60 năm (1954 - 2014) là một chặng đường dài trong lịch sử phát triển TP. Chất lượng quản lý quy hoạch kiến trúc dần được nâng lên nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của đô thị văn minh, bền vững.
Những hình ảnh của bộ mặt đô thị cũng như kiến trúc công trình của Hà Nội ngày hôm nay là minh chứng cho những nỗ lực, đóng góp công sức của toàn thể chính quyền và Nhân dân Thủ đô.
Với tính chất là Thủ đô, bộ mặt đô thị Hà Nội lại càng cần thiết được quản lý, kiểm soát tốt để xứng đáng là địa phương tiêu biểu, đại diện cho Việt Nam. Bởi thế, Hà Nội là một trong hai TP lớn của Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm mô hình Kiến trúc sư trưởng TP từ năm 1992 (đến 2002 chuyển thành Sở QH - KT ngày nay).
Bảo tàng Hà Nội - một công trình kiến trúc hiện đại. Ảnh: Chiến Công
Phát triển đa dạng
Trải qua quá trình hình thành và phát triển suốt hơn 1000 năm lịch sử, đô thị Hà Nội ngày nay vẫn còn lưu giữ những khu vực đặc trưng về hình thái không gian kiến trúc: Khu phố Cổ với việc quần cư, buôn bán phường hội; Khu phố Cũ với cấu trúc mạng đường ô bàn cờ của mô hình thành phố vườn; các Khu tập thể xây dựng giai đoạn 1960 - 1980 mang dấu ấn kiến trúc của các nước XHCN thời bấy giờ và các Khu đô thị mới với công trình cao tầng, kiến trúc hiện đại. Bên cạnh đó là các làng xóm dân cư, khu Hoàng thành Thăng Long và hệ thống các công trình di tích đình - chùa - miếu mạo trong mỗi khu vực, đơn vị ở… tất cả đã tạo nên một đô thị có cấu trúc gắn kết, hài hòa với nhau giữa các khu vực không gian kiến trúc đặc thù. Kiến trúc nhà ở từng thời kỳ được thay đổi để thích ứng, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội đô thị. Chỉ tính riêng trong thời kỳ 1954 - 1983, kiến trúc cũng đã đa dạng về phong cách: tiền thực dân, Tân cổ điển, địa phương Pháp, Art - Décor, Trung Hoa… Một loại hình phong cách kiến trúc tiêu biểu, thích ứng khí hậu là kiến trúc Đông Dương, kết hợp các ưu điểm của kiến trúc Đông - Tây. Đây cũng là giai đoạn mà kiến trúc công trình đươc xây dựng theo các vị trí được hoạch định trong quy hoạch của các nhà quy hoạch Pháp thời đó. Chính vì thế mà Hà Nội có được những không gian, kiến trúc tiêu biểu: Nhà hát Lớn kết thúc tuyến đường Tràng Tiền, Khu Đấu xảo (Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội), trường Đại học Dược, Nhà thờ Lớn kết thúc tuyến phố Nhà thờ, Bộ Ngoại giao, Bảo tàng Lịch sử…
Giai đoạn 1954 -1986 là thời kỳ các công trình công cộng TP được đầu tư xây dựng đồng loạt, nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội của Nhân dân Thủ đô, góp phần hoàn thiện toàn diện hệ thống, mạng lưới các loại hình công trình công cộng các cấp. Công trình có quy mô lớn và kiến trúc theo phong cách của các nước XHCN viện trợ, giúp đỡ thời bấy giờ.
Trong giai đoạn từ 1986 đến nay, số lượng công trình kiến trúc tăng nhanh chóng với đủ mọi thể loại. Cùng với thời gian có sự đổi thay của cách biểu hiện với điều kiện sáng tác, nguyên vật liệu, công nghệ và năng lực thi công ngày một cao hơn. Một số công trình kiến trúc đại diện, tiêu biểu giai đoạn này: Khách sạn Tây Hồ (1987), Nhà trẻ Birla, Nhà hát chèo Hoa Hồng (1989), Bảo tàng Hồ Chí Minh (1990), Khách sạn Hữu Nghị (1990), Khách sạn Phương Đông (1992), Làng trẻ em SOS (1992), Rạp xiếc T.Ư (1994), Chợ Đồng Xuân (1993), Bệnh viện quốc tế Bạch Mai (1993), Trụ sở UBND Hà Nội (1993), Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ (1994), Bảo tàng Chiến thắng B52 (1996), Trung tâm Hội nghị Quốc tế (1998), Bảo tàng Dân tộc học (2000)… Nổi bật trong những công trình nêu trên, Bảo tàng Hồ Chí Minh là công trình được cân nhắc và tuyển chọn kiến trúc qua nhiều đợt với kiến trúc biểu tượng bông sen, hài hòa trong tổng thể Trung tâm Ba Đình.
