Nhiều năm nay, tại khu vực giáp danh giữa thị trấn Quất Lâm và xã Giao Phong, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định xuất hiện hàng chục tàu tải trọng lớn rầm rộ tổ chức khai thác cát ngày đêm, gây tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn hệ thông đê biển trong vùng, đặc biệt là tuyến đê thuộc địa bàn thị trấn Quất Lâm.
Tuyến đê bao nằm bên dãy Chẵn, thị trấn Quất Lâm mới đây đã bị vỡ vụn, sụt lún trên diện rộng hàng nghìn m3. Tuy vị trí sụt lún này hiện đang được chính quyền địa phương khắc phục tạm thời bằng những rọ đá xếp cố định, nhưng người dân thị trấn Quất Lâm vẫn hoang mang, lo lắng về mức độ an toàn của tuyến đê, cũng như những nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra bất cứ lúc nào khi nạn khai thác cát còn hoành hành tại vùng biển giáp danh này.
Những hiểm nguy khôn lường ấy không chỉ ngày ngày rình rập tính mạng hàng nghìn hộ dân địa phương mà còn đe dọa sự an toàn của hàng nghìn khách du lịch từ khắp nơi đổ về Quất Lâm, một khu du lịch trẻ năng động và ngày càng có sức hút với du khách.
Một ngày cuối tháng 7, nhóm phóng viên trong vai khách du lịch dạo trên bờ biển Quất Lâm, không khó khăn gì khi nhìn thấy những con tàu như những quái thú ngoài khơi, không phải tàu câu mực, đánh bắt cá mà là tàu khai thác cát nhiễm mặn, tự do thả vòi hút cát.
Cất công truy nguyên nguồn gốc của những chiếc tàu này, chúng tôi bất ngờ đến sửng sốt khi chúng hoạt động một cách rầm rộ, công khai mặc dù không hề được cơ quan chức năng tỉnh Nam Định cấp phép. Ông Cao Văn Nam - Phó chủ tịch UBND xã Giao Phong cũng đã thừa nhận sự tồn tại của nạn khai thác cát đang diễn ra ở khu vực giáp danh giữa xã Giao Phong và thị trấn Quất Lâm và khẳng định hoạt động này là trái phép. Song UBND xã cũng chưa biết phải xử lý tình trạng này thế nào. Sự khai thác bừa bãi của những “cát tặc” khó kiểm soát một phần bởi mà chính quyền xã vẫn phải tạo điều kiện cho người dân khai thác cát để nuôi tôm và làm muối.
Tuy nhiên, ông Nam thừa nhận, thực tế toàn xã chỉ có từ 3 - 4 hộ làm nghề khai thác cát trên biển thuộc địa phần quản lý của xã Giao Phong, số hộ dân này được chính quyền xã giám sát, nhắc nhở chỉ được được phép khai thác để phục vụ cho chính người dân trong xã để phục vụ nuôi trồng thủy sản, nghiêm cấm hành vi khai thác chở bán với mục đích khác. Hiện tại xã Giao Phong có khoảng 100ha đầm nuôi tôm là. Diện tích người là người dân đấu thầu của xã để nuôi trồng thủy sản.
Như vậy, đã đến lúc cần phải tính đến việc có nên vì lợi ích của 3 - 4 hộ làm công việc khai thác cát phục vụ 100ha tôm của các hộ dân đấu thầu từ UBND xã mà thả lỏng, “vô tình” tạo điều kiện cho những chiếc tàu không phép hoạt động, tiếp tay cho vấn nạn khai thác cát trái phép đang hoành hành nhức nhối tại huyện Giao Thủy, chất chứa những ẩn họa khôn lường về môi trường sinh thái, an toàn đê biển cũng như đảm bảo tính mạng của người dân và du khách thập phương về thăm biển Quất Lâm...
Sự đánh đổi này có đáng, có nên và có đúng với quy định của pháp luật? Rất mong cơ quan chức năng tỉnh Nam Định sớm vào cuộc để làm rõ và có hình thức xử lý nghiêm minh!
Nhóm phóng viên XD&PL
Theo baoxaydung.com.vn