêm chủng hay bất kỳ biểu hiện trục lợi nào khác trong việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho người dân.
Thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản
Ngày 21/9/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký ban hành Chỉ thị 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Chỉ thị yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm không đứt gãy chuỗi sản xuất nông nghiệp; bảo đảm đáp ứng đầy đủ nông sản cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và chế biến, xuất khẩu trong mọi tình huống, đặc biệt là các tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán; chỉ đạo và tăng cường giám sát việc tái cơ cấu nông nghiệp theo 3 trục sản phẩm (sản phẩm chủ lực quốc gia, đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP) bảo đảm tiến độ và hiệu quả; xây dựng, triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế số trong nông nghiệp; chỉ đạo, tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp phòng, chống các loại dịch bệnh trên vật nuôi, cây trồng và thủy sản…
Quy định rõ 'người có app xanh được di chuyển'
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an và các cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ và thống nhất dùng chung một ứng dụng (app) cho nhân dân, trong đó quy định rõ "người có app xanh được di chuyển, người có app vàng hạn chế di chuyển, người có app đỏ thì không được di chuyển (ở nhà)".
Cần phải thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh
Tại Thông báo 256/TB-VPCP ngày 23/9/2021 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp với các nhà khoa học về phòng, chống dịch COVID-19 nêu rõ: Nhiều nhà khoa học thống nhất việc không thể kiểm soát dịch COVID-19 một cách tuyệt đối, vì vậy chúng ta thống nhất, cần phải thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh; cần có biện pháp, bước đi phù hợp để “thích ứng an toàn, linh hoạt” hoặc “sống chung” với dịch bệnh. Bộ Y tế cần tiếp thu các ý kiến và khẩn trương nghiên cứu, xác định rõ các tiêu chí thế nào là thích ứng an toàn, linh hoạt, thích ứng an toàn có kiểm soát; tiêu chí kiểm soát được dịch bệnh...
Tập trung phòng, chống dịch, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy phát triển KTXH. |
Tập trung phòng, chống dịch, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy phát triển KTXH
Ngày 30/9/2021, Văn phòng Chính phủ ban hành Công điện số 7036/CĐ-VPCP truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các đồng chí bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, các đồng chí bí thư tỉnh ủy, thành ủy, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời tập trung lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công tại Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
Đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2030
Ngày 2/9/2021, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh ký ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg về việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2030.
Trong đó yêu cầu triển khai thực hiện cải cách thủ tục hành chính một cách quyết liệt, thực chất, hiệu quả hơn; tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh và các quy định thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, không cần thiết, trọng tâm là các thủ tục hành chính đang gây trở ngại, kìm hãm hoạt động sản xuất, kinh doanh và các thủ tục hành chính khác liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Khẩn trương hoàn thành rà soát, thống kê, đánh giá và đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định, chi phí tuân thủ liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý, bảo đảm chất lượng, hiệu quả và đúng tiến độ.
Đẩy mạnh phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng cấp nào sát cơ sở, sát nhân dân nhất thì giao cho cấp đó giải quyết, bảo đảm nguyên tắc quản lý ngành, lãnh thổ, không để tình trạng nhiều tầng nấc, kéo dài thời gian giải quyết và gây nhũng nhiễu, tiêu cực, phiền hà cho nhân dân.
Đẩy mạnh triển khai Chiến lược Văn hóa đối ngoại
Ngày 10/9/2021, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai Chiến lược Văn hóa đối ngoại của Việt Nam.
Chỉ thị yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa nói chung, văn hóa đối ngoại nói riêng, các quan điểm, mục tiêu của Chiến lược Văn hóa đối ngoại của Việt Nam trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế; tăng cường quảng bá hình ảnh quốc gia ra nước ngoài dưới nhiều hình thức; gìn giữ, phát huy tiếng Việt, bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc…
Thủ tướng chỉ đạo triển khai chương trình "Sóng và máy tính cho em"
Để kịp thời hỗ trợ việc học tập theo hình thức trực tuyến và thúc đẩy phát triển xã hội số, tại văn bản 6235/VPCP-KGVX ngày 7/9/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương xây dựng và triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em”, hỗ trợ việc học tập theo hình thức trực tuyến, thúc đẩy phát triển xã hội số.
Tăng cường điều kiện bảo đảm thực hiện Kế hoạch năm học mới hiệu quả, chất lượng
Ngày 20/9/2021, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký ban hành Công điện số 1190/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường điều kiện bảo đảm thực hiện Kế hoạch năm học mới 2021-2022 hiệu quả, chất lượng.