Các công trình giao thông đầu mối, Sân bay quốc tế Nội Bài được mở rộng, các cây cầu lớn vượt sông Hồng như Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Nhật Tân, đường Vành đai 3 trên cao, các cầu vượt được nhanh chóng đầu tư và hoàn thành; các tuyến vành đai được hoàn thiện, liên thông...; Các giá trị cảnh quan đô thị được nhấn mạnh, tô điểm: Công viên cây xanh được xây dựng đẹp và văn minh, kè hồ, hệ thống cấp thoát nước, cải tạo chất lượng sông, hồ...
Qua tổng kết, nghiên cứu, nhà ở phát triển trong giai đoạn này mang nhiều biến động nhất với sự thiếu hụt vốn đầu tư từ Nhà nước và chính sách "Nhà nước và Nhân dân cùng làm" đã góp phần cải thiện đáng kể công tác phát triển nhà ở. Đáng chú ý là sự xuất hiện mô hình khu đô thị mới, chấm dứt hình thức cấp đất, chia lô, xây dựng nhà ở cũng dần sang một trang mới. Khu đô thị mới được đầu tư đồng loạt và được xem xét, cân nhắc cẩn trọng trước khi phê duyệt: Từ các khu đô thị văn minh, tiêu chuẩn cao, cảnh quan đẹp như Ciputra, The Mannor, Trung Hòa - Nhân Chính... đến các khu tái định cư, nhà ở xã hội, cải tạo xây dựng các khu nhà ở tập thể cũ như Kim Liên, Giảng Võ...
Vẫn còn hạn chế trong công tác quản lý
Mặc dù, bộ mặt kiến trúc đô thị về cơ bản đã theo chiều hướng tốt. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều hình ảnh chưa tốt: Nhiều khu vực, tuyến phố còn nhếch nhác, đặc biệt là tình trạng nhà "siêu mỏng, siêu méo"...; Kiến trúc đô thị, cảnh quan, công trình... còn nhiều hạn chế khi chưa làm rõ yếu tố truyền thống đặc trưng của Hà Nội; Nhiều công trình hiện diện nhưng chưa có một khu vực được tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hoàn chỉnh. Nguyên nhân thì có nhiều: cả về kinh tế, đầu tư nóng vội không theo quy hoạch. Nhưng nguyên nhân chính là do năng lực, trình độ quản lý các cấp còn hạn chế, công tác quy hoạch chưa đi trước một bước, văn bản pháp lý chưa được ban hành kịp thời hoặc chưa đầy đủ, quản lý đô thị vẫn nặng về các chỉ tiêu quy hoạch chứ chưa chú trọng đến kiến trúc công trình… nên thiếu công cụ để quản lý. Thêm vào đó là ý thức xây dựng đô thị văn minh của đa số cá nhân, tổ chức còn chưa cao và công tác thanh, kiểm tra chưa được thực hiện kiên quyết triệt để, xử phạt chưa đủ mức răn đe, ngăn ngừa. Tất cả đã dẫn đến những bất cập nêu trên, cần nhanh chóng có những giải pháp tháo gỡ kịp thời và thực hiện nhanh chóng nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý quy hoạch - kiến trúc của Thủ đô thời gian tới.
Khắc phục thế nào?
