Thứ hai 16/09/2024 05:45 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Chấn chỉnh tình trạng thương lái nước ngoài nhiễu loạn thị trường

14:22 | 01/04/2014

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết nhờ sự vào cuộc quyết liệt của ngành Công Thương và các địa phương, đến nay, tình trạng thương lái nước ngoài thu mua nông sản, thủy sản gây ảnh hưởng xấu tới sản xuất và thị trường trong nước đã giảm.


Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn trước UBTV Quốc hội sáng 1/4/2014. Ảnh: VGP/Thành Chung

Sáng ngày 1/4,  Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng. Trong đó, giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thị trường đối với việc thương lái nước ngoài thu mua nông sản, thủy sản gây rối loạn thị trường kinh doanh trong nước là một nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập.

Chấn chỉnh việc thương lái nước ngoài thu mua nông sản

Đại biểu Mã Điền Cư, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, đề nghị Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng làm rõ trách nhiệm của ngành và đưa ra lộ trình xử lý tình trạng trên.

Bộ trưởng Huy Hoàng cho biết, những năm vừa qua ở một số địa bàn có hiện tượng thương lái nước ngoài thu gom nông sản, thủy sản, hoa quả Việt Nam. Trước tình hình này, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đặc biệt là phối hợp với các địa phương để nắm vững tình hình, qua đó có giải pháp cụ thể.

Trước hết, cơ quan quản lý đã xem xét lại các quy định, khung pháp lý Nhà nước về thương mại và cạnh tranh. Theo các quy định liên quan, nếu thương nhân nước ngoài không có sự hiện diện ở Việt Nam thì không được tham gia trực tiếp mua bán. Còn nếu họ muốn mua bán nông sản thì phải thông qua doanh nghiệp Việt Nam có pháp nhân thực hiện hợp đồng.

Thực tế thương nhân nước ngoài không đáp ứng được quy định này. Bộ Công Thương, mà trực tiếp là cơ quan quản lý thị trường ở các địa phương, đã xử lý nghiêm vi phạm của thương lái nước ngoài và tình hình đã có cải thiện.

Cũng theo ông Vũ Huy Hoàng, đầu năm 2014 nổi lên một số vụ việc thương nhân thu mua cây thiết đằng (ở Kon Tum) làm thuốc nam. Sở Công Thương Kon Tum đã kiểm tra ngay và trên thực tế không có thương lái nước ngoài thu mua mà chỉ là doanh nghiệp trong nước mua làm thuốc nam.

Tại Vĩnh Long có hiện tượng thương lái nước ngoài  thu mua lạc, khoai lang. Sở Công Thương Vĩnh  Long đã phát hiện và sau đó tăng cường tuyên truyền cho bà con nông dân trong giao thương phải có hợp đồng. Vì thế, các thương lái đã rút lui, không thu mua nữa. Còn ở Nghệ An, chỉ từ năm 2013 trở về trước mới xảy ra việc thương lái nước ngoài thu mua cây culi (có tác dụng cầm máu). Tại Hà Giang, qua kiểm tra, ngành Công Thương thấy không có việc thương lái nước ngoài thu mua thảo quả.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng nêu một số giải pháp để xóa bỏ tình trạng trên, trong đó có việc ngành chức năng rà soát lại khung pháp lý, đồng thời công tác quản lý thị trường được chấn chỉnh theo hướng quản lý tốt hơn, chặt chẽ hơn đối với hàng hóa nông sản. Bên cạnh đó là tích cực tuyên truyền cho người dân nắm vững khung pháp luật để nhận biết các hành vi nói trên.

Vừa qua, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ NNPTNT tổ chức 3 hội nghị ở 3 miền để cùng bàn bạc và thống nhất biện pháp định hướng cho nông dân, trong đó nhấn mạnh cơ quan chức năng phải tích cực vào cuộc để giải quyết ngay những bất cập gây thiệt hại cho nông dân trong sản xuất, kinh doanh nông sản.

Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đặt vấn đề liệu có việc tư thương trong nước bắt tay với thương lái nước ngoài thu mua nông sản nước ngoài hay không? Bộ trưởng Hoàng cho rằng trên thực tế, đại đa số thương lái nước ngoài tiêu thụ sản phẩm ở Việt Nam đều thông qua thương lái trong nước. Đội ngũ thương lái trong nước có vai trò rất quan trọng, nếu mang lại lợi ích chung, nhất là đảm bảo lợi ích bà con nông dân thì cần khuyến khích, nhưng nếu có tiêu cực (như mua nguyên liệu rẻ của bà con nông dân mà bán giá cao cho thương lái nước ngoài) thì phải hạn chế ngay.

Trước yêu cầu cần chấm dứt tình trạng thu mua nông-thủy sản của thương lái nước ngoài gây nhiễu loạn thị trường và sản xuất trong nước mà các đại biểu Quốc hội đặt ra, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết Nhà nước đã quy định khá nhiều văn bản quy định về thương mại, nhưng cái khó ở đây là nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý thị trường của ngành Công Thương trong bối cảnh tự do thương mại hóa toàn cầu.

Vì vậy, Bộ Công Thương sẽ tăng cường phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương để giải quyết tồn tại này, trong đó vai trò của chính quyền địa phương, nơi diễn ra các hoạt động thu mua nông sản, là rất quan trọng.

Giải quyết tình hình ùn ứ dưa hấu ở cửa khẩu Tân Thanh

Trước vấn đề xe tải chở dưa hấu của bà con ở duyên hải Nam Trung Bộ ùn ứ ở cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) khi xuất khẩu sang Trung Quốc, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết Tân Thanh không phải là cửa khẩu chính mà chỉ là lối mở hàng hóa. Khu vực này có địa hình hẹp, sản xuất dưa hấu lại được mùa, ban đầu cho giá cao nên việc bà con nông dân tập trung xuất khẩu sang Trung Quốc gây ra ùn ứ xe tải ở Tân Thanh.

Ngành Công Thương cũng đã đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ và nay tình trạng ùn ứ xe tải chở dưa hấu đã giảm.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng cho biết người dân thường đưa nông sản sang Trung Quốc rồi mới tìm khách hàng nên dễ bị ép giá hoặc không tìm được khách mua hàng. Do đó, Bộ Công Thương khuyến cáo bà con khi xuất khẩu hàng cần có hợp đồng trước. Đồng thời các địa phương cần chỉ đạo sản xuất mặt hàng nuôi trồng phù hợp quy hoạch, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Liên quan đến vấn đề sản xuất-tiêu thụ nông sản, cũng tại phiên chất vấn hôm nay,  Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho biết hiện Chính phủ đang có chủ trương gắn kết hoạt động sản xuất nhỏ lẻ đối với các cơ sở chế biến nhằm tiêu thụ nông sản cho bà con. Hiện nay, một số địa phương đang triển khai nhưng kết quả còn hạn chế.

Theo chinhphu.vn

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load