(Xây dựng) - Theo báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng về kết quả giải ngân gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng, tổng số tiền 05 Ngân hàng đã cam kết là 3.365,9 tỷ đồng, tổng dư nợ là 1.699,4 tỷ đồng.
Số liệu này cho thấy quá trình giải ngân cho vay gói này vẫn bị chậm so với nhu cầu thực tế của người dân cần mua nhà thu nhập thấp. Trong khi các ngân hàng đã chính thức cam kết sẵn sàng đẩy nhanh thủ tục giải ngân thì nguyên nhân của việc bị chậm do đâu?
Giải ngân bị chậm
Chị Bùi Hoàng Phương - Trưởng phòng Khách hàng Cá nhân, BIDV Chi nhánh Tây Hà Nội cho biết: Quy định của Bộ Xây dựng về việc chủ đầu tư bán nhà ở thương mại cho khách hàng thì chỉ có 20% căn hộ là được bán trực tiếp cho khách hàng còn 80% còn lại phải bán thông qua sàn giao dịch BĐS. Trong khi đó, gói 30 nghìn tỷ đồng chỉ được phép giải ngân khi khách hàng ký hợp đồng trực tiếp với chủ đầu tư. Điều này có nghĩa là 80% căn hộ còn lại của dự án nhà ở thương mại giá rẻ dù đủ điều kiện vay gói tín dụng này nhưng thực tế mắc lại không thể giải ngân.
Nguyên nhân thứ hai, theo phản ánh nhiều nhất của khách hàng là do các địa phương gây khó khăn khi xác nhận hồ sơ mua nhà ở xã hội cho khách hàng. Các trường hợp địa phương không xác nhận cũng không có lý do giải thích hoặc xác nhận không đúng theo mẫu quy định đều không thể giải ngân.
Thứ ba, về phía ngân hàng đã sẵn sàng cam kết tiến hành đẩy nhanh quá trình xét duyệt hồ sơ và làm thủ tục giải ngân, nhưng khi thực hiện bao giờ cũng bị chậm lại do các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan phối hợp làm chậm lại. Ví dụ như vướng mắc tại Bộ TN&MT thì người thực hiện thường có lý do là chưa nắm được hoặc chưa được chỉ đạo. “Cơ chế phối hợp giữa các bên trong các thủ tục hành chính khiến cho quá trình thực hiện giải ngân này bị chậm lại” - Chị Phương cho biết thêm.
Ông Nguyễn Văn Long - Trưởng phòng Khách hàng Cá nhân, Ngân hàng BIDV Chi nhánh Ba Đình cho biết: Gói 30 nghìn tỷ đồng cho vay các sản phẩm nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ chịu chi phối bởi Thông tư liên tịch số 01/2014/TTLT-NHNN-BXD-BTP-BTNMT của NHNN, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp và Bộ TN&MT. Nội dung quan trọng là cho phép các đối tượng thu nhập thấp có thể dùng chính căn hộ mua tại dự án nhà thu nhập thấp, nhà xã hội để thế chấp tại ngân hàng khi vay vốn từ gói hỗ trợ này của Chính phủ.
Cần hoàn thiện chính sách
Thông tư này có quy định: Đối với các hợp đồng mua bán căn hộ được ký trước ngày 16/6/2014 thì được xác nhận tại Trung tâm Giao dịch bảo đảm. Còn các hợp đồng giao dịch được ký sau ngày 16/6 thì thuộc diện tài sản hình thành trong tương lai phải do các quận, huyện xác nhận. Tuy nhiên, khi Thông tư này triển khai xuống các địa phương thì các địa phương phản ánh rằng chưa được phổ biến nên không ký xác nhận cho khách hàng. Hiện mới chỉ có Q.Nam Từ Liêm (Hà Nội) tổ chức lớp tập huấn cho các cán bộ về thông tư này chứ những nơi khác thì chưa. Vì vậy, quá trình giải ngân đối với các hợp đồng này bị ách lại.
Mới đây nhất, Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) đưa ra báo cáo khá chi tiết, trong đó khẳng định: Ngân hàng Nhà nước luôn sẵn sàng đầy đủ nguồn vốn 30 nghìn tỷ đồng với lãi suất cho vay thấp, thời hạn dài để đáp ứng nhu cầu cho vay chương trình của các ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng chương trình này có quy mô rộng, thời hạn dài, chưa có tiền lệ do vậy việc thực hiện còn khó khăn, chưa đáp ứng được kỳ vọng của xã hội.
Liên quan đến quan điểm vì thiếu nguồn cung nên gói hỗ trợ bị chậm, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, cho biết: Hiện Bộ Xây dựng đã thẩm tra sơ bộ và chuyển danh mục gồm 81 dự án sang Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại để xem xét, thẩm định cho vay. Tuy nhiên đến nay mới chỉ có 21 dự án được ký hợp đồng vay vốn, trong đó có 17 dự án đã được giải ngân.
Như vậy là vẫn cần hoàn thiện cơ chế chính sách pháp lý và cơ chế phối hợp giữa các cơ quản lý nhà nước. Có như vậy mới giải quyết dần từng bước để gói hỗ trợ kịp thời đến đúng đối tượng người dân mua nhà thu nhập thấp và thể hiện đúng tính chất nhân văn của gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng.
“Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, cho biết: Hiện Bộ Xây dựng đã thẩm tra sơ bộ và chuyển danh mục gồm 81 dự án sang Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại để xem xét, thẩm định cho vay”. |
Ninh Toàn
Theo