Bất chấp chỉ đạo của tỉnh Thanh Hóa và các ngành chức năng, cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh, nạn khai thác cát trái phép trên địa bàn huyện Thọ Xuân vẫn diễn ra nhức nhối, gây bức xúc trong dư luận nhân dân.
Bãi cát trái phép xã Thọ Nguyên.
Những “vòi bạch tuộc”
Đi dọc 30km đê sông Chu của huyện Thọ Xuân qua các xã Thọ Nguyên, Thọ Lâm, Thọ Hải, Thọ Minh, Xuân Thanh, Xuân Khánh … nơi có trữ lượng cát dồi dào, người ta vẫn được chứng kiến cảnh tấp nập của những “công trường” khai thác cát trái phép với tiếng máy nổ ầm ĩ từ các máy bơm, máy hút. Những chiếc “vòi bạch tuộc” thọc xuống lòng sông hút cát, dưới sông và trên bờ, từng đoàn thuyền, xe nối đuôi nhau “ăn hàng”… Một người dân ở khu phố 4, thị trấn Thọ Xuân cho chúng tôi biết, đã từ lâu nay, ngày nào cũng như ngày nào, máy hút cát chạy ầm ĩ suốt đêm, vào tầm 3 - 4 giờ sáng là xe công nông, ô tô ben chở cát bắt đầu hoạt động, gây tiếng ồn khiến bà con mất ngủ. Đáng nói hơn, xe cộ ra vào nhiều đã cầy nát cả mặt đê, mùa mưa thì lầy lội, mùa nắng lại bụi bay mù mịt. Cũng chung tâm trạng bức xúc, ông Trần Duy Hải, tổ trưởng khu phố này cho hay: “Do lưu lượng xe nhiều, trong đó có cả xe trọng tải lớn thường xuyên vào ra khu vực bãi cát nên đã gây ra hiện tượng lún sụt, nứt nẻ trên mặt đê, ảnh hưởng đến an toàn đê điều vào mùa mưa bão. Chưa hết, đã nhiều năm nay, bà con chúng tôi quanh đây khổ sở đủ đường vì tiếng ồn, vì bụi, nhà thì luôn phải đóng cửa, mỗi khi ra đường lại khăn che kín mặt… Thế nhưng chả rõ sao, dân kêu mãi, kiến nghị mãi mà không thay đổi được gì”.
Theo báo cáo của UBND huyện Thọ Xuân, hiện tại trên địa bàn huyện có 9 điểm tập kết cát và 7 mỏ khai thác cát, công suất từ 50 - 100m3 cát/ngày. Đáng quan tâm hơn, cả 7 mỏ đều không nằm trong quy hoạch, hoạt động hoàn toàn trái phép. Số mỏ này tồn tại đã lâu, rất khó dẹp bỏ nên đã gây ra tình trạng lộn xộn trong lĩnh vực quản lý khai thác tài nguyên, đe doạ hệ thống đê điều trong mùa mưa bão và ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Trong số các mỏ và điểm tập kết cát trên, đáng nêu nhất là các bãi tập kết cát tại các xã Xuân Khánh, Thọ Nguyên, Hạnh Phúc và Thọ Minh. Tại đây, bất chấp các cấp, ngành chức năng đã nhắc nhở, xử lý nhiều lần nhưng do sự “nể nang” của chính quyền xã, các điểm khai thác, tập kết cát trái phép vẫn ngang nhiên hoạt động. Nghiêm trọng hơn, UBND xã Thọ Nguyên còn tự ý ký hợp đồng với tư nhân, cho thuê khu bãi 15ha, thời hạn 15 năm (2004 - 2019), trong đó có hơn 1.000m2 làm bãi tập kết cát. Đáng quan tâm hơn, khi làm việc với báo chí về nội dung này, ông Ngô Văn Hùng - Chủ tịch xã cho rằng, việc ký hợp đồng diễn ra từ “đời” Chủ tịch trước, hỏi về bản hợp đồng, ông cho biết “Đã bị thất lạc”?