Để đáp ứng mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội theo Quy hoạch chung đã xác định, các giải pháp thực hiện kiểm soát kiến trúc trong thời gian tới cần đáp ứng các nguyên tắc sau: Đảm bảo đô thị phát triển bền vững giữa bảo tồn chỉnh trang khu vực nội đô lịch sử với việc xây dựng các khu đô thị mới, giữa khu vực đô thị và nông thôn; Gìn giữ và phát huy các giá trị tiêu biểu của các khu vực hình thái đặc thù của Thủ đô; Hoàn thiện đồng bộ quy hoạch các cấp; Xây dựng hoàn chỉnh các Quy chuẩn, quy định, quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc các khu vực quan trọng, tuyến đường chính, làm công cụ cho công tác quản lý, kiểm soát phát triển.
Nếu như trước khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, việc quản lý quy hoạch và kiến trúc 14 quận, huyện
của TP Hà Nội mới dừng ở bước đơn vị quản lý chỉ có công cụ là 2 bản vẽ: Quy hoạch sử dụng đất và Quy hoạch Giao thông thì sau thời điểm 8/2008, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2014 và đặc biệt là từ khi Luật Thủ đô 2012/QH được Quốc hội thông qua thì đã có sự thay đổi lớn trong công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch, kiến trúc, đặc biệt là về kiến trúc.
Về kiến trúc đô thị: Với hình thái không gian, Đồ án Quy hoạch chung xác định các quy hoạch phân khu với phạm vi không dừng ở địa bàn hành chính mà được mở rộng tùy theo đặc điểm, tính chất khu vực nhằm kiểm soát, khớp nối không gian chung của nhiều địa bàn cũng như định hướng các khu vực trọng tâm trọng điểm để tạo dựng các tuyến, khu vực công trình. Bên cạnh đó, Quy định quản lý kèm theo Đồ án Quy hoạch chung cũng xác định rõ các khu vực kèm theo các quy định về không gian, quy mô tầng cao, kiến trúc công trình. Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc toàn TP đang hoàn thiện để phê duyệt sẽ là công cụ hữu hiệu trong công tác kiểm soát không gian, kiến trúc công trình tại mọi địa bàn trên TP Hà Nội, đảm bảo việc kết nối chung cũng như phát huy tính đặc thù riêng biệt.
Đối với các khu vực đặc thù: Việc kiểm soát không gian, chiều cao khu vực cũng được Sở chủ trì xây dựng các văn bản pháp lý: Quy định quản lý công trình cao tầng khu vực nội đô lịch sử, Quy chuẩn xây dựng bốn quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà trưng, Đống Đa, Quy chế quản lý khu phố Cổ (đã được UBND TP phê duyệt), khu phố Cũ, quy định quản lý làng cổ Đường Lâm… nhằm gìn giữ các khu vực không gian kiến trúc đặc thù, truyền thống.
Nhằm quản lý không gian, kiến trúc cảnh quan hai bên tuyến đường, các nút giao thông, tạo bộ mặt kiến trúc công trình hai bên đường đẹp, văn minh, hiện đại, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa kiến trúc trên toàn tuyến đường với việc mở tuyến đường mới, xử lý triệt để các trường hợp nhà "siêu mỏng, siêu méo" kết hợp với chỉnh trang đô thị, Sở QH - KT đã xây dựng, ban hành Văn bản số 3382/QHKT-
Nhằm từng bước tạo dựng bộ mặt đô thị khang trang, hoàn chỉnh, TP sẽ tập trung ưu tiên lập quy hoạch, thiết kế đô thị để tập trung nguồn lực đầu tư hoàn chỉnh các khu vực quan trọng, các tuyến đường chính như khu Tây hồ Tây, vành đai số 2, 3…
Về kiến trúc cảnh quan: Thủ đô Hà Nội với tiêu chí phát triển "Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" được xác định trong đồ án Quy hoạch chung lần này, trong đó xác định các khu vực nêm xanh, vành đai xanh dọc các sông Hồng, Đáy, Nhuệ với các nguyên tắc: phát triển bền vững và nâng cao chất lượng môi trường sinh thái đô thị; Kiểm soát phát triển bền vững đô thị: Không chỉ dừng ở việc xác định chức năng sử dụng mà còn là các quy định cụ thể để kiểm soát hình thái không gian nhằm nhấn mạnh địa hình, tôn trọng và phát huy giá trị cảnh quan:
Các đồ án Quy hoạch phân khu R1- R6 (sông Hồng), GS (sông Nhuệ) cũng được tiến hành đồng thời để có các quy định quản lý, kiểm soát cụ thể, chặt chẽ. Đặc biệt, Đồ án quy hoạch hai bên sông Hồng sẽ được tiếp tục nghiên cứu với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước nhằm tạo dựng cảnh quan bộ mặt đô thị hai bên bờ sông đẹp, phát triển bền vững với môi trường trong sạch.
