“Ở châu Âu mức bồi thường rất cao. Chúng ta đã áp dụng theo nhưng với mức quá thấp vì phải bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của hãng hàng không và khách hàng”.
Vietjet Air áp dụng bồi thường bằng tiền mặt mỗi lần hủy, hoãn chuyến bay
Cục trưởng Cục Hàng không Lại Xuân Thanh chia sẻ tại buổi Tọa đàm trực tuyến về Quyền lợi của hành khách và giải pháp giảm chậm, hủy chuyến bay vào ngày 16/7, do báo Giao thông vận tải tổ chức.
Đề cập đến các giải pháp khắc phục tình trạng chậm hủy chuyến bay, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, việc chậm, hủy chuyến thời gian qua có nhiều nguyên nhân, trong đó có khách quan như bầu trời, thời tiết. Nhưng nguyên nhân rất quan trọng là chủ quan, do quản lý nhà nước thực hiện các quy định về dịch vụ và các doanh nghiệp quản lý thực hiện các dịch vụ ở đây.
Trong 6 tháng đầu năm, tình trạng trễ, hủy chuyến bay tăng cao so với cùng kỳ năm 2013. Vì thế ngày 15/7, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã họp để đánh giá toàn diện những tồn tại, hạn chế, đồng thời đánh giá tổng thể các nguyên nhân để đưa ra các giải pháp khắc phục tình trạng này.
Bộ trưởng có giao và đưa ra một số chỉ tiêu cần xử lý trước mắt như: VNA phải giảm chậm, hủy chuyến bay xuống thấp hơn mức năm 2013 ngay trong quý II năm nay. Các hãng còn lại phải giảm 50% số vụ chậm, hủy so với 6 tháng đầu năm 2014. Đến năm 2015 phải bảo đảm 90% bay đúng hạn. …
Bộ trưởng Thăng cũng yêu cầu, ngay trong tháng tới, các đơn vị phải tập trung tìm ra các giải pháp thực hiện triệt để. Trong đó, cơ quan quản ký nhà nước phải tìm ra các giải pháp để quản lý hợp lý, hình thức xử phạt các đơn vị chậm, hủy chuyến.
Đề cập đến tình trạng chậm hủy chuyến bay, Tổng giám đốc Jetstar Pacific Lê Hồng Hà cho biết, theo quy định nếu chậm trên 20 phút thì cứ 15 phút hãng hàng không phải thông báo, xin lỗi hành khách. Nếu chậm trên 2 giờ phục vụ nước uống, trên 3 giờ phục vụ đồ ăn, trên 6 giờ phục vụ chỗ nghỉ, trên 12 giờ phải đổi chuyến cho hành khách.
“Jetstar Pacific đều thực hiện nghiêm quy định này và luôn cố gắng thông báo sớm nhất cho hành khách thông qua mọi phương tiện, từ loa đến nhắn tin, email…” – ông Hà nói.
Phó Tổng giám đốc Vietjet Air Nguyễn Đức Tâm thì cho rằng, việc chậm chuyến, quy định không bắt buộc phải bồi thường nên “chúng tôi gọi những khoản chi trả cho hành khách trong tình huống này là hỗ trợ thiện chí”. Cụ thể Vietjet Air “hỗ trợ thiện chí” bằng tiền mặt, với các mức từ 100 nghìn đến 150 USD.
Tuy nhiên Cục trưởng Cục Hàng không Lại Xuân Thanh khẳng định: “Bất kỳ lý do gì, kể cả khách quan vẫn phải bồi thường cho hành khách bằng việc thay đổi chuyển bay, hay bố trí chuyến bay khác. Trong nhiều trường hợp hành khách đang trên đường hay đang phải chờ đợi tại nhà ga để chờ chuyến bay, hãng vẫn phải có các hình thức hỗ trợ hành khách, quan tâm đến hành khách".
“Ở châu Âu mức bồi thường rất cao. Chúng ta đã áp dụng theo nhưng với mức quá thấp vì phải bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của hãng hàng không và khách hàng. Ở EU mức bồi thường ứng trước không hoàn lại thấp nhất là 250 EURO” – ông Thanh cho hay.
Theo Thành Nam/infonet.vn
Theo