Công điện yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát chương trình giáo dục các cấp học, xác định các nội dung cốt lõi của chương trình; hướng dẫn các địa phương tổ chức dạy học phù hợp với tình hình dịch bệnh, xây dựng các bài giảng chất lượng tốt để tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình khi học sinh không thể đến trường do phải thực hiện giãn cách xã hội hoặc tăng cường giãn cách xã hội. Chú trọng hơn nữa trong bảo đảm công bằng giáo dục giữa thành thị và nông thôn, giữa nơi có dịch và không có dịch.
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp công nghiệp ICT tổ chức chương trình hỗ trợ máy tính, thiết bị học tập trực tuyến…
Bổ sung quy định về hoạt động thương mại điện tử của thương nhân nước ngoài
Tại Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ban hành ngày 25/9/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử, Chính phủ đã bổ sung các quy định liên quan đến hoạt động thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài.
Trong đó, Nghị định 85/2021/NĐ-CP quy định thương nhân, tổ chức nước ngoài có website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam là thương nhân, tổ chức có một trong các hình thức hoạt động sau: Website thương mại điện tử dưới tên miền Việt Nam; website thương mại điện tử có ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt; website thương mại điện tử có trên 100.000 lượt giao dịch từ Việt Nam trong một năm.
Thương nhân, tổ chức nước ngoài có website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam theo quy định trên thực hiện đăng ký hoạt động thương mại điện tử theo quy định tại Nghị định này và thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam theo quy định của pháp luật hoặc chỉ định đại diện theo ủy quyền của mình tại Việt Nam.
Kéo dài thí điểm quản lý lao động, tiền lương ở một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước
Ngày 29/9/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 87/2021/NĐ-CP về kéo dài thời gian thực hiện và sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2020/NĐ-CP ngày 17/2/2020 của Chính phủ về thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước.
Theo đó, sẽ kéo dài việc thực hiện các quy định về tiền lương, tiền thưởng của người lao động và ban điều hành; tiền lương, thù lao, tiền thưởng của thành viên hội đồng thành viên, hội đồng quản trị, trưởng ban kiểm soát và kiểm soát viên, thay vì chỉ được thực hiện đến hết ngày 31/12/2020.
Nghị định số 87/2021/NĐ-CP nêu rõ các quy định tại Nghị định này được thực hiện từ ngày 1/1/2021 cho đến khi Chính phủ ban hành Nghị định mới quy định quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp Nhà nước theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp có hiệu lực thi hành.
Quy định mới về công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, nghiên cứu khoa học
Ngày 25/9/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 86/2021/NĐ-CP quy định việc công dân Việt Nam ra nước ngoài giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật.
Trong đó, Nghị định quy định cụ thể quyền và trách nhiệm của du học sinh học bổng ngân sách Nhà nước; quyền và trách nhiệm của công dân Việt Nam ra nước ngoài giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật.
Thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại 9 tỉnh, thành phố
Chính phủ ban hành Nghị quyết 102/NQ-CP ngày 7/9/2021 thí điểm thực hiện thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại huyện, quận, thị xã, thành phố của 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Gia Lai trên cơ sở sử dụng đội ngũ công chức, viên chức hiện có, không làm tăng biên chế. Thời gian thí điểm là 1 năm.
Nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030
Ngày 27/9/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 119/NQ-CP về các nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030.
Mục tiêu nhằm hoàn thành việc lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 theo quy định của pháp luật về quy hoạch trước ngày 31/12/2022.
Hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn các luật, pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Luật Quy hoạch và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành, tiêu chuẩn, điều kiện đầu tư, kinh doanh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và người dân trước ngày 31/10/2021.
Phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Ngày 1/9/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1454/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quyết định do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký thay Thủ tướng Chính phủ. Đây là quy hoạch chuyên ngành đầu tiên được phê duyệt theo Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14, được đánh giá có quy mô, phạm vi và sức ảnh hưởng lớn trong 37 quy hoạch chuyên ngành quốc gia của cả nước.
Phân công công tác của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1460/QĐ-TTg ngày 6/9/2021 phân công công tác của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ.
Theo nguyên tắc, Thủ tướng Chính phủ thực hiện đầy đủ nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Chính phủ; lãnh đạo toàn diện và điều hành công tác của Chính phủ, các thành viên Chính phủ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các cấp; trực tiếp chỉ đạo, điều hành các công việc lớn, quan trọng, những vấn đề có tính chiến lược trên tất cả các lĩnh vực công tác thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ phân công các Phó Thủ tướng giúp Thủ tướng theo dõi, chỉ đạo, xử lý các công việc thường xuyên thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ trong từng lĩnh vực công tác của Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ không xử lý những nhiệm vụ, lĩnh vực, công việc đã phân công cho Phó Thủ tướng.
Theo Quyết định, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Ban Cán sự đảng Chính phủ làm nhiệm vụ Phó Thủ tướng Thường trực.
Đến năm 2030 tìm kiếm, quy tập khoảng 15.000 hài cốt liệt sĩ
Theo Quyết định 1515/QĐ-TTg ngày 14/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin đến năm 2030 và những năm tiếp theo, Kế hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030 tìm kiếm, quy tập được khoảng 15.000 hài cốt liệt sĩ.
Đối với việc xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, phấn đấu đến năm 2030 xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng phương pháp giám định ADN được khoảng 20.000 mẫu hài cốt liệt sĩ; phấn đấu xác minh, kết luận 60% mộ liệt sĩ còn thiếu thông tin trong các nghĩa trang liệt sĩ bằng phương pháp thực chứng.
Tăng cường trí thức trẻ tình nguyện đến các khu kinh tế - quốc phòng
Ngày 15/9/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1529/QĐ-TTg phê duyệt nội dung thực hiện Dự án “Tăng cường trí thức trẻ tình nguyện đến công tác tại các khu kinh tế - quốc phòng” đến hết năm 2030.
Theo đó, có 2.500 chỉ tiêu tuyển dụng; thực hiện trong 5 đợt (thời gian thực hiện mỗi đợt là 24 tháng).
Thủ tướng phê duyệt biên chế công chức năm 2022
Theo Quyết định số 1575/QĐ-TTg ban hành ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ, tổng biên chế công chức năm 2022 của các cơ quan, tổ chức hành chính Nhà nước, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài (không bao gồm biên chế của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và cán bộ, công chức cấp xã), biên chế của các hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước và biên chế công chức dự phòng là 256.685 biên chế.
Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Quyết định 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu đến năm 2030 phát triển hệ thống cảng biển đồng bộ, hiện đại, dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, an toàn hàng hải và bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần đưa nước ta cơ bản trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030.
Cấp xã, phường, thị trấn là lực lượng nòng cốt tuyên truyền người dân chống khai thác IUU
Theo Thông báo 245/TB-VPCP ngày 14/9/2021 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến về chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển phải xác định cấp xã, phường, thị trấn là lực lượng nòng cốt trong việc quản lý, giáo dục, tuyên truyền người dân đối với công tác chống khai thác IUU. Trong đó yêu cầu cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn phải: Chịu trách nhiệm chính, sâu sát, trực tiếp, nắm vững địa bàn quản lý, tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ pháp luật, bảo đảm “Dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo và dân làm”; có kế hoạch theo dõi, quản lý chặt chẽ các đối tượng, nắm chắc địa bàn để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các tàu cá đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề xuất thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc
Văn bản số 6345/VPCP-KGVX ngày 10/9/2021 cho biết Thủ tướng Chính phủ cơ bản đồng ý với đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về phương án thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc.
UBND tỉnh Kiên Giang chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và cơ quan, đơn vị liên quan, có văn bản lấy ý kiến các tổ chức, đoàn thể xã hội đại diện cho nhân dân Phú Quốc, các hiệp hội, các doanh nghiệp liên quan để xây dựng, ban hành kế hoạch cụ thể và tổ chức thực hiện vào thời điểm phù hợp.
Khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 5, chủ động ứng phó mưa lũ
Ngày 12/9/2021, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 6384/VPCP-NN gửi tới UBND các tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và thành phố Đà Nẵng; các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải; Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn về việc khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 5 và chủ động ứng phó mưa lũ.
Trong đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành - Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, các bộ, ngành và các địa phương khẩn trương chỉ đạo khắc phục nhanh hậu quả bão, lũ, chủ động huy động lực lượng hỗ trợ người dân nhanh chóng sửa chữa lại nhà cửa bị hư hại, tốc mái; hỗ trợ các hộ khó khăn ổn định đời sống; khắc phục sự cố sạt lở và triển khai công tác bảo đảm an toàn giao thông, nhất là qua ngầm tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết.
Tăng cường kiểm soát trật tự ATGT gắn với phòng, chống dịch COVID-19
Tại văn bản số 6864/VPCP-CN ngày 25/9/2021, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông gắn với yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh COVID-19./.
Theo Baochinhphu.vn