Ông Nguyễn Minh Tuấn - CEO VietBuilding. |
(Xây dựng) - Trong bối cảnh phân khúc dịch vụ quản lý tòa nhà trước đây luôn thuộc về đối tác ngoại và vấn nạn tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư bùng nổ, vai trò và năng lực của nhà quản lý trong nước được khẳng định là tín hiệu đáng mừng. VietBuildings là thương hiệu nội hoạt động chuyên về lĩnh vực quản lý tòa nhà được quản lý và điều hành bởi những CEO người Việt. Chỉ trong 6 năm thành lập, DN này hiện đang quản lý gần 100 tòa nhà và đặt mục tiêu quản lý thêm 50 tòa nhà nữa trong năm 2017. Đây cũng là thương hiệu duy nhất thuộc lĩnh vực này được Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) vinh danh tại Chương trình Gặp mặt Hội viên thường niên được tổ chức mới đây tại Quy Nhơn (Bình Định).
Phóng viên Báo Xây dựng có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Tuấn - Giám đốc Cty TNHH Quản lý Tòa nhà Việt (VietBuildings) về cơ hội và thách thức của mô hình dịch vụ mới mẻ tiềm năng này.
Được biết, tại chương trình Gặp gỡ Hội viên thường niên 2017 của VNREA vừa được tổ chức tại Quy Nhơn (Bình Định), VietBuildings là hội viên duy nhất hoạt động trong lĩnh vực quản lý tòa nhà được vinh danh bên cạnh những thương hiệu chủ đầu tư đình đám, xin ông chia sẻ những thế mạnh mà VietBuildings cạnh tranh được đối với các đối tác ngoại?
- Ưu thế đầu tiên của VietBuildings là chúng tôi có Cty CP dịch vụ An ninh Bảo vệ ASC Việt Nam nên khi triển khai quản lý tòa nhà sẽ có lợi thế so với các đơn vị nước ngoài khác hay các đơn vị quản lý trong nước khác là họ phải thuê lại nhà thầu phụ. Thứ nhất là giảm thời gian chi phí, thứ 2 là ở góc độ đào tạo, về trình độ chuyên môn, năng lực nghiệp vụ thì Viet Buildings đều có sẵn. Hiện tại VietBuildings phối hợp với Trung tâm Đào tạo tư vấn Vicorel thuộc Hiệp hội BĐS Việt Nam tổ chức đào tạo quản lý nhà chung cư. Sau quá trình đào tạo, các học viên được cấp chứng chỉ về làm việc tại các Ban quản lý và các thành viên Ban quản trị của cư dân theo luật định bao gồm nhân viên của các Ban quản lý và thành viên các Ban quản trị đại diện cư dân.
Điểm cộng thứ 3 nữa là hiện tại tôi đang là luật sư, đồng hành cùng Cty có đội ngũ luật sư giàu kinh nghiệm trong Ban pháp chế. Khi tranh chấp xảy ra giữa chủ đầu tư, Ban quản trị cư dân thì mình có cơ chế pháp lý tư vấn được cho chủ đầu tư nếu mà mình làm thuê cho chủ đầu tư, giúp được cho cư dân nếu mình làm cho cư dân.
Điểm cộng thứ 4 là tôi cũng là một Cty làm sạch chuyên nghiệp, hiện tại đã ký hợp đồng toàn diện với Vinhomes thuộc Vingroup. Chúng tôi đang triển khai 4 dự án lớn của Vingroup làm sạch căn hộ theo nhu cầu của chủ sở hữu căn hộ, đáp ứng nhu cầu dịch vụ gia tăng cho chủ sở hữu căn hộ tại 4 dự án Times City, Royal City, Vincom Bà Triệu, Vincom Nguyễn Chí Thanh quy mô khoảng 6 vạn dân. Giá thành dịch vụ hợp lý nên cạnh tranh và thời gian phục vụ 24/24 và đặc biệt Vietbuildings không chỉ đáp ứng tòa nhà phân khúc cao cấp mà cả phân khúc tòa nhà trung bình, tái định cư để phục vụ xã hội.
Là một thương hiệu khá mới mẻ xuất hiện trong giới BĐS, xin ông cho biết cơ duyên nào mà một luật sư như anh lại tham gia vào hoạt động quản lý tòa nhà và quá trình hình thành và phát triển của VietBuildings?
- Nó là niềm đam mê. Vì làm nghề luật sư sẽ va chạm với nhiều khách hàng kể cả va chạm về hình sự nên cần có lực lượng an ninh riêng là Cty CP dịch vụ An ninh bảo vệ ASC Viêt Nam. Tiếp theo, làm luật sư sẽ tiếp xúc nhiều với chủ đầu tư, đơn vị tư vấn về dịch vụ BĐS và những đối tác liên quan. Sự ra đời của VietBuildings cùng với những Cty mới trong thời gian tới về đấu giá và thẩm định giá như một chuỗi dây chuyền hỗ trợ tốt cho nhau.
VietBuildings đến nay là có 6 năm hoạt động chính thức. Hiện tại, Cty đã quản lý gần 100 tòa và kế hoạch năm 2017 sẽ quản lý thêm 50 tòa nhà nữa. Trong quý I năm nay, Cty đã tiếp nhận được 15, 17 tòa và hoàn thành kế hoạch. Thời gian tới, chúng tôi sẽ liên kết với một đơn vị nước ngoài để chuyển giao công nghệ để có quy trình làm việc chuyên nghiệp chuẩn chỉ hơn.
