Thứ sáu 29/03/2024 17:32 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tháng 5/2020

20:50 | 02/06/2020

Quyết không để dịch bệnh quay trở lại; tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản; xử lý nghiêm các hành vi xâm hại trẻ em; quy định mới về thuế nhập khẩu linh kiện ô tô;... là những thông tin chỉ đạo, điều hành nổi bật tháng 5/2020 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

chi dao dieu hanh cua chinh phu thu tuong chinh phu noi bat thang 52020
Ảnh minh họa

Quyết không để dịch bệnh quay trở lại

Trong tháng 5, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành các văn bản chỉ đạo về phòng, chống dịch COVID-19, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng COVID-19.

Cụ thể, tại Thông báo 177/TB-VPCP ngày 8/5/2020 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Dỡ bỏ giãn cách và giới hạn số chỗ trên phương tiện giao thông công cộng (máy bay, xe khách, tàu thủy, tàu hỏa…).

Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho mở lại và bỏ quy định giãn cách đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ với yêu cầu thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay; riêng đối với các cơ sở dịch vụ như nhà hàng, quán ăn thì chỉ yêu cầu sát khuẩn tay. Chưa cho mở lại vũ trường, dịch vụ karaoke.

Đồng ý tổ chức các hoạt động thể dục thể thao, hoạt động có tập trung đông người với yêu cầu phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay; đồng ý các cơ sở khám chữa bệnh trở lại hoạt động bình thường, bảo đảm phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân.

Không bắt buộc giãn cách trong trường, lớp học; không bắt buộc học sinh đeo khẩu trang trong lớp học. Nhà trường tăng cường thực hiện các biện pháp lau khử khuẩn bề mặt, vệ sinh phòng, lớp học, nhà vệ sinh, bảo đảm phòng, lớp học thông thoáng, học sinh giữ gìn vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay sát khuẩn.

* Tiếp theo, tại Thông báo 182/TB-VPCP ngày 15/5/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tiếp tục huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, phát huy tinh thần đoàn kết, quyết tâm nỗ lực khắc phục khó khăn, đổi mới sáng tạo để thực hiện thắng lợi mục tiêu kép vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vừa phòng chống dịch hiệu quả trong điều kiện bình thường mới, bảo đảm sự bình yên cho nhân dân.

Các lực lượng y tế, quân đội, công an, chính quyền các cấp không được chủ quan, lơ là công tác phòng, chống dịch, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, các đô thị lớn, đông dân cư; phải bảo đảm sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh, quyết không để dịch bệnh quay trở lại.

* Tại công văn 3892/VPCP-V.I ngày 18/05/2020 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 3339/VPCP-V.I ngày 27/4/2020 của Văn phòng Chính phủ, đảm bảo việc thực hiện các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, thuốc chữa bệnh... phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 được thực hiện công khai, minh bạch và chất lượng; tránh tình trạng thông đồng, đẩy giá hàng hóa lên cao nhằm trục lợi tiền ngân sách nhà nước.

* Theo Thông báo 183/TB-VPCP ngày 15/05/2020 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp với chủ đề "Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế", Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các cơ quan chức năng hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua thách thức do dịch COVID-19 gây ra, đón thời cơ, phục hồi kinh tế.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương xem xét, xử lý các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan liên theo thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ được giao với tinh thần quyết liệt, triệt để tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh; tập trung thực hiện ngay các nhiệm vụ, giải pháp thuộc thẩm quyền; báo cáo kịp thời các cấp những vấn đề vượt thẩm quyền để khai thông nguồn lực cho sản xuất kinh doanh và thúc đẩy đầu tư; khắc phục triệt để tình trạng cố tình gây khó khăn, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp của một số bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, sự trì trệ, thiếu trách nhiệm tại một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong thời gian qua, đặc biệt là cấp cơ sở.

* Ngày 29/5/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Chính phủ quyết nghị tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm trật tự an toàn xã hội để duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế, phấn đấu thực hiện cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội đề ra. Trong đó, Chính phủ đưa ra 3 nhiệm vụ, giải pháp thuộc thẩm quyền của Chính phủ:

1- Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

2- Thu hút vốn đầu tư toàn xã hội.

3- Đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công

Tăng cường tiết kiệm điện

Ngày 7/5/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 - 2025; trong đó yêu cầu cả nước phải phấn đấu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2,0% tổng điện năng tiêu thụ.

Để đạt được mục tiêu này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các doanh nghiệp và các tổ chức đoàn thể - xã hội thực hiện 5 giải pháp sau: 1- Thực hiện tiết kiệm điện tại cơ quan, công sở; 2- Thực hiện tiết kiệm điện trong chiếu sáng công cộng, chiếu sáng cho mục đích quảng cáo, trang trí ngoài trời; 3- Thực hiện tiết kiệm điện tại các hộ gia đình; 4- Thực hiện tiết kiệm điện tại các cơ sở kinh doanh thương mại và dịch vụ; 5- Thực hiện tiết kiệm điện tại doanh nghiệp sản xuất.

Tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Tại Chỉ thị 21/CT-TTg ban hành ngày 25/05/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương thường xuyên kiểm tra về nội dung, điều kiện hoạt động của các doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực thương mại điện tử; quản lý, giám sát hoạt động thương mại điện tử và các mô hình hoạt động kinh doanh trên ứng dụng công nghệ số, phòng ngừa hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; phối hợp các bộ, ngành kiểm tra các hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, kịp thời phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật để có biện pháp xử lý.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an các cấp kịp thời phát hiện, xử lý các sai phạm liên quan đến đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh các loại hình kinh doanh dịch vụ như công ty tài chính, cầm đồ, môi giới việc làm, nhà đất, du học, đưa người đi lao động ở nước ngoài, thương mại và thanh toán điện tử… để phòng ngừa hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bộ Tài chính chủ động phòng ngừa hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán…; thực hiện nghiêm các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan đến định giá tài sản, giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính, bảo đảm căn cứ để khởi tố, điều tra, xử lý tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Chỉ thị đẩy mạnh các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt

Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 26/05/2020 về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương hoàn thành việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử, đáp ứng yêu cầu phát triển các mô hình, sản phẩm dịch vụ thanh toán mới; chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định thay thế Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt trước ngày 1/7/2020; tiếp tục nghiên cứu ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách thích hợp về phí dịch vụ thanh toán để khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo hoàn thành xây dựng, phát triển Hệ thống bù trừ điện tử tự động cho các giao dịch thanh toán bán lẻ (ACH), chính thức đưa vào vận hành, triển khai dịch vụ hoàn thành trước ngày 15/12/2020; chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ việc triển khai các mô hình dịch vụ thanh toán mới để kịp thời đảm bảo công tác quản lý, đáp ứng yêu cầu thực tiễn...

Xử lý nghiêm các hành vi xâm hại trẻ em

Theo Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/05/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, để tăng cường bảo đảm thực hiện quyền, lợi ích của trẻ em và bảo vệ trẻ em, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng trẻ em tử vong do tai nạn thương tích, vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em, bạo lực, xâm hại tình dục, trẻ em lang thang kiếm sống trên địa bàn hoặc không hỗ trợ, can thiệp, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm quyền trẻ em.

Xử lý nghiêm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân, kể cả cha mẹ, người chăm sóc trẻ em khi có hành vi vi phạm pháp luật về trẻ em, nhất là các hành vi xâm hại trẻ em, bao che, chậm chễ, cố tình kéo dài các vụ việc vi phạm quyền trẻ em với phương châm "đúng người, đúng việc, đúng thẩm quyền, đúng trách nhiệm".

Đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề

Tại Chỉ thị 24/CT-TTg ngày 28/05/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề; tăng cường chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến, chú trọng đào tạo lại và đào tạo thường xuyên lực lượng lao động để tạo chuyển biến mạnh mẽ về quy mô, chất lượng và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp; bảo đảm người học có kỹ năng chuyên môn, kỹ năng số, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp và ngoại ngữ… thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động. Phấn đấu đến năm 2030, giáo dục nghề nghiệp Việt Nam tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, đến năm 2045 tiếp cận trình độ các nước G20.

Các bộ, ngành, địa phương tăng cường gắn kết chặt chẽ 3 “Nhà”: Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp trong các hoạt động giáo dục nghề nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp công nhận, tuyển dụng, sử dụng, trả tiền lương, tiền công cho người lao động dựa trên kỹ năng và năng lực hành nghề; tuyển dụng, sử dụng người lao động đã qua đào tạo hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo quy định của pháp luật...

Tập trung ứng phó nắng nóng, hạn hán và xâm nhập mặn tại Trung Bộ, Tây Nguyên

Ngày 21/05/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 601/CĐ-TTg chỉ đạo tập trung ứng phó với nắng nóng, hạn hán và xâm nhập mặn tại khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên.

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 22/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, kiên quyết không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, nhất là các tỉnh: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận triển khai thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống hạn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: tổ chức nạo vét kênh mương, hệ thống thủy lợi; đào ao, giếng, đắp đập tạm để trữ nước, ngăn mặn; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt; lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến; triển khai kéo dài mạng lưới đường ống dẫn nước để kết nối nguồn nước từ đô thị phục vụ khu vực nông thôn; vận chuyển nước sinh hoạt cho người dân, trường học, bệnh viện, cơ sở y tế tại các khu vực không đảm bảo nguồn nước,... Tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp tích trữ nước, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, triệt để chống thất thoát, lãng phí nước…

Cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh

Ngày 12/05/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025. Mục tiêu trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025 là cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31/5/2020 được các bộ, cơ quan thống kê, tính chi phí tuân thủ và công bố lần đầu (trước ngày 31/10/2020); đồng thời, giảm tối đa số lượng văn bản hiện hành có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ.

Xử lý vướng mắc một số dự án do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp làm đại diện chủ sở hữu

Ngày 21/05/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết 75/NQ-CP về việc xử lý vướng mắc đối với một số dự án đầu tư của các doanh nghiệp do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp làm đại diện chủ sở hữu.

Trong đó, Nghị quyết quy định xác định cơ quan chủ quản, thẩm quyền quyết định đầu tư và phân định trách nhiệm giữa Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các bộ. Cụ thể, đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công, các bộ là cơ quan chủ quản, quyết định đầu tư đối với dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương để hình thành tài sản công và giao cho doanh nghiệp quản lý, nhưng chưa tính thành phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 4 và Khoản 10 Điều 4, Khoản 2 Điều 35, Khoản 3 Điều 60, Khoản 4 Điều 61 Luật Đầu tư công và Điều 97 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Đối với dự án đầu tư kinh doanh sử dụng vốn đầu tư phát triển của các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và Nghị định số 131/2018/NĐ-CP ngày 29/9/2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Cấp thị thực điện tử cho công dân 80 nước

Tại Nghị quyết 79/NQ-CP ban hành ngày 25/05/2020, Chính phủ quyết nghị danh sách các nước có công dân được cấp thị thực điện tử theo quy định tại khoản 10 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam ngày 25/11/2019 gồm 80 nước: Áo, Ba Lan, Bỉ, Bồ Đào Nha, Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Cộng hòa Liên bang Đức, Ấn Độ, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, I-ta-li-a, Phần Lan, Pháp, Trung Quốc,...

Danh sách các cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử theo quy định tại khoản 10 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam ngày 25/11/2019, bao gồm: 8 cửa khẩu đường hàng không, 16 cửa khẩu đường bộ và 13 cửa khẩu đường biển.

6 nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng

Ngày 26/05/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng đề ra 6 nhiệm vụ, giải pháp, trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật; thông tin về chất lượng hàng hóa, dịch vụ và cảnh báo về nguy cơ mất an toàn cho người tiêu dùng trên nguyên tắc công khai, minh bạch và đa dạng hóa phương thức truyền thông; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm và hỗ trợ người tiêu dùng; đẩy mạnh xã hội hoá, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ và tổ chức xã hội trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;...

Quy định mới về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải

Ngày 5/5/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 53/2020/NĐ-CP quy định phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, trong đó, mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt là 10% trên giá bán của 1m3 nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Trường hợp cần áp dụng mức phí cao hơn, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định mức phí cụ thể cao hơn đối với từng đối tượng chịu phí.

Hướng dẫn Luật Thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại

Ngày 22/05/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Thi hành án hình sự về thi hành án đối với pháp nhân thương mại, trong đó, Nghị định hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại.

Quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA)

Ngày 25/05/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 56/2020/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.

Theo đó, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về vốn ODA, vốn vay ưu đãi trên cơ sở bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn và khả năng trả nợ; thực hiện phân cấp gắn với trách nhiệm, quyền hạn, năng lực của bộ, cơ quan trung ương, địa phương; bảo đảm sự phối hợp quản lý, giám sát và đánh giá của các cơ quan có liên quan theo quy định hiện hành của pháp luật.

Quy định mới thuế nhập khẩu linh kiện ô tô

Chính phủ ban hành Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25/05/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP.

Trong đó, Nghị định số 57/2020/NĐ-CP bổ sung Điều 7b về thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện để sản xuất, gia công (lắp ráp) các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô giai đoạn năm 2020 - năm 2024 (Chương trình ưu đãi thuế CNHT ô tô) vào Nghị định số 122/2016/NĐ-CP.

Cụ thể, quy định thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được để sản xuất, gia công (lắp ráp) các sản phẩm hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô (sản phẩm CNHT ô tô).

Mức đóng BHXH bắt buộc vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Mức đóng và phương thức đóng bảo hiểm xã hội vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được quy định cụ thể tại Nghị định số 58/2020/NĐ-CP ngày 27/05/2020 của Chính phủ.

Quy định cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự

Theo Nghị định số 59/2020/NĐ-CP ban hành ngày 27/05/2020 của Chính phủ quy định cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự, cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự là tập hợp thông tin về tình hình, kết quả thi hành án hình sự và thông tin khác có liên quan đến người, pháp nhân thương mại chấp hành bản án, quyết định của Tòa án về các hình phạt và biện pháp tư pháp.

Cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự do Bộ Công an thống nhất quản lý là một bộ phận của hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin phòng, chống tội phạm nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước về thi hành án hình sự.

Quy chế quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia

Ngày 15/05/2020, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 16/2020/QĐ-TTg ban hành Quy chế quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia. Theo đó, việc quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia phải đảm bảo nguyên tắc quản lý chặt chẽ về số lượng và chất lượng, bảo đảm bí mật, an toàn; chủ động đáp ứng kịp thời yêu cầu, mục tiêu dự trữ quốc gia; xăng dầu dự trữ quốc gia sau khi xuất cấp phải được bù lại đầy đủ, kịp thời.

Xăng dầu dự trữ quốc gia phải được sử dụng đúng mục đích, đúng quy định của pháp luật; không được sử dụng xăng dầu dự trữ quốc gia để kinh doanh; ngoài ra, phải tính đúng, tính đủ chi phí bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia hàng năm theo quy định.

Tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Ngày 26/05/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn số 622/TTg-KTTH đề nghị các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy và yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020.

Theo BaoChinhphu.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load