Thứ sáu 19/04/2024 03:49 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Cầu Vượt Nguyễn Hữu Cảnh Gặp Sự Cố

Cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh từng gặp nhiều sự cố, phải chi tiền tỷ để sửa

10:55 | 06/10/2022

Trước khi bị phát hiện gặp sự cố nghiêm trọng đứt cáp dự ứng lực ngầm gần đây, cầu Nguyễn Hữu Cảnh từng gặp phải nhiều sự cố khác ngay khi công trình vừa hoàn thành.

20 năm kể từ khi hoàn thành, công trình cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) từng liên tiếp vướng các sự cố lún đất nền, nứt gãy xà mũ trụ. Mới đây nhất, cây cầu này tiếp tục gặp sự cố đứt cáp dự ứng lực ngầm, gây ra những tác động nghiêm trọng đến kết cấu.

Liên tiếp xảy ra sự cố

Nằm ở trục giao thông chính kết nối khu đông vào trung tâm TP.HCM, cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh được đưa vào sử dụng từ năm 2002 với chiều dài hơn 600 m, rộng gần 13 m, tải trọng cho phép không giới hạn. Tuy nhiên, cầu vừa đưa vào khai thác đã xuất hiện tình trạng lún tại vị trí tiếp giáp giữa đường dẫn và cầu.

Theo đánh giá của Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, độ chênh lệch lún tại các vị trí tiếp giáp sau mố cầu là rất lớn (khoảng 20 cm). Song, thay vì tìm cách khắc phục, Tổng công ty Công trình giao thông 6 đã cho đập gờ bê tông lan can, hàn nối thêm sắt và trám để che lấp các vị trí bị biến dạng, xô lệch.

Đến năm 2016, cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh tiếp tục được phát hiện trong tình trạng hư hỏng nặng. Hàng loạt vết nứt chạy dọc trên các bức tường, phần xà mũ trụ cũng bị gãy, tách rời khỏi dầm phía trên. Nhiều đoạn tường gạch khoan giữa các trụ T22, T23 và T24 cũng bị bong tróc, đổ sụp; lan can cầu xuất hiện các vết nứt… Sau đó, thành phố đã chi hơn 12 tỷ đồng để sửa chữa.

cau vuot nguyen huu canh tung gap nhieu su co phai chi tien ty de sua
Vết nứt toác của cầu Nguyễn Hữu Cảnh hồi năm 2003. Ảnh: Hạ Giang.

Không chỉ hạng mục cầu vượt, đường Nguyễn Hữu Cảnh từ khi đưa vào khai thác cũng nhiều lần có các sự cố, trong đó hư hỏng nặng nhất là hạng mục cầu Văn Thánh 2.

Theo đó, nền đường đắp cao của các đoạn sau mố cầu Văn Thánh 2 cũng xuất hiện sụt lún nhanh, có nguy cơ hư hỏng kết cấu nhịp cầu. Cơ quan chức năng cũng nhìn nhận đoạn đường này bị lún khoảng 30 cm kể từ khi hoàn tất việc sửa chữa cầu văn Thánh 2 vào đầu năm 2006. Để đảm bảo an toàn, tháng 10/2007 thành phố chi hơn 141 tỷ đồng sửa chữa cầu.

Ngoài ra, quá trình thi công hầm chui, đường Nguyễn Hữu Cảnh còn gây ra lún nứt nhiều nhà dân ven đường, ngân sách phải bồi thường khoảng 4 tỷ đồng cho 57 hộ. Mặt khác, tuyến đường sau khi đưa vào khai thác đã trở thành một trong những “rốn ngập” của thành phố. Tình trạng kẹt xe, ngập nặng sau mưa tại đây diễn ra thường xuyên cho đến khi công trình được đầu tư nâng cấp làn đường, sửa chữa và đưa vào sử dụng hồi tháng 4/2021.

Khác với những sự cố chịu tác động ngoại lực trước đó, sự cố đứt cáp dự ứng lực ngầm cầu Nguyễn Hữu Cảnh chỉ vừa được Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ phát hiện hồi giữa tháng 9, khi kết cấu công trình cho thấy rõ những thay đổi so với thiết kế, mặt cầu bị võng, lõm và các dầm cầu bị chuyển vị, lệch, nứt.

cau vuot nguyen huu canh tung gap nhieu su co phai chi tien ty de sua
Cáp dự ứng lực (màu đỏ) bị cắt, với cống hộp (màu xanh) chắn ngang gây chuyển vị hai mố cầu nhịp chính. Ảnh: TCIP.

