(Xây dựng) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới có công văn gửi các bộ, ngành lấy ý kiến tham gia đối với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Vân Đồn (Quảng Ninh) phấn đấu trở thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh; trung tâm kinh tế và văn hoá của khu vực.
Vân Đồn - Địa điểm sản xuất phim, casino
Theo tờ trình này, Vân Đồn phấn đấu trở thành đô thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh; trung tâm kinh tế và văn hoá của khu vực, trọng tâm là dịch vụ logistic, du lịch cao cấp, công nghiệp giải trí hiện đại còn có casino; là trung tâm khởi nghiệp, sáng tạo và giao thương quốc tế của khu vực hành lang kinh tế Trung Quốc - ASEAN.
Mục tiêu đến năm 2030, Khu kinh tế Vân Đồn thiết lập đầy đủ các nền tảng xã hội và kinh tế bền vững. Đến năm 2050, Khu kinh tế Vân Đồn trở thành trung tâm đầu tư và nguồn nhân lực chất lượng cao toàn cầu, một trong những động lực kinh tế của Việt Nam, nằm trong nhóm dẫn đầu thành phố đáng sống của châu Á - Thái Bình Dương; trở thành thành phố nổi tiếng thế giới, là cửa ngõ vào của miền Bắc Việt Nam, đồng thời là động lực để phát triển của cả nước…
Mục tiêu đến năm 2030, tổng GDP đạt khoảng 1,981 tỷ USD, GDP bình quân đầu người đạt 12.242 USD, gấp 3 lần so với dự kiến năm 2020.
Khu kinh tế Vân Đồn sẽ phát triển dựa trên ba trụ cột chính: Du lịch, dịch vụ văn hoá và sáng tạo, sản xuất và hậu cần. 3 lĩnh vực này sẽ đóng góp 82,1% GDP và 70% việc làm vào năm 2050.
Về phát triển du lịch, Vân Đồn định hướng phát triển du lịch sinh thái và văn hoá cao cấp, thúc đẩy Vân Đồn thành địa điểm sản xuất phim, tổ chức liên hoan phim hàng năm, thu hút doanh nghiệp thời trang. Đặc biệt, Vân Đồn sẽ có phát triển các dịch vụ giải trí có casino; phát triển các khách sạn 3 - 5 sao, phát triển du lịch tâm linh hay các gói du lịch biển từ bình dân đến cao cấp.
Chính sách phát triển du lịch của Vân Đồn tập trung vào thành lập môi trường pháp luật hiệu quả và hấp dẫn; thành lập Ban quản lý du lịch; thiết lập các tiêu chuẩn chất lượng cao trong ngành Du lịch; thu hút chuỗi cửa hàng bán lẻ…
Cùng với đó, Vân Đồn sẽ tập trung phát triển kinh doanh cảng hàng không và vận tải hàng không, phát triển logistics để trở thành một trung tâm dịch vụ hậu cần, phát triển sản xuất phim, ngành thời trang, bán lẻ, dịch vụ tài chính ngân hàng…
Vân Đồn sẽ phát triển trở thành trung tâm cung cấp dịch vụ hậu cần đẳng cấp thế giới; trở thành cửa ngõ trung chuyển hàng hóa vào khu vực Đông Nam Á với trang thiết bị và cơ sở hạ tầng hiện đại.
Khu kinh tế Vân Đồn cần thực hiện các giải pháp thu hút những doanh nghiệp lớn toàn cầu; xây dựng nền tảng cạnh tranh và cơ sở hạ tầng hỗ trợ; cải thiện hệ thống pháp lý; tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hiệu quả giữa trung tâm sản xuất và cảng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho sản xuất và hậu cần…
Hạ tầng hiện đại, có sân bay trực thăng
Trong định hướng phát triển kết cấu hạ tầng, Vân Đồn sẽ nghiên cứu xây dựng một sân bay trực thăng (taxi trực thăng) ở cụm đảo Cái Bầu, Quan Lạn và Thắng Lợi. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng loại hình thuỷ phi cơ phục vụ vận chuyển du lịch và hàng hoá, phù hợp với địa hình của Khu kinh tế Vân Đồn.
Về đường bộ, sẽ xây dựng cầu Vân Tiên nối Khu kinh tế Vân Đồn với Khu kinh tế Tiên Yên cùng với việc xây dựng tuyến đường cao tốc Hạ Long - Móng Cái, hoàn thiện xây dựng tuyến đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn.
Trong giai đoạn ngoài 2050 xây dựng tuyến đường sắt cao tốc kết nối Khu Kinh tế Vân Đồn với các khu vực trong cả nước và quốc tế… Đường thủy đối ngoại được xây dựng bằng cách hình thành cảng biển và phát triển vận tải biển…
Khu kinh tế Vân Đồn sẽ sử dụng các chính sách huy động vốn đầu tư và chính sách xúc tiến đầu tư. Cụ thể, vốn đầu tư sẽ được huy động từ nguồn tư nhân và ngân sách quốc gia cũng như vốn đầu tư nước ngoài, vốn từ đất đai.
Trong đó, tại khu vực tư nhân, Sungroup được đánh giá là nhà đầu tư chiến lược xây dựng sân bay quốc tế Vân Đồn. Các nhà đầu tư khác được điểm tên như FLC, CEO, MBland, Crytal Bay và HD Mon...
Không gian đô thị hiện đại, