Cơ điện Uông Bí thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) họ đã trưởng thành trong gian khó. Để hiểu được phần nào hành trình đổi mới của Cty, phóng viên XD&PL có cuộc trò chuyện với KS Nguyễn Trọng Quảng - Giám đốc Cty CP Cơ điện Uông Bí - Vinacomin.
Tôi vốn yêu Cơ điện Uông Bí từ thời người cơ khí không được làm cơ khí mà phải làm than kiếm sống giai đoạn xóa bao cấp chuyển sang cơ chế thị trường 1988 - 1993, nên cho phép tôi như là người một nhà của Cty, chúng ta trò chuyện thoải mái ý ông thế nào?
- Sẵn sàng, chúng ta nếu có duyên còn là người một nhà, quen biết nhau lâu hơn thế nữa đúng không? Ngành than nói chung, cơ khí cơ điện nói riêng những năm chuyển đổi cơ chế khó khăn chồng chất, tưởng tan cả bè chứ ai dám mơ tồn tại. Hồi ấy Nhà máy Cơ điện Uông Bí chất đầy than, toàn than cục lục lạc đẹp như tranh vậy mà bán giá rẻ như bèo cũng chẳng ai mua đói kém kinh khủng, nhìn rộng ra đất nước lúc ấy bối cảnh các DN nhiều màu đen hơn màu hồng gần như phá sản khắp mọi nơi. “Các bậc tiền bối” Nhà máy trổ hết tài mới qua cơn bĩ cực ấy. Bây giờ vẫn còn nhiều cán bộ công nhân sống trong thời kỳ “miếng cơm manh áo”, nghĩ lại sao mà gay gắt, nhọc nhằn thế. Hơn ai hết họ là lớp người tiền bối của Cty hiện nay, trong khoảng mươi năm nữa họ cũng về hưu hết, không biết có còn ai làm nhân chứng nữa không? Một trang sử mà cái màu sắc gian khổ kéo dài đằng đẵng hàng vài thập kỷ, có người lao động cao tuổi sau đó về nghỉ chế độ thì cái màu gian khổ chắc phủ kín cả đời người luôn. Nghề cơ khí cái thời bao cấp vốn là thế, có mấy nơi đời sống người lao động được đàng hoàng hơn người, nếu có khá chỉ hơn ngoài ngành than, còn so với các đơn vị trong ngành than thì bao giờ cũng kém hơn một khúc đến gần nửa non!
Kỹ sư Nguyễn Trọng Quảng - Giám đốc Cty một ngày làm việc thường nhật tại các phân xưởng chế tạo.
Bối cảnh cơ khí than khi chuyển sang cơ chế thị trường đâu phải như một vệt mực màu hồng hay màu đỏ mà nó giống như vệt đổ ra của lọ mực xanh đen, tôi thấy nhiều đơn vị nhà máy vẫn liêu xiêu mãi không đứng được dậy?
- Vâng, đúng thế! Các nhà máy cơ khí, cơ điện cũng tách nhập mấy lần. TCty Cơ khí và Năng lượng mỏ trước đây là một ví dụ tiêu biểu đã tách khỏi ngành than. Các nhà máy cơ khí lòng cốt như Nhà máy trung tâm cơ khí Cẩm Phả, cơ khí Vườn Cam lớn nhất Đông Nam Á thiếu việc làm, đời sống người lao động vất vưởng bao nhiêu năm. Các nhà máy trực thuộc các Cty than 03 vùng Cẩm Phả, Hòn Gai, Uông Bí cũng được sáp nhập vào các mỏ than làm một đơn vị thành viên trực thuộc, cơ chế hoạt động theo kiểu phân xưởng thì to quá, nhà máy thì bé quá, không ra ngô, chẳng ra khoai, kém hiệu quả vô cùng. Sau này tất cả các đơn vị cơ khí cơ điện gốc từ ngành than sáp nhập trở lại than, đơn vị nào đủ tầm thì hạch toán độc lập thành viên Tập đoàn như hiện trạng, các đơn vị nhỏ thì sáp nhập hoặc giải thể. Nói cho cùng cơ khí cơ điện là một ngành nghề có đặc trưng riêng, các nghề khác cũng vậy, “nhốt” chung vào một “chuồng”, khi cần dùng tìm khó lắm, để chung làm khổ lẫn nhau. Các nhà tổ chức một lần rút kinh nghiệm thì “dân” khốn khó nửa đời người!