Quá trình rà soát khu vực ngầm, cơ quan chuyên môn phát hiện 4 bó cáp dự ứng lực của cầu này đã bị cắt đứt ở độ sâu 1,8 m dưới lòng đất. Trong mỗi bó cáp này có 7 tao cáp, mỗi tao có đường kính 15,2 mm, được đặt trong ống nhôm đường kính 60 mm.

Tại vị trí bó cáp bị cắt, cơ quan chuyên môn cũng tìm thấy một cống hộp 2 m x 2 m của hệ thống thoát nước (thuộc dự án Sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh, hoàn thành hồi tháng 3/2021) nằm giao cắt. Điều này khiến các chuyên gia trong lĩnh vực Cầu đường nhận định sự cố đã xảy ra ít nhất gần một năm.

cau vuot nguyen huu canh tung gap nhieu su co phai chi tien ty de sua
Vị trí cáp dự ứng lực ngầm bị đứt. Ảnh: Sở GTVT TP.HCM.

Tác động sự cố đã làm võng mặt cầu nhịp chính 22,2 cm bên phải, 17 cm ở tim và 18,6 cm bên trái, lớn hơn độ võng cho phép và tính toán chuyển vị ngang cho phép là 7,2 cm.

Trong trường hợp cáp dự ứng lực ngầm (đóng vai trò neo giữ lực cho 2 mố cầu tại nhịp chính 55.5 m) bị đứt, các chuyên gia cho hay việc cho xe máy lưu thông sẽ không bị ảnh hưởng, trừ xe tải lớn. Tuy nhiên để đề phòng kết cấu bị nứt vỡ, phá hoại và an toàn cho người dân, xe bị cấm hoàn toàn qua cầu vượt này.

cau vuot nguyen huu canh tung gap nhieu su co phai chi tien ty de sua
Mặt cầu bị võng, lõm sau sự cố đứt cáp. Ảnh: Quỳnh Danh.

Cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh có tổng chiều dài hơn 618 m, rộng 13 m, gồm một nhịp chính và 2 đoạn cầu dẫn. Kết cấu nhịp chính có khung bê tông cốt thép dự ứng lực, gồm 4 khung dầm, khoảng cách giữa 2 dầm là 3,2 m.

Chưa chốt phương án khắc phục

Sở GTVT TP.HCM cho biết kể từ 20/10/2020 đến nay, công trình cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh được Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ bàn giao cho Ban quản lý dự án các công trình giao thông TP.HCM (TCIP) thực hiện dự án sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh chưa bàn giao lại.

Do đó, TCIP chịu hoàn toàn trách nhiệm về sự cố này và lập phương án đảm bảo an toàn kết cấu nhịp chính công trình; tránh nguy cơ hư hỏng nghiêm trọng và sụp đổ; đồng thời giám định chất lượng kết cấu công trình; báo cáo các cấp nếu công trình có nguy cơ xảy ra sự cố nghiêm trọng.

Trong báo cáo mới nhất về phương án xử lý, TCIP đề xuất giai đoạn 1 sẽ làm mương chứa cáp bằng bêtông sau đó lắp ống chứa cáp trong một ống bảo vệ khác. Bước tiếp theo là căng cáp và bơm bêtông lấp đầy lòng ống rồi lắp đặt các tấm nắp đậy nhằm bao bọc đường ống chứa cáp.

Giai đoạn hai, các đơn vị sửa chữa toàn bộ mặt cầu, bao gồm lan can, khe co giãn... lắp đặt hệ thống chiếu sáng, thoát nước.

Tuy nhiên, qua tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia, Sở GTVT nhìn nhận giải pháp đề xuất của TCIP đưa ra không hiệu quả. Do đó, đơn vị cho biết chưa đủ cơ sở thông qua phương án khắc phục này.

Trao đổi với Zing, một chuyên gia thuộc thành viên tổ tư vấn, điều tra sự cố cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh, cho biết đến thời điểm hiện tại, đứt cáp được xác định là nguyên nhân chính gây ra các tác động võng, lõm, chuyển vị kết cấu công trình. Tuy nhiên sự cố nhưng vẫn còn rất nhiều nguyên nhân phụ cần điều tra.

Đối với phương án TCIP đưa ra, vị này cho biết để xử lý một sự cố, cơ quan chuyên môn phải xem xét ít nhất 2-3 phương án. Do đó, việc đưa ra phương án khắc phục sự cố lần này cũng cần được rà soát, cân nhắc kỹ lưỡng. Trong đó phải đảm bảo khắc phục nhưng cũng đi đôi với vấn đề về tuổi thọ, thời gian thi công, chi phí và rất nhiều các yếu tố khác.

cau vuot nguyen huu canh tung gap nhieu su co phai chi tien ty de sua
Lộ trình thay thế cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh). Đồ họa: Minh Trí.

Theo Thư Trần/Zing.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load