Nâng cao chất lượng môi trường sinh thái: Gìn giữ các không gian, cải tạo chỉnh trang các công viên cây xanh, hồ nước hiện có. Cải tạo, cống hóa hệ thống kênh mương nội đô, kè bờ các hồ nước chống lấn chiếm (điển hình là việc kè hồ Tây được thực hiện trong 6 năm 2006 - 2012), góp phần tạo dựng bộ mặt cảnh quan và ngăn ngừa lấn chiếm, đổ rác thải, nước thải chưa qua xử lý xuống hồ.
Nhằm khuyến khích, kêu gọi mọi nguồn lực tham gia công tác đầu tư xây dựng công viên cây xanh, HĐND cũng đã ra Nghị quyết số 16/2013/NQ-HĐND ngày 17/7/2013 về chính sách khuyến khích đầu tư, huy động đóng góp tự nguyện của tổ chức cá nhân vào việc xây dựng công trình văn hóa, công viên, vườn hoa, khu vui chơi giải trí và bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn Thủ đô.
UBND có Quyết định số 1495/QĐ-UBND ngày 18/3/2014 về việc phê duyệt Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó xác định quan điểm phát triển: Tích hợp các giải pháp cảnh quan với các giải pháp môi trường như gắn liền các mặt nước hiện có thành công viên, mảng xanh đô thị, kết hợp thoát nước mưa.
Về kiến trúc công trình: Hiện nay, Bộ Xây dựng đã xây dựng Luật hành nghề Kiến trúc sư, trong đó có các quy định về việc tạo điều kiện để phát huy tính sáng tạo của kiến trúc sư, quyền hạn và nghĩa vụ nhằm kích thích sự sáng tạo, đóng góp những tác phẩm xứng đáng trên địa bàn TP Hà Nội.
Sự hội nhập cũng đánh dấu các tác phẩm của kiến trúc sư nước ngoài, đặc biệt là tại các cuộc thi ý tưởng của các công trình lớn như Trung tâm Hội nghị quốc gia, Nhà Quốc hội, Nhà hát Thăng Long… Các công trình trụ sở lớn, cao tầng cũng mang dấu ấn của các kiến trúc sư nước ngoài như Keangnam, Lotte… Để nhanh chóng tiếp cận trình độ, kiến thức với các nền kiến trúc tiên tiến, Bộ Xây dựng cũng đã ra các quy định về việc liên kết triển khai thực hiện trong việc tư vấn, thiết kế giữa các đơn vị nước ngoài với các đơn vị của Việt Nam. Chính vì thế mà trình độ của nhiều đơn vị tư vấn thiết kế được nâng lên rõ rệt như V
Các công trình có tính chất cấp độ đặc biệt, có vị trí quan trọng, đặc thù hoặc có ý nghĩa về văn hóa, lịch sử… được quy định thi tuyển bằng các hình thức thi tuyển rộng rãi hoặc hạn chế qua Thông tư số 23/2009/TT-BXD ngày 16/7/2009 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thi tuyển và tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc công trình xây dựng. Tại Hà Nội, Hội đồng Quy hoạch - Kiến trúc Thủ đô bao gồm các chuyên gia đầu ngành, các Sở, Hiệp hội chuyên ngành nhằm tham mưu giúp UBND TP trong việc xem xét, lựa chọn, quyết định các công trình lớn của TP.
Dẫu còn một vài khiếm khuyết cần phải điều chỉnh, bổ sung để bộ mặt kiến trúc đô thị ngày càng hiện đại, văn minh, bắt kịp với các nước trong khu vực và thế giới. Song, nhìn lại quãng đường đã qua, có thể tự hào nói rằng: Công tác quản lý quy hoạch kiến trúc của TP đã luôn luôn gắn chặt và góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng phát triển Thủ đô Hà Nội yêu dấu.
KTS Bùi Xuân Tùng - Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội
Theo Kinh tế & Đô thị
Theo