VietBuildings vinh dự được nhận Bằng khen của Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam.
Theo ông, thách thức lớn nhất của thương hiệu quản lý tòa nhà Việt là gì và ông đánh giá thế nào về cơ hội của VietBuildings trong thời gian tới?
- Một tòa nhà lớn gắn với một thương hiệu thì bao giờ người ta vẫn sử dụng thương hiệu nước ngoài. Nhưng thực ra thương hiệu nước ngoài họ cũng phải thuê lại dịch vụ kỹ thuật, cây xanh, cây cảnh, bảo vệ từ các thầu phụ tại chỗ. Mặt khác, các đơn vị nước ngoài chỉ chuyên về quản lý tòa nhà văn phòng hoặc là tòa nhà hỗn hợp. Riêng về chung cư không thông thường họ không muốn làm vì lợi nhuận không cao và phức tạp. Tôi cho rằng đấy lại chính là thế mạnh của VietBuildings. Thách thức chủ yếu về vấn đề thương hiệu, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay thì VietBuilding không ngại vì năng lực kinh nghiệm và thương hiệu chúng tôi đã xây dựng khá vững chắc rồi. Đây là sân chơi mà người Việt nên chiếm lấy ưu thế quản lý tòa nhà Việt.
Ngoài Vinhomes thuộc Vingroup, chúng tôi hợp tác với Vinaconex, VTC và nhiều chủ đầu tư khác. Cụ thể như là Tòa VTC ở 23 Lạc Trung và 18 Tam Trinh, chủ đầu tư Hồ Gươm Plaza, trước làm cho cả Parkson và Keangnam, trước nữa là Melinh Plaza Hà Đông, HUD, AZ Vân Canh, mục tiêu sắp tới chúng tôi là các tổ hợp chung cư, văn phòng cao cấp.
Ông đánh giá thế nào về tình trạng tranh chấp giữa cư dân và các chủ đầu tư bùng nổ trong thời gian qua, nguyên nhân và ông có đưa ra giải pháp nào không ạ?
- Có thể nói rằng, điều vui mừng phấn khởi cho xã hội cho quản lý nhà nước đó là sự hiểu biết của người dân ngày càng được nâng cao hơn. Trước đây, cư dân không biết Ban quản trị làm gì, tham gia vào Ban quản trị có được gì không, không hiểu cơ chế hoạt động thế nào, luật định ra sao. Rồi khái niệm giữa phí quản lý và chi phí bảo trì không rõ ràng lẫn lộn lung tung. Không phải trước đây không có tranh chấp là tốt đâu, vì trước đây người dân không để ý, có tâm lý kệ, mua nhà bỏ tiền rồi chủ đầu tư muốn cho dịch vụ gì thì sử dụng dịch vụ đó. Đến bây giờ dân trí cao, người ta tìm hiểu luật pháp, phát hiện những hoạt động chuyển đổi công năng một số diện tích sai mục đích, hệ thống phòng cháy chữa cháy chưa được nghiệm thu, vấn đề về sở hữu nhà riêng cộng đồng, vấn đề tranh chấp nhà để xe và phổ biến nhất là tranh chấp về phí dịch vụ cao và không minh bạch.
Có một vấn đề về tranh chấp nữa là giữa chủ đầu tư và Ban quản trị toà nhà. Việc này có hai mặt của một vấn đề, ở góc độ cư dân thực sự đại diện cho người dân đã công tâm vì quyền lợi chung của dân hay chưa. Những người đấy họ là những người nhiệt tình tâm huyết nhưng thực sự ở khía cạnh nhất định thì phải xem xét yếu tố có cá nhân trong đấy không. Cũng không ít trường hợp xảy ra như thay toàn bộ Ban quản lý của chủ đầu tư, thay đơn vị điều hành cũ vì rất nhiều nguyên nhân. Một số Ban quản trị, vấn đề đấu thầu thường thông qua chỉ định thầu, qua quen biết...
Quan trọng nhất vẫn là chủ đầu tư, sai phạm lớn tất cả mọi tranh chấp đều do chủ đầu tư chấp hành chưa nghiêm mọi quy định của Nhà nước và pháp luật. Nếu chủ đầu tư chấp hành tốt thì sẽ không xảy ra tranh chấp, không bàn giao quỹ bảo trì, liên quan đến vấn đề diện tích chung riêng không rõ ràng, thông tin bán hàng chưa chính xác, thái độ không cầu thị mềm dẻo khi ứng xử với khách hàng với cư dân. Tôi cho rằng, các chủ đầu tư phải đảm bảo quyền lợi cho cư dân theo đúng cam kết, đúng pháp luật, không nên kinh doanh với dịch vụ phục vụ cư dân bởi những toan tính nhỏ nhặt sẽ dẫn đến thiệt hại không đáng có về mặt uy tín, thương hiệu bên cạnh những đau đầu khi phải đối đầu trực tiếp với cư dân trong khi có thể lựa chọn cuộc song hành đường dài với cư dân.
Trân trọng cảm ơn ông!
Ninh Nhi (thực hiện)
Theo