(Xây dựng) - Đây là một trong những quy định mang tính răn đe nếu doanh nghiệp, cơ quan chậm trả lương cho người lao động (NLĐ). Điều này được nêu rõ trong Nghị định 05/2015/NĐ-CP (NĐ 05) mới được Chính phủ ban hành.
Tính đến ngày 31/12/2014, cả nước còn khoảng 70 doanh nghiệp nợ lương của hơn 6.000 lao động với số tiền khoảng 59,7 tỷ đồng.
Người mừng, kẻ lo
Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động, đã có hiệu lực chính thức từ ngày 1/3/2015. Tuy vậy, nhiều người tỏ ra hoài nghi về tính hiệu quả của Nghị định bởi thực hiện nó không phải điều dễ dàng.
Chuyện doanh nghiệp nợ lương công nhân 1-2 tháng trong ngành xây dựng cũng như trong nhiều ngành nghề khác không phải chuyện hiếm gặp trong thời gian qua. Câu chuyện căng thẳng đến mức, nhiều công nhân đã phải đình công, bỏ làm, đến “tận tổng hành dinh” của doanh nghiệp, căng băng rôn khẩu ngữ để yêu cầu trả lương cũng như tiền thưởng hay bảo hiểm xã hội...
Khi nghe đài báo tuyên truyền về NĐ 05 của Chính phủ được ban hành và có hiệu lực, nhiều công nhân đã tỏ ra vui mừng. Chị Nguyễn Thị Phương đang công tác ở một doanh nghiệp cho biết: “Đã có lần Công ty nợ chúng tôi 2 tháng lương, cũng may trúng được thầu được một dự án nên lãnh đạo Công ty cũng trả được hết lương - thưởng cho NLĐ. Quy định phạt hàng chục triệu như vậy, hi vọng lãnh đạo Công ty sẽ tìm cách để tình trạng nợ lương không tái diễn”.
Ông Tô Văn Năm, Tổng Giám đốc Cty CP Phát triển Đầu tư Xây dựng Việt Nam cho biết: “Là chủ doanh nghiệp, chúng tôi đều mong muốn trả lương đầy đủ, đúng hạn cho NLĐ, để NLĐ yên tâm làm việc và gắn bó lâu dài với đơn vị. Tuy nhiên, nền kinh tế đang gặp khó khăn, doanh nghiệp sản xuất cũng bị ảnh hưởng, sản phẩm tồn kho, không xuất đi được, vì vậy không có tiền nên chậm trả lương cho NLĐ. Tôi nghĩ, cần linh hoạt hơn nữa, chứ cứ chậm lương rồi đè doanh nghiệp ra phạt trong khi đơn vị đang gặp khó khăn thì càng khiến tình hình trở nên tồi tệ, khiến NLĐ cũng bị ảnh hưởng”.
Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân cho hay: Nghị định mới hướng dẫn thực hiện chế độ tiền lương trong Bộ luật Lao động cũng quy định rõ, khi xảy ra tình trạng chậm lương, NLĐ có quyền có ý kiến, khiếu nại, tố cáo.
Đặc biệt NLĐ có quyền ủy quyền cho Công đoàn, để Công đoàn cơ sở đòi quyền lợi cho NLĐ. Nếu NLĐ và Công đoàn không đòi thì đương nhiên số tiền đó thuộc về DN, còn tiền bị phạt sẽ được bổ sung vào ngân sách nhà nước.
Theo số liệu mới nhất của Bộ LĐTB&XH, tính đến hết ngày 31/12/2014, cả nước vẫn còn khoảng 70 doanh nghiệp nợ lương của hơn 6.000 lao động với số tiền khoảng 59,7 tỷ đồng. Cuộc khảo sát được thực hiện tại 13.189 doanh nghiệp với trên 2,5 triệu lao động.
Xử phạt ra sao
Theo điểm b, khoản 2, Điều 24 NĐ 05: Nếu thời gian trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì phải trả thêm một khoản tiền ít nhất bằng số tiền trả chậm nhân với lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn một tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương.
Khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không quy định trần lãi suất thì được tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn một tháng của ngân hàng thương mại, nơi doanh nghiệp, cơ quan mở tài khoản giao dịch thông báo tại thời điểm trả lương.
Tại điểm c, khoản 4, Điều 13 (vi phạm quy định về tiền lương), Nghị định 95/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động: Phạt tiền người sử dụng lao động trả lương cho NLĐ thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định tối đa từ 50 - 75 triệu đồng với vi phạm từ 51 NLĐ trở lên.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Tiến Đăng, Trưởng Phòng Tiền lương (Vụ Lao động - Tiền lương, Bộ LĐTB&XH) cho biết: “Trước đó, Bộ luật Lao động và Nghị định 95/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động đã quy định rất cụ thể. Nghị định số 05 chỉ bổ sung đôi chút, số tiền lương trả cho NLĐ được căn cứ theo tiền lương ghi trong hợp đồng, năng suất lao động, khối lượng và chất lượng công việc mà NLĐ đã thực hiện. Số tiền được trả là một khoản ít nhất bằng lượng tiền trả chậm nhân với lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn một tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương”.
Ông Nguyễn Tiến Đăng cũng khuyến cáo NLĐ: “Khi phát hiện chủ sử dụng lao động vi phạm, NLĐ có thể phản ánh qua kênh báo chí để được giúp đỡ. Trường hợp, nếu xảy ra sai phạm trong lĩnh vực trên, NLĐ có thể phản ánh cho thanh tra lao động của các Sở LĐTB&XH, Thanh tra Bộ LĐTB&XH… là đơn vị trực tiếp tiến hành xử lý đơn vị vi phạm về lao động-tiền lương”.
Vũ Quang
Theo