Tôi nghe mọi người kháo nhau cái túi “càn khôn” của Cơ điện Uông Bí vừa to và vừa nặng lắm mà? Ông có thể tiết lộ vì sao “thiên hạ” khó khăn mà mình vẫn ung dung, đủng đỉnh? Tất cả các chỉ tiêu chính của DN vẫn tăng trưởng đều đều và còn theo một biểu đồ phát triển rất ổn định gần hai mươi năm nay?
- Sự thật thì người lao động trong DN hiểu hơn người ngoài, các chỉ tiêu của DN được so sánh thậm chí hàng ngày, bởi vì có gia đình mỗi lao động làm ở một DN, thu nhập bao nhiêu khi ăn cơm họ “bình luận” rất kỹ, có những điều giám đốc cấm không phổ biến, nội bộ gia đình vẫn phấn khích và nhắc nhẹ lời giám đốc “không phổ biến”. Đất TP Uông Bí có rất nhiều DN lớn nổi tiếng như Nhà máy Điện Uông Bí, các Cty than Uông Bí, Vàng Danh, Nam Mẫu… Chuyện ai thu nhập thế nào, khi nào có lương, có thưởng của các DN chẳng muốn cũng biết. Thông tin ấy có tác động mạnh đến các giám đốc DN kề nhau, kém quá là mất đứt lao động.
Ông vẫn chưa trả lời câu hỏi của tôi: “Cái túi càn khôn Cơ điện Uông Bí đựng gì”?
- Không phải tôi né tránh mà là câu hỏi của ông khó quá. Thực ra thì ai cũng nên tìm cho mình một cách đi, nếu cứ theo con đường “Quốc lộ” là các chủ trương, đường hướng chỉ đạo thì ắt sẽ phải gặp “bão” hoặc tai nạn. Thí dụ tắc đường, xe DN giàu còn đầy bình xăng thì chỉ mất thời gian, tốn đi một tý, còn DN cơ khí không có tích lũy thì đói luôn, treo niêu không phải ăn ngày mai. Chúng tôi tìm cho mình một hướng đi, một cách đi khác người đó là một cách làm riêng, tất nhiên tôi chỉ là người quyết định cuối cùng, bàn luận thì có tập thể. Thí dụ việc đầu tư chẳng hạn, chúng tôi đi tìm các thiết bị máy móc cũ ở khắp mọi nơi, mặc dù có nhiều thiết bị máy móc gần như mới nguyên, chủ cũ không dùng vứt bỏ. Chúng tôi có một đội ngũ thợ siêu lành nghề chế tạo các phần thiếu và bổ sung phần gá thành các máy chuyên dụng chính xác có giá trị tương đương các thiết bị nhập khẩu mới đắt tiền. Các cơ sở họ bán như cho, nên chúng tôi không nặng nề về việc đầu tư, khi nào cần đi tìm và mua theo yêu cầu sản xuất sản phẩm mới hoặc đầu tư đón lõng các dự án sắp đấu thầu. Nhờ tỷ suất đầu tư thấp đã góp phần tạo ra nhiều cơ hội giá thành thấp, giá chào hàng thấp, cho dù là thấp nhất vẫn còn lãi, nên việc lúc nào cũng nhiều. Nhưng các sản phẩm của Cơ điện Uông Bí bán giá không thấp nếu so với một số nhà máy cơ khí trong nước cùâng chế tạo sản phẩm mà khách hàng vẫn mê và chưa bao giờ ế ẩm sản phẩm nào. Nếu so với việc nhập khẩu của Trung Quốc hay một số nước khác thì thấp hơn nhiều. Người mua chỉ so sánh về chất lượng sản phẩm, không cần biết nhà sản xuất chế tạo như thế nào, từ thiết bị nào ra? Tuy nhiên việc mua bán còn theo ý của chủ đầu tư, chất lượng tốt nhất cũng không phải là yếu tố quyết định đúng không ông? Thí dụ ông chủ đầu tư yêu doanh nghiệp của chính mình và có phẩm chất tốt thì mua sản phẩm tốt, chấp nhận giá cao và ngược lại vì động cơ trục lợi thì mua làm gì đồ tốt?
Tôi hiểu ý ông nói các sản phẩm của Cơ điện Uông Bí nó chứa một hàm lượng chất xám khá lớn, nên chất lượng được khách hàng đánh giá cao. Khẩu hiệu treo trên tường “chất lượng là vàng” là yếu tố sống còn, nếu không làm đúng thì DN “chết” thật, khẩu hiệu rơi xuống mặt đất, DN phá sản luôn đúng không?
