Thứ năm 12/09/2024 10:10 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Văn hóa /

Cầu làng

10:10 | 06/11/2019

(Xây dựng) - Cầu làng là hình ảnh quen thuộc ở miền quê đồng bằng Bắc bộ. Cùng với kiến trúc đình, chùa hay miếu thì cầu cũng là một điểm nhấn, là nét văn hóa mang hơi thở riêng của mỗi một làng quê.

Cầu làng

Làng tôi là dải đất hình rồng mềm mại nằm bên bờ một con sông đào, địa thế trời ban thật thoáng đẹp bởi sông nước hữu tình. Gọi là sông nhưng đó chỉ là một nhánh nhỏ được thông với dòng Nhuệ Giang chảy qua địa bàn huyện Phú Xuyên, Hà Tây.

Từ khoảng sân thênh thang nắng gió của ngôi đình uy nghi là bước xuống mé sông nơi có hai cái cầu làng bề thế. Tôi không biết cầu được các cụ xây từ năm nào, chỉ thấy nó đã cũ, có lẽ cùng tuổi với ngôi đình làng. Hai thành cầu vững chãi hai bên, có màu xi măng đã lên nước nâu bóng cùng thời gian. Cầu thoai thoải xuống lòng sông và có nhiều bậc rộng được lát nghiêng bằng thứ gạch chỉ già giống như bao nhiêu cái cầu khác ở miền quê Bắc bộ.

Tôi vẫn nhớ như in hai cái cầu cách nhau khoảng hơn chục mét, ở giữa có cây si cụ mà cả làng không ai biết nó bao nhiêu tuổi. Nó ngả hẳn cái lưng còng mốc thếch xuống sông, buông lơi trên mặt nước vô vàn những chùm rễ nâu đỏ thành tấm mành lớn ngăn giữa đôi cầu. Các nhánh phụ của nó thì lại vươn rộng sang hai bên như dang tay muốn ôm trọn cả đôi. Nơi đây phong cảnh hữu tình.

Dưới bóng cây, gió sông mát rượi, trẻ con, người già nhẩn nha chơi đùa hóng mát nhất là những ngày hè. Và khi mùa quả si chín thẫm là lúc trẻ con tập trung ở đây nhiều nhất. Lũ chúng tôi trèo cây bẻ cành hái quả si chín thậm chí còn vặt cả rễ si non đo đỏ hồng hồng để chia nhau nhấm nháp ngon lành.

Ngày nào cũng thế bất kể mùa hè hay trời đông giá rét, sáng chưa tỏ mặt người đã nghe nhịp sống thôn quê rộn ràng trên cầu. Người người ra cầu tấp nập, nào rửa rau nào vo gạo chuẩn bị cho bữa sáng và hầu như tất tần tật cái gì cần rửa cũng mang ra cầu. Các mẹ các chị vừa giặt quần áo vừa nói cười góp chuyện bung nổ như ngô rang.

Người ta thích ra cầu không chỉ là giặt giũ tắm rửa mà còn để chia sẻ, để nghe để hóng chuyện hàng xóm, chuyện làng, chuyện xã. Thôi thì đủ thứ muốn biết gì cứ ra cầu. Các cô mới lớn tìm chỗ xúm lại gần nhau. Chẳng biết thì thầm trao đổi những gì mà chỉ thấy miệng tủm tỉm cười, mắt đong đưa lúng liếng, có khi giặt xong còn chưa buồn về. Đó cũng là thời điểm nhộn nhịp nhất của buổi sáng trên cầu.

Tuổi thơ tôi gắn liền với sân đình và cầu đình. Tôi cũng như bao đứa trẻ trong làng, ngày ngày ăn xong cắp rổ bát ra cầu để rửa. Nhiều hôm xếp bát đũa ra bậc cầu nó đã khô két mà vẫn mải chơi chưa buồn rửa. Cứ một cái rổ lội bì bõm, đi chao đi hớt con cá mương trọc ở các bậc cầu. Từng đàn cá mương trắng muốt lượn lờ đớp váng mỡ như khiêu khích. Nhưng chúng khôn lắm, có mấy khi bắt được đâu. Mải mê có khi nhòm đến đống bát thì sóng đã làm trôi mất hết cả đũa tự bao giờ.

Thật, cứ ra khỏi nhà là quên luôn đường về đúng như chim sổ lồng. Nhất là những hôm gặp đối tác cùng mải chơi thì thôi rồi. Cầm chắc lúc về thể nào cũng bị bà la mắng cho một hồi bài ca quen thuộc. Tôi nghe nhiều cũng quen nhưng chậm tí nữa mà để bà tôi phải đi tìm thì chạy lên giời cũng không thoát, cứ gọi là ăn roi lằn mông. Tự nhiên lại thấy nhớ và thèm được nghe bà chửi như ngày xưa.

