(Xây dựng) - Các nước tiên tiến trên thế giới thường tách nguồn nước thải sinh hoạt và nước mưa làm 2 đường thoát riêng biệt. Nước mưa sẽ được xả trực tiếp xuống ao, hồ, kênh, mương,… còn nguồn nước thải cần có một đường riêng dẫn vào một khu vực xử lý đến khi đảm bảo an toàn mới xả ra môi trường. Còn ở Việt Nam, đang phấn đấu đến năm 2020 mới đạt 20% lượng nước thải đô thị được xử lý.
88% nước thải chưa được xử lý gây ô nhiễm môi trường
Hiện tượng cá chết tại Hồ Tây bắt đầu từ sáng 02/10, đến nay ước tính lên tới hàng trăm tấn đang tốn khá nhiều giấy mực của giới truyền thông những ngày qua. Trong những ngày đầu, số cá chết chủ yếu là cá chép và cá rô phi loại nhỏ, dần dần kích cỡ cá chết ngày một tăng lên. Thậm chí có những con có trọng lượng 5 - 7kg cũng vẫn chết.
Cũng liên quan đến hiện tượng cá chết ở Hồ Tây dù các nhà khoa học có những tranh cãi nhưng đa số đều đồng tình với quan điểm cho rằng cá chết hàng loạt ở Hồ Tây mấy ngày qua là do nguồn chất thải, nước thải chưa qua xử lý đổ xuống hồ quá lớn, khiến nguồn nước bị ô nhiễm trầm trọng. Và Hồ Tây chỉ là một tiếng chuông báo động về sự buông lỏng quản lý nước thải đô thị tại Việt Nam lâu nay.
Theo Chủ tịch Hội cấp thoát nước Việt Nam Cao Lại Quang, mới có 30 nhà máy xử lý nước thải đang vận hành với công suất thiết kế 860.000m3/ngđ, tỷ lệ thu gom nước thải qua các trạm xử lý tập trung mới chỉ đạt 12%. Vậy là còn tới 88% nước thải chưa được xử lý đang thải trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường sống và sức khoẻ người dân, phá vỡ cân bằng sinh thái là điều không mấy khó hiểu.
Với tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh chóng, mật độ dân số ở các đô thị tăng cao, ô nhiễm sông ngòi, nguồn nước do nước thải sinh hoạt đang ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Theo kết quả của một nhóm các nhà khoa học thuộc Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM, tầng nước ngầm ở TP.HCM phần lớn bị ô nhiễm, nhất là ô nhiễm hữu cơ. Mức độ ô nhiễm có thể thấy là nước có mùi tanh, đóng váng màu vàng nhạt trên mặt, nước nhiễm sắt…
Trở lại với vụ việc cá chết ở Hồ Tây, GS.TSKH Trần Hữu Uyển - một trong những người đầu tiên thành lập ngành nước của Trường ĐH Xây dựng Hà Nội - cho rằng, cá chết hàng loạt ở Hồ Tây mấy ngày qua là do nguồn chất thải, nước thải chưa qua xử lý đổ xuống hồ quá lớn, khiến nguồn nước bị ô nhiễm trầm trọng.
Theo GS.TSKH Trần Hữu Uyển, ở Hà Nội các hồ thường bị ô nhiễm vào 2 đợt trong năm, là khoảng tháng 4, 5 và tháng 10, 11. Vì cứ có hiện tượng mưa nhiều, sau đó nắng lên một thời gian là nước mặt hồ hay bị ô nhiễm, cá chết nhiều.
“Khi mưa nhiều, nước mưa sẽ chảy vào các hệ thống cống thoát và đồng loạt đẩy các chất bẩn trong đó xuống các ao, hồ, kênh mương. Sau đó nắng lên một thời gian, các chất thải này ở dưới lòng hồ sẽ hút ô xy để phân hủy, dẫn đến nước mặt thiếu ô xy và cá chết nhiều” - GS phân tích.
Rào cản vốn
Về giải pháp lâu dài, GS.TSKH Trần Hữu Uyển cho biết, các nước tiên tiến trên thế giới thường tách nguồn nước thải sinh hoạt và nước mưa làm 2 đường thoát riêng biệt. Nước mưa sẽ được xả trực tiếp xuống ao, hồ, kênh, mương,… còn nguồn nước thải cần có một đường riêng dẫn vào một khu vực xử lý đến khi đảm bảo an toàn mới xả ra môi trường.
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, nhu cầu vốn đầu tư cho thoát nước thải đô thị trong 5 năm tới khoảng gần 7 tỷ USD. Tuy nhiên việc huy động tài chính là không dễ do nguồn vốn ODA có xu hướng giảm dần, ngân sách hạn hẹp.
Cụ thể, Bộ Xây dựng đang triển khai chương trình đầu tư, xử lý nước thải cho các đô thị lớn và lưu vực song đến năm 2020. Ngoài các dự án đã xác định được nguồn vốn tài trợ từ JICA, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng ADB… còn nhiều dự án đang ở giai đoạn tìm kiếm, thăm dò các nhà đầu tư mới. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất khiến việc xã hội hóa kêu gọi đầu tư tư nhân là giá dịch vụ thoát nước quá thấp.
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật Bộ Xây dựng, giá dịch vụ thoát nước (phí bảo vệ môi trường) hiện nay được tính vào giá cấp nước, bằng 10% giá nước sạch là quá thấp. Hiện tại, đây tiếp tục sẽ là rào cản lớn cho việc thúc đẩy đầu tư hạ tầng xử lý nước thải, khi mà trong dự thảo Luật giá, Bộ Tài chính vẫn giữ quan điểm xây dựng giá dịch vụ thoát nước tối đa 10% chứ không ủng hộ đề nghị của Cục Hạ tầng Kỹ thuật - Bộ Xây dựng nên quy định mức tối thiểu là 10% và có lộ trình nâng mức giá này lên, tuỳ thuộc vào từng địa phương.
Ngoài ra, vấn đề xây dựng hệ thống đấu nối nước thải từ các hộ gia đình, các cơ quan, tổ chức… vào hệ thống thoát nước để thu gom nước thải về nhà máy xử lý cũng là bài toán nan giải. Chính vì thế mà ngay cả khi đã có nhà máy xử lý nước thải thì cũng chưa chắc đã phát huy được hiệu quả vì chưa đồng bộ hệ thống đầu tư.
Chính vì lẽ đó, mục tiêu đạt 20% nước thải được thu gom xử lý, tương đương với 2,4 triệu m3 nước/ngđ theo định hướng phát triển thoát nước đô thị Việt Nam đến năm 2020 vẫn chỉ là con số khiêm tốn, không giải quyết triệt để được mối đe dọa đối với môi trường sống và sức khỏe người dân.
Viễn Phong
Theo