Vừa qua, Sở GTVT Hà Nội trình UBND TP Hà Nội phương án xây dựng hệ thống vé điện tử và quản lý xe buýt thông qua định vị toàn cầu (GPS) với tổng mức đầu tư 270 tỷ đồng. Ngay sau khi đề xuất này được đưa ra, ĐDN XD&PL đã nhận được khá nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này. 270 tỷ - một con số không hề nhỏ, nhưng ý tưởng đầu tư số tiền lớn như vậy liệu có xuất phát từ những vấn đề nóng bỏng của giao thông Hà Nội, như tắc đường, hay gần gũi hơn, là năng lực vận tải và chất lượng của xe buýt Hà Nội.
Hệ thống bán vé xe bus tự động đang được triển khai tại TP.HCM.
Con số 270 tỷ
Theo Sở GTVT Hà Nội, trong 5 năm tới, vận tải hành khách công cộng vẫn chỉ dựa vào xe buýt. Mỗi năm, ngân sách TP phải trợ giá hàng nghìn tỷ đồng cho các DN xe buýt. Trong khi đó, hình thức bán vé thủ công dễ gây thất thoát, vé in vừa tốn kém vừa dễ bị làm giả, quay vòng, không kiểm soát chính xác lượng khách. Hệ thống phân phối bị hạn chế về thời gian, điểm bán, không thể phục vụ 24/24h... Việc quản lý, điều hành chủ yếu qua điện thoại; báo cáo thống kê thủ công nên hiệu quả thấp, tốn thời gian do hầu hết xe chưa trang bị hệ thống giám sát hành trình thông qua hệ thống định vị toàn cầu GPS. Đó là tất cả lý do để ý tưởng đầu tư thêm 270 tỷ đồng vào xe buýt được ra đời. Việc hiện đại hóa khâu bán vé và giám sát có giúp các Cty xe buýt sống được mà không cần trợ giá? Có giúp được người dân hào hứng, dễ chịu hơn khi đi xe buýt?
Được biết, xây dựng hệ thống vé điện tử (Q-Ticket) và GPS cho cơ quan quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng sẽ đem lại nhiều lợi ích và hiệu quả kinh tế, giảm thất thoát, giảm chi phí cho khâu phát hành vé, giảm nhân lực soát vé trên xe buýt. Trong tương lai, nếu chuyển qua các hình thức vận tải công cộng khác, hệ thống này cũng dễ dàng tích hợp. Đối với người dân, việc tiếp cận, thanh toán cũng dễ dàng hơn nhiều.
Theo Sở GTVT, nếu được chấp thuận, dự án sẽ theo hình thức xã hội hóa. Và, hiện, Cty Hanel đề xuất xin được đầu tư xây dựng hệ thống này. Nhưng có lẽ cần phải nhìn nhận vấn đề này ở một góc độ khác. Bởi, Hanel là DN, mà đã là DN thì muốn gì đi nữa, yếu tố hàng đầu là kinh doanh phải có lợi nhuận. Vậy khi đầu tư vào hệ thống này nhưng không mang lại lợi nhuận, điều gì sẽ xảy ra? Đương nhiên DN phải chịu tổn thất vì "làm ăn không tính toán kỹ". Song, đằng sau cái thiệt thòi của DN kia là gì? Là hàng trăm công nhân viên ngành xe buýt có nguy cơ bị mất việc, cuộc sống sẽ ra sao?
TP.HCM cách đây không lâu đã áp dụng hình thức bán vé xe buýt tự động, nhưng hiện tại có rất nhiều phiền toái xảy ra xung quanh vấn đề này, cả tài xế lẫn hành khách đều mệt mỏi. Và câu hỏi được đặt ra là liệu chúng ta có nên áp dụng rộng rãi việc bán vé tự động trên xe buýt?
Ai cũng biết việc Liên hiệp HTX vận tải TP.HCM lắp đặt hệ thống này trên xe buýt là để phục vụ hành khách được tốt hơn, tránh tình trạng nhân viên phục vụ trên xe không lịch sự với hành khách. Mục đích là tạo môi trường văn hóa cho hệ thống xe buýt, đồng thời có lợi về hiệu quả kinh tế khi giảm được số lượng tiếp viên phục vụ. Tuy nhiên việc áp dụng bán vé tự động trên xem ra không khả thi cho lắm khi có nhiều bất cập đang tồn tại gây khó khăn cho tài xế và khách hàng. Cụ thể, tài xế gặp khó khăn như: Mất tập trung khi lái xe, chậm chuyến... và còn mang nỗi lo phải đền tiền cho vé giả và “hụt” tiền.
Liệu 270 tỷ có giải quyết triệt để tình trạng này?
Chất lượng có được cải thiện?
Ngày 22/11, chiếc xe buýt số 48, BKS 29T - 3865 đang lao với tốc độ khá nhanh tới ngã tư Hai Bà Trưng - Bà Triệu đã mất phanh lao vào gốc cây sấu ở đường Hai Bà Trưng. Sau vụ “hạ cánh”, lái xe Phạm Ngọc Tuấn cho biết: “Vào thời điểm trên tôi đang điều khiển xe buýt số 48 chạy tuyến Trần Khánh Dư - Vạn Phúc (Thanh Trì) trên đường vào bến. Khi đến khu vực ngã tư Bà Triệu - Hai Bà Trưng, thấy có tín hiệu đèn đỏ, tôi chủ động rà phanh để giảm tốc độ. Tuy nhiên, khi ấn phanh 2 lần đều không được, tôi đánh lái sát hè đường, chọn một gốc cây to để lao vào, tránh nguy hiểm cho người đi đường”. Chưa hết, rồi sự việc xe buýt tuyến 32 mang BKS 29T-5479 dùng cờ - lê và dây cao su thay cho hệ thống hãm tự động mà chương trình thời sự VTV1 đăng tải ngày 28/11 vừa qua đang thực sự gây tâm lý hoang mang cho người tham gia giao thông.
Tuy nhiên trả lời báo chí trong buổi họp báo chiều ngày 02/12, Vụ trưởng vụ ATGT - Bộ GTVT Nguyễn Văn Thuấn cho biết: Điều đầu tiên tôi khẳng định là ngay sau khi cơ quan báo chí đăng tải thông tin lãnh đạo Bộ GTVT có biết sự việc trên. Và ngay ngày hôm sau thì Thứ trưởng Bộ GTVT đã có văn bản gửi cho Cục đăng kiểm Việt Nam và Sở GTVT Hà Nội, yêu cầu đi kiểm tra ngay các điều kiện an toàn của xe buýt, đặc biệt là xe buýt trên tuyến đó. Thông tin gần đây thì chính chiếc xe buýt đó được đưa lại trạm kiểm tra và thông tin là hệ thống phanh đã hỏng, không đảm bảo tiêu chuẩn là thông tin không được chính xác. Khẳng định rằng là với áp lực phanh lớn như vậy thì việc mà dùng dây cao su hay dùng cờ - lê để khắc phục tạm thời để chạy là không đúng.
Với chỉ một số sự cố vừa qua, liệu người dân có hy vọng chất lượng xe buýt sẽ được cải thiện nếu đề án "hiện đại hóa xe buýt" được triển khai. Và hàng trăm câu hỏi tại sao khác mà nhiều người đang đặt câu hỏi khi đề án với 270 tỷ đồng vừa được ngành giao thông Thủ đô đưa ra. 270 tỷ đồng không phải số tiền quá lớn, nhưng nó cũng không hề nhỏ và đem lại lợi ích lớn, thiết thực hơn nhiều khi đầu tư vào đúng mục đích và xuất phát từ cái tâm với bức thiết của giao thông Thủ đô so với việc đầu tư vào hệ thống bán vé điện tử và giám sát hành trình của xe buýt.
|
Đức Phùng - Chí Kiên
Theo baoxaydung.com.vn