Thứ sáu 29/03/2024 14:25 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tháng 11/2022

20:56 | 01/12/2022

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; tuyệt đối không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống; tăng cường đấu tranh, triệt phá các ổ nhóm, đường dây cá độ bóng đá;... là những chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tháng 11/2022.

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tháng 11/2022
Bảo đảm tuyệt đối không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống.

Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 1076/CĐ-TTg ngày 10/11/2022 yêu cầu các Bộ ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải quyết liệt, chủ động, tích cực, sát sao, cụ thể, thực sự vào cuộc thực chất hơn và theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao hướng dẫn xử lý, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn một cách kịp thời, hiệu quả. Tăng cường tần suất kiểm tra hiện trường để chấn chỉnh ngay các tồn tại, bất cập; người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công…

Tuyệt đối không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký Công điện số 1085/CĐ-TTg ngày 11/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu, trong đó yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo ngay các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước, bảo đảm tuyệt đối không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống.

Thủ tướng chỉ đạo tăng cường đấu tranh, triệt phá các ổ nhóm, đường dây cá độ bóng đá

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện 1123/CĐ-TTg ngày 25/11/2022 về việc tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến cá độ bóng đá.

Tại Công điện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nắm chắc tình hình, quản lý chặt chẽ các đối tượng, địa bàn trọng điểm; tổ chức đấu tranh, triệt phá các ổ nhóm, đường dây, đối tượng hoạt động cờ bạc, cá độ bóng đá, nhất là trong thời gian diễn ra vòng chung kết World Cup 2022.

Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, không tham gia các hoạt động cờ bạc, nhất là cá độ bóng đá qua mạng internet.

Thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt.

Chỉ thị yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công an và các cơ quan liên quan thúc đẩy việc triển khai chi trả qua tài khoản (bao gồm tài khoản ngân hàng, ví điện tử, tài khoản mobile money và các hình thức hợp pháp khác) cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội, thực hiện chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội ngay trong năm 2022.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán nghiên cứu có chính sách hỗ trợ, ưu đãi về phí dịch vụ thanh toán cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội khi mở, sử dụng tài khoản ngân hàng, ví điện tử để nhận hỗ trợ từ ngân sách nhà nước…

Phấn đấu năm 2030 kinh tế khu vực đô thị đóng góp 85% vào GDP cả nước

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chương trình đưa ra mục tiêu phấn đấu kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GDP cả nước khoảng 75% vào năm 2025 và khoảng 85% vào năm 2030. Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của các đô thị trực thuộc trung ương đạt bình quân 25 - 30% vào năm 2025, 35 - 40% vào năm 2030; xây dựng được mạng lưới đô thị thông minh trung tâm cấp quốc gia và cấp vùng kết nối quốc tế và 3 - 5 đô thị có thương hiệu được công nhận tầm khu vực và quốc tế vào năm 2030.

Chương trình hành động của Chính phủ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên

Chính phủ ban hành Nghị quyết số 152/NQ-CP ngày 15/11/2022 Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nghị quyết đặt mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 7 - 7,5%. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 130 triệu đồng, tương đương 5.000 USD; tỉ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm khoảng 29,5% trong GRDP; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 26,9%; khu vực dịch vụ chiếm khoảng 38%.

Quản lý, bảo đảm an ninh, trật tự tại cửa khẩu đường hàng không

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Nghị định 93/2022/NĐ-CP ngày 7/11/2022 của Chính phủ về quản lý, bảo đảm an ninh, trật tự tại cửa khẩu đường hàng không.

Nghị định này quy định việc quản lý, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội tại cửa khẩu đường hàng không; khu vực cửa khẩu đường hàng không; trách nhiệm của các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có cửa khẩu đường hàng không; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu đường hàng không.

6 bước biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Nghị định số 94/2022/NĐ-CP ngày 7/11/2022 quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Theo quy định, quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP), chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (GRDP) gồm 6 bước: 1- Thu thập thông tin đầu vào phục vụ biên soạn GDP, GRDP; 2- Tính các chỉ tiêu phục vụ biên soạn GDP, GRDP; 3- Biên soạn số liệu GDP, GRDP; 4- Rà soát, đánh giá lại GDP, GRDP; 5- Công bố, phổ biến số liệu GDP, GRDP; 6- Lưu trữ số liệu GDP, GRDP.

Chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của 3 Bộ

Chính phủ ban hành 3 Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của 3 Bộ: Bộ Y tế (Nghị định số 95/2022/NĐ-CP ngày 15/11/2022); Bộ Tư pháp (Nghị định số 98/2022/NĐ-CP ngày 29/11/2022); Bộ Công Thương (Nghị định 96/2022/NĐ-CP ngày 29/11/2022).

Năm 2023 hoàn thành việc trình Quốc hội thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký Nghị quyết 150/NQ-CP ngày 14/11/2022 ban hành Kế hoạch hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Mục đích của kế hoạch nhằm cụ thể hóa mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý và sử dụng đất đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đến năm 2023 hoàn thành việc trình Quốc hội thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Chương trình hành động của Chính phủ phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ

Chính phủ ban hành Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 23/11/2022 Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nghị quyết đặt mục tiêu phấn đấu một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 8 - 8,5%. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 380 triệu đồng, tương đương 14.500 USD; tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm 41,7% trong GRDP, khu vực công nghiệp và xây dựng 45,3% (riêng công nghiệp chế biến chế tạo 33%), khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2,3%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp 10,7%; tỷ trọng kinh tế số trong GRDP khoảng 30 - 35%; tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 70 - 75%; 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Thoái vốn nhà nước tại 141 doanh nghiệp giai đoạn 2022-2025

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký Quyết định 1479/QĐ-TTg ngày 29/11/2022 phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022 - 2025 theo các hình thức: duy trì công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; cổ phần hóa, sắp xếp lại (bao gồm hình thức sáp nhập, giải thể); chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn nhà nước (thoái vốn) giai đoạn 2022 - 2025.

Theo đó, duy trì 195 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên giai đoạn 2022 - 2025 (danh mục doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ giai đoạn 2022 - 2025).

Thực hiện cổ phần hóa 19 doanh nghiệp, sắp xếp lại 5 doanh nghiệp; thực hiện thoái vốn 141 doanh nghiệp giai đoạn 2022-2025; giữ nguyên phần vốn nhà nước tại 126 doanh nghiệp.

21 doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện sắp xếp theo phương án riêng giai đoạn 2022 - 2025.

Chính sách với người lao động dôi dư khi sắp xếp lại công ty TNHH do Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Nghị định 97/2022/NĐ-CP ngày 29/11/2022 quy định chính sách đối với người lao động dôi dư khi chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Nghị định này quy định chính sách đối với người lao động dôi dư trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (gồm: công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước; công ty mẹ của tổng công ty nhà nước; công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con; công ty độc lập) khi thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại theo phương án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, bao gồm:

1. Cổ phần hóa, bán toàn bộ doanh nghiệp.

2. Chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.

3. Chuyển thành đơn vị sự nghiệp.

4. Sáp nhập, hợp nhất, chia, tách.

5. Giải thể, phá sản.

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tháng 11/2022
Rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp.

Lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án bất động sản

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Quyết định 1435/QĐ-TTg ngày 17/11/2022 thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp.

Cụ thể, thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ (Tổ công tác) về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm Tổ trưởng Tổ công tác.

Tổ công tác có nhiệm vụ rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến triển khai thực hiện các dự án bất động sản với nội dung thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Tổng hợp, tham mưu Thủ tướng Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến triển khai thực hiện các dự án bất động sản đối với các nội dung vượt thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp việc giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến triển khai thực hiện các dự án bất động sản thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương….

Nhiều chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký Quyết định 21/2022/QĐ-TTg ngày 9/11/2022 về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa.

Trong đó, về đầu tư phát triển giao thông đường thủy nội địa, Quyết định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích là được tiếp cận nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa nhằm kết nối thuận lợi, hiệu quả đến các phương thức vận tải khác, đặc biệt là với hệ thống cảng biển.

Ưu tiên bố trí vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa để cải tạo, nâng cấp luồng đường thủy nội địa trên các tuyến vận tải chính theo Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050…

Thúc đẩy doanh nghiệp tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký Quyết định số 1415/QĐ-TTg ngày 14/11/2022 phê duyệt Đề án "Thúc đẩy Doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030".

Mục tiêu tổng quát của Đề án nhằm phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn; khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam tham gia mạnh mẽ vào chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối hàng hóa toàn cầu, xuất khẩu trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài trên cơ sở phát huy thế mạnh và khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Đồng thời, xây dựng mối quan hệ hợp tác chiến lược chặt chẽ giữa doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam với các mạng phân phối nước ngoài trên các kênh xuất khẩu truyền thống và kênh thương mại điện tử, hướng tới mô hình sản xuất - xuất khẩu - phân phối ổn định, bền vững.

Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Quyết định 1445/QĐ-TTg ngày 19/11/2022 ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030.

Chương trình hành động nhằm cụ thể hóa những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đã được nêu tại Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030, hướng tới mục tiêu: Xuất nhập khẩu phát triển bền vững với cơ cấu cân đối, hài hòa, phát huy lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, phát triển thương hiệu hàng hoá Việt Nam, khai mở các thị trường, lĩnh vực mới, có tiềm năng, nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.

Để thực hiện mục tiêu trên, Chương trình đưa ra 6 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu bao gồm: 1- Phát triển sản xuất, tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu; 2- Phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn; 3- Hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý nhà nước trong tổ chức hoạt động xuất nhập khẩu nhằm tạo thuận lợi thương mại, chống gian lận thương mại và hướng tới thương mại công bằng; 4- Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển xuất khẩu; 5- Quản lý và kiểm soát nhập khẩu đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất trong nước và hướng đến cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý; 6- Nâng cao vai trò của Hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp hạt nhân, thúc đẩy hình thành các chuỗi giá trị xuất khẩu quy mô lớn.

Ban hành Danh sách 3.068 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm năm 2021

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký Quyết định số 1480/QĐ-TTg ngày 29/11/2022 ban hành Danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm năm 2021.

Tổng số cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm năm 2021 trên toàn quốc là 3.068 cơ sở. Trong đó có 2.596 cơ sở sản xuất công nghiệp, 10 cơ sở sản xuất nông nghiệp, 55 đơn vị vận tải, 407 công trình xây dựng.

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tháng 11/2022
Hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Hỗ trợ giáo viên mầm non, tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do COVID-19

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định số 24/2022/QĐ-TTg ngày 29/11/2022 quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên được hưởng chính sách khi bảo đảm các điều kiện theo quy định.

Quyết định quy định hỗ trợ một lần mức 3.700.000 đồng/người áp dụng với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên chưa được hưởng chính sách của địa phương hỗ trợ đối với nhóm lao động không có giao kết hợp đồng lao động và một số đối tượng đặc thù khác theo quy định tại khoản 12 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP.

Hỗ trợ một lần mức 2.200.000 đồng/người áp dụng với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đã được hưởng chính sách của địa phương theo quy định tại khoản 12 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP.

UBND cấp xã, Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đến hết ngày 31/12/2022.

Hỗ trợ nâng cao năng lực ngoại ngữ và hội nhập quốc tế cho thanh thiếu nhi

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký Quyết định số 1477/QĐ-TTg ngày 25/11/2022 phê duyệt Chương trình "Hỗ trợ nâng cao năng lực ngoại ngữ và hội nhập quốc tế cho thanh thiếu nhi Việt Nam giai đoạn 2022 - 2030".

Mục tiêu chung nhằm nâng cao nhận thức của thanh thiếu nhi Việt Nam về tầm quan trọng, sự cần thiết, lợi ích của việc học tập, nâng cao năng lực ngoại ngữ và rèn luyện các kỹ năng hội nhập quốc tế. Trang bị kiến thức, kỹ năng, tạo môi trường thuận lợi, sân chơi lành mạnh cho thanh thiếu nhi học tập, rèn luyện, nâng cao năng lực ngoại ngữ và hội nhập quốc tế; phát huy tính xung kích, tiên phong, bản lĩnh của thanh thiếu nhi trong việc tự trang bị kỹ năng cần thiết hoàn thiện bản thân, đáp ứng nhu cầu của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế.

Theo BaoChinhphu.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load