Chiều đến cũng là lúc trên cầu đông vui trở lại thậm chí còn ầm ĩ hơn cả buổi sáng. Trẻ con chúng tôi rủ nhau ra cầu tắm từ sớm khi mặt trời vẫn còn rực rỡ. Chẳng biết tự bao giờ sinh ra cầu đàn ông và cầu đàn bà. Tất cả đàn ông tắm ở cầu mạn trên. Cầu đàn bà ở phía dưới xuôi có nhiều bậc rộng thoải mái hơn. Bọn trẻ gái nhà quê nhừng nhừng nhỡ nhỡ gầy gò đa số phẳng lì trên dưới như nhau nên vẫn lột hết vô tư tắm tiên.

Tôi cũng thế. Bọn tôi còn nhỏ chưa biết bơi thường lấy chậu thau bám vào để tập bơi. Đứa nào không có chậu thì lấy cái quần dài đen buộc túm dưới hai ống để một đứa cầm giơ lên còn một đứa vỗ vỗ cái miệng cạp quần xuống nước. Thế là thành hai quả bong bóng hơi làm phao bơi tuyệt vời, cứ thế là bám vào mà đập dòng dòng. Được cái quần vải soa hay si thì tha hồ bơi, còn lâu bong bóng mới xẹp.

Bên cầu đàn ông còn ầm ĩ hơn nhiều. Chúng nhảy ùm ùm từ trên thành cầu xuống sông. Chúng thi nhau trèo cả lên lưng cây si còng rồi hò nhau nhảy xuống. Con trai mà, chúng còn vật nhau dìm nhau ở dưới nước như quỷ sứ. Nhiều đứa bám vào cụm rễ si đu trên mặt nước đúng như khỉ, miệng hò hét huyên náo cả khúc sông.

Có đứa ngày nào cũng chơi trò móc bùn dưới đáy sông tương sang bọn con gái nên thỉnh thoảng lại nghe choe chóe tiếng la hét vì trúng bùn. Nghịch là thế nhưng bọn đấy vẫn thường mắt la mày lét liếc qua tấm mành rễ si. Rồi đánh tiếng rồi chỉ trỏ nhau và cười khi khí, buông lời trọc ghẹo để cho bọn con gái bên này nghe thấy.

Đấy gọi là đi tắm chứ thật ra chỉ là ngâm nước mấy tiếng đồng hồ bơi lội tung tăng với nhau. Có khi đến lúc lên mới xoa xoa vuốt vuốt mấy cái, chẳng kì cọ cũng chẳng xà phòng xà phiếc thơm tho gì như bây giờ. Tắm xong lên bờ lấy cái áo cũ cởi ra lúc nãy mà chùi mà quệt qua loa, gọi là lau người. Còn nếu áo cũ bị ướt rồi thì vô tư lau chung áo đứa khác chẳng sao. Mặc quần áo xong một lúc mới thấy khắp người là một lớp mốc trắng trên da. Cũng chẳng sao. Thật là một thuở hồn nhiên như tiên.

Tắm sông sướng thật nhưng cũng có nỗi sợ đấy. Đã mấy lần suýt chết đuối hụt làm tôi sợ khiếp vía vì mải bơi ra xa theo đứa lớn hơn. Rồi nỗi sợ đến ám ảnh khi nghĩ đến bị đỉa chui vào chỗ đó. Lần đó cả bọn đang bơi lội tung tăng thì một đứa khóc thét bổ nhào lên bờ. Mặt nó tím tái. Nó đứng dạng hai chân miệng gào khóc váng cả hai cầu. Thì ra nó bị con đỉa khá to bám đu đu vào bẹn non chỉ cách cửa hang chừng hai đốt ngón tay. Đứa nào cũng sợ không dám đụng trong khi nó vẫn khóc ngằn ngặt gần như hết hơi.

Sau có một bác nhà gần đấy cầm bánh xà phòng Liên xô ra quệt vào miệng con đỉa mấy cái làm nó rơi bụp xuống đất, máu đỏ chảy nhòe nhoẹt. Đúng là cả bọn lần đó sợ xanh cả mặt, đến lúc tắm chỉ dám ngồi bậc cầu hoặc bơi qua loa rồi lên. Cũng mất vài hôm rồi đâu lại vào đấy, coi như một kỉ niệm đáng nhớ thỉnh thoảng nhắc lại với nhau.