- Đúng thế chất lượng là số 1. Chúng tôi chọn chế tạo một số sản phẩm thiết yếu không tràn lan đối với nghề khai thác khoáng sản. Yếu tố đầu tiên là chính xác, ăn chắc mặc bền tuổi thọ cao so thiên hạ vài lần, đương nhiên giá thành cao hơn, tuy nhiên vẫn nằm trong giới hạn giá cạnh tranh. Nếu chế tạo ít bền hơn thì lợi nhuận cao cầm chắc, nhưng thương hiệu bị ăn mòn, tính thế nào thì tùy? Đại hội công nhân viên chức tôi cũng dân chủ, có độc quyền đâu, cổ phần mà, hoạt động của giám đốc thí dụ như xe cộ bỏ tiền túi đấy chứ. Chất lượng một số sản phẩm chính của Cơ điện Uông Bí đã làm nhiều nhà máy đồng chế tạo ngưng hẳn không dám cạnh tranh, điều này lợi mình cũng hại người, chưa phải là hay lắm đâu, tất nhiên họ cũng phải nghĩ cách chế tạo sản phẩm khác thay thế doanh thu mất, thị trường thiếu gì nhu cầu, chỉ cần sự kiên trì là thành công.
Các sản phẩm cơ điện Uông Bí đã đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, thương hiệu đã chiếm thế độc tôn trong ngành khai thác khoáng sản thí dụ như khai thác than, khai thác đá, thậm chí ngay cả ngành đường sắt Việt Nam chế tạo bánh xe, goòng trọng tải 30 - 150 tấn… Nếu muốn chế tạo các sản phẩm mới thì hướng đi của Cơ điện Uông Bí như thế nào?
- Thời buổi cơ chế thị trường tôi cho rằng đó là một môi trường thuận lợi cho các DN có chí tiến thủ và cũng thông qua cái “sàng rung” này mới biết ai tài, ai kém. Ông có đồng ý với tôi phải có thử thách và bao giờ cũng phải nỗ lực vượt lên chính mình. Chúng tôi rất muốn chế tạo một số sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu của một ngành khai thác than hầm lò và một số ngành khác, rất thèm đấy, nhưng chưa chín chưa nói.
Tôi đã tham khảo một số ý kiến của người lao động về vai trò lãnh đạo của ông. Mọi người cảm phục cái tài, cái tâm của ông, nhưng họ mong ông mạnh dạn hơn có thể đưa con thuyền Cơ điện Uông Bí ra biển xa hơn khi ông còn cấp chính?
- Cuộc sống với tôi có biết bao điều trăn trở. Muốn đổi mới là phải đầu tư mà nghề cơ khí cơ điện đầu tư cao, lợi nhuận chưa cao, những gì chúng tôi vận dụng thời gian qua cũng dần không còn cơ hội nữa. Môi trường đầu tư theo cơ chế hiện nay vay vốn thương mại lãi suất quá cao, thời gian vay ngắn vốn dài hạn vẫn ngắn với nghề cơ khí. Chất lượng lao động có trình độ cao kỹ năng như lớp người có tuổi phải có thời gian, không dễ gì đột phá, mặc dù tôi đã chuẩn bị nhưng chưa phải là một vài năm tới. Nếu vội e đắm thuyền, cần phải cân nhắc tính khả thi.
Tôi tin những tính toán của ông từ những kết quả hơn chục năm qua, nhìn rộng ra bức tranh cơ khí than tôi càng tin những quyết định của ông là sáng suốt. Nhìn lên chẳng bằng người, nhìn xuống hơn ối người. Nhưng mà tôi vẫn tâm đắc với ý kiến của nhiều cổ đông Cty là đầu tư mở rộng quy mô, làm thế nào Cơ điện Uông Bí hoành tráng hơn nữa.
- Cán bộ công nhân Cty tôi tâm sự với ông nhiều, có được chia cổ tức không đấy? Tôi đồng ý cân nhắc, nhưng tôi thích hiện thực, nói được phải làm được. Nhân cuộc trò chuyện này cho phép tôi được nói lời cảm ơn chân thành đến anh em, bạn bè trong và ngoài ngành đã nối dài cánh tay giúp tôi qua nhiều gian khó cả trong đời thường và sự nghiệp. Cảm ơn sự thiện chí tình cảm của quý khách hàng, đắt cũng mua, rẻ cũng mua, chưa dùng đến cứ mua đưa vào kho để dành… Cuối năm nay chia tay về hưu, xem như đây là lời hậu mãi của Nguyễn Trọng Quảng.
Thời gian vốn là hữu hạn, tình cảm tất là vô hạn, có gì đâu mà ông quan trọng quá làm tôi thấy bồi hồi, bối rối. Cảm ơn Nguyễn Trọng Quảng vì cuộc trò chuyện hôm nay!
Trần Phương (thực hiện)
Theo baoxaydung.com.vn