Trước tình hình “cát tặc” diễn ra ngày càng nhức nhối. Vừa qua, Sở Xây dựng Thanh Hoá đã phối hợp với UBND các huyện, thị tiến hành kiểm tra, đánh giá việc thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về chấn chỉnh, giải toả các điểm tập kết cát trái phép trên địa bàn. Tại Thọ Xuân, qua kiểm tra cho thấy bãi tập kết cát trái phép ở xã Thọ Nguyên vẫn tồn tại với số lượng cát lớn, trên 400m3 và có cả máy xúc đang hoạt động. Thực hiện tinh thần chỉ đạo của tỉnh, đoàn đã tiến hành lập biên bản, yêu cầu xã tịch thu số cát trên và cho rào phong toả toàn bộ khu vực bãi cát. Sau đó, ngày 04/01/2012, để “giải cứu” bãi cát này, UBND xã có đơn xin UBND huyện cho phép sử dụng số cát đã niêm phong vào việc xây dựng các công trình của xã. Điều đáng lưu ý là lẽ ra, nếu theo đúng thủ tục hành chính thì thay vì làm đơn, UBND xã phải có tờ trình hoặc công văn gửi huyện về vấn đề này. Tuy nhiên, “đơn xin” của xã Thọ Nguyên vẫn được ông Lê Huy Hoàng - Phó chủ tịch UBND huyện ký, chuyển phòng Tài nguyên & Môi trường huyện giải quyết theo đề nghị của xã. Có “bảo bối” của huyện trong tay, bãi cát Thọ Nguyên đã nhanh chóng “hồi sinh”, hoạt động bình thường trở lại.
Buông lỏng quản lý
Trước tình hình trên, ngày 19/01/2012, UBND tỉnh đã có công văn, giao Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân tăng cường kiểm tra, giải quyết dứt điểm tình trạng khai thác, tập kết cát trái phép tại xã Xuân Khánh. Riêng xã Thọ Nguyên cho đình chỉ công tác Chủ tịch xã để kiểm điểm, xử lý các cá nhân và tập thể không chấp hành chỉ đạo của UBND tỉnh. Lẽ ra, trước sự chỉ đạo kiên quyết trên, UBND huyện Thọ Xuân và xã Thọ Nguyên phải chấp hành nghiêm túc. Nhưng, trở lại Thọ Nguyên sau đó ít ngày, chúng tôi thấy bãi cát nơi đây chỉ được rào một cách “chiếu lệ” bằng vài cành tre nhỏ, không có trạm gác, niêm phong, trên mặt đất vẫn hằn vệt bánh xe chở cát còn mới?
Trả lời báo chí, ông Phó chủ tịch huyện Lê Huy Hoàng cho biết, hiện huyện đang tích cực chỉ đạo các xã tiến hành các biện pháp chấn chỉnh hoạt động khai thác, tập kết cát để chuẩn bị cho việc tổ chức đấu giá. Đồng thời tạm đình chỉ công tác Chủ tịch UBND xã Thọ Nguyên. Tuy nhiên, về quyết định đình chỉ, ông Phó chủ tịch nói: “Chúng tôi mới chỉ có thông báo miệng, chưa kịp ra Quyết định”?.
Rõ ràng, việc thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh một cách “tích cực, nghiêm túc” như trên của các cấp chính quyền huyện Thọ Xuân chính là một trong những nguyên nhân khiến nạn “cát tặc” tồn tại dai dẳng, khó giải quyết dứt điểm. Lại một mùa mưa bão sắp về, những diễn biến ngày càng bất thường, khó lường của thiên nhiên đang đe doạ ngày càng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất, đời sống của người dân, nhất là các hộ cư trú dọc các tuyến đê sông Mã, sông Chu.
Đào Nguyên
Theo baoxaydung.com.vn