Dần lâu sau đó không thấy trẻ con tắm sông nữa, tôi cũng bị cấm vì người lớn bảo nước sông giờ bẩn lắm. Năm tháng trôi qua, người ta cũng không rửa rau rửa bát hay giặt giũ bất cứ thứ gì ở cầu như trước nữa kể cả rửa chân. Tôi nhớ ngày trước cả làng quanh năm chân đất. Tối đến trước khi đi ngủ mới xách dép ra cầu rửa chân. Rồi cả làng thi nhau khoan giếng lấy nước ngầm để dùng, mọi thứ tắm giặt rửa ráy tất tật đều khép kín trong mỗi gia đình. Và từ đó đến nay mọi hoạt động trên cầu làng gần như hết hẳn.

Cầu làng

Bây giờ, người ta đã xây một bờ kè chờm ra cả lòng sông để bao lấy sân đình và vùi lấp vĩnh viễn hai cái cầu làng. Lòng sông mặc nhiên hẹp lại để cho sân đình rộng hơn. Cây si cũng không còn, có lẽ nó đã chết vì già cỗi. Trong làng cũng còn vài cái cầu nữa nhưng hết thảy đều như những dấu lặng buồn nhuốm màu rêu phong cùng thời gian. Những bậc cầu lặng lẽ vắng dấu chân người, trơn trượt rêu bám lâu ngày bên làn nước ao nước sông xanh một màu hoài niệm.

Dẫu sao với những người con xa quê, nơi đây vẫn là một khoảng trời đầy ắp kỉ niệm của tuổi hồn nhiên, để mỗi dịp về thăm lại ghé vào làm mấy tấm hình tưởng nhớ dĩ vãng một thời.

Hoa Lê (Ảnh: Internet)

Theo

Cùng chuyên mục
  • Đạo diễn Mai Thanh Tùng: Dồn hết tâm huyết cho “Vinh quang thầm lặng 2024”

    (Xây dựng) – Vừa qua, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Hà Nội đã diễn ra chương trình nghệ thuật "Vinh quang thầm lặng 2024''. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh Truyền hình Quốc phòng, tiếp sóng trực tiếp trên các kênh truyền hình Trung ương và địa phương đã mang đến cho khán giả những phút giây hào hùng, lắng đọng đầy cảm xúc.

  • Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng các nghệ sỹ tại Lễ trao giải Cánh diều vàng 2024

    (Xây dựng) - Tối 10/9, tại Nhà hát Đó, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân dự Lễ trao giải Cánh diều vàng 2024 và trao giải Cánh diều vàng Phim truyện điện ảnh xuất sắc cho phim Mai, đạo diễn Huỳnh Trấn Thành.

  • Sắp diễn ra Triển lãm “Otherwise – Mặt khác”

    (Xây dựng) - Dự án nghệ thuật “Mặt khác – Otherwise” là dự án sáng tạo bởi ba nghệ sỹ hàng đầu trong các lĩnh vực hội họa, văn học và điêu khắc, gồm họa sỹ Lê Thiết Cương, nhà văn Nguyễn Việt Hà và nhà điêu khắc Đinh Công Đạt. Triển lãm trưng bày hơn 150 mặt nạ điêu khắc được làm từ chất liệu gốm và giấy bồi, dự kiến khai mạc vào ngày 13/9 tại Hội quán Quảng Đông 22 Hàng Buồm, Hoàn Kiếm. Triển lãm được coi là một lời tri ân của ba nghệ sỹ hàng đầu với nơi họ sinh ra và lớn lên – Hà Nội.

  • Cánh diều vàng 2024: Lan tỏa giá trị nhân văn qua chuỗi hoạt động thiện nguyện

    (Xây dựng) - Nằm trong chuỗi hoạt động của giải thưởng Cánh diều vàng 2024, sáng 10/9, ngay trước thềm lễ trao giải, Ban tổ chức cùng các nghệ sĩ, diễn viên, hoa hậu và đại diện các doanh nghiệp, doanh nhân đã tham gia thực hiện chương trình thiện nguyện “Chắp cánh yêu thương” tại Làng trẻ em SOS Nha Trang, Trung tâm Bảo trợ xã hội và Công tác xã hội tỉnh Khánh Hòa.

  • Công viên địa chất Lạng Sơn được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO

    Các nhà khoa học trong nước và quốc tế khẳng định Lạng Sơn có đầy đủ giá trị có ý nghĩa toàn cầu để có thể xây dựng, phát triển một công viên địa chất, hướng tới trở thành công viên địa chất toàn cầu.

  • Hơn 1.000 diễn viên, nghệ sĩ tham dự với 163 tác phẩm tranh giải Cánh diều vàng 2024

    (Xây dựng) - Lễ trao giải Cánh diều vàng 2024 sẽ diễn ra vào ngày 10/9 tại quảng trường Nhà hát Đó, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Dự kiến có hơn 1.000 diễn viên, nghệ sĩ trong nước và quốc tế tham dự.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load