Tính đến tháng 1/2015, chỉ có 22% số nghị sỹ toàn cầu là nữ và chỉ 19 nước có phụ nữ là người đứng đầu nhà nước hoặc chính phủ.
Các nghị sĩ hi vọng, trong chương trình nghị sự sau năm 2015, vấn đề bình đẳng giới sẽ có vị trí ngày càng cao.
Chiều 29/3, tại Trung tâm hội nghị Quốc gia, trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132), Liên minh Nghị viện Thế giới phối hợp với Cơ quan Phụ nữ Liên hợp quốc tổ chức hội nghị bên lề “Đạt được tầm nhìn Bắc Kinh: Quan điểm của nam giới.”
Tại hội nghị này, Tổng Thư ký IPU Martin Chungong cho biết, năm 2015 là năm bản lề để nhìn nhận lại những thỏa thuận đã đạt được về bình đẳng giới, đồng thời tái cam kết về vấn đề này trong thời gian tới. 20 năm đã qua kể từ khi Tuyên bố và Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh kêu gọi về bình đẳng giới ra đời, mặc dù nhiều nỗ lực toàn cầu đã đạt được, song tỷ lệ phụ nữ tham gia chính trị vẫn còn thấp.
Tính đến tháng 1/2015, chỉ có 22% số nghị sỹ toàn cầu là nữ và chỉ 19 nước có phụ nữ là người đứng đầu nhà nước hoặc chính phủ.
Ông Martin Chungong hy vọng trong chương trình nghị sự sau năm 2015, bình đẳng giới sẽ có vị trí ngày càng cao và mong muốn các nhà lãnh đạo nam giới, đặc biệt trong Quốc hội, cần đóng vai trò lớn hơn trong thúc đẩy bình đẳng giới và thúc đẩy quyền của phụ nữ.
Về phía Việt Nam, ông Hà Minh Huệ, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, thành viên Tiểu ban Nội dung cho biết, Việt Nam đã có những nỗ lực nghiêm túc trong triển khai thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh về bình đẳng giới.
Việt Nam có nhiều biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới, được thể hiện trong chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch hành động... luôn khuyến khích vai trò của nghị sỹ nữ trong Quốc hội, tăng cường thay đổi nhận thức của người dân, đặc biệt là nam giới về vai trò, vị trí của phụ nữ trong gia đình cũng như xã hội.
Nhờ đó, nhiều mục tiêu về bình đẳng giới được thực hiện, ngày càng nhiều phụ nữ được tiếp cận và tham gia vào đời sống chính trị. Tỷ lệ phụ nữ trong Quốc hội Việt Nam hiện nay là 24,4%, chưa đạt so với chỉ tiêu 30-35%, song là một chỉ tiêu cao ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Phụ nữ Việt Nam hiện nay cũng đã tham gia tích cực và chủ động trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội đất nước, được giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe. Vấn đề về bình đẳng giới đã được lồng ghép vào nội dung sửa đổi Hiến pháp năm 2013. Các luật về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình cũng ngày càng được hoàn thiện. Vai trò của phụ nữ ngày càng được định hình rõ nét hơn trong đời sống và quyền lợi ngày càng được đảm bảo.
Nhận thức về bình đẳng giới được nâng cao, ngày càng nhiều nam giới tham gia chia sẻ, giữ vai trò tích cực hơn trong cuộc sống gia đình. Phụ nữ ở nông thôn, vùng dân tộc khó khăn gặp nhiều bất lợi trong cuộc sống, là những đối tượng chủ đạo, được ưu tiên trong các chiến dịch, hành động của Chính phủ về xóa đói giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách về giới, thực hiện Tuyên bố Bắc Kinh về bình đẳng giới.
Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Liên minh Nghị viện Thế giới và các diễn đàn song phương, đa phương khác, Việt Nam luôn thúc đẩy trao đổi, thảo luận về thực hiện bình đẳng giới, khuyến khích tăng cường hợp tác nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của phụ nữ, đẩy mạnh mục tiêu phát triển về giới, nỗ lực xóa bỏ kỳ thị về giới.
Theo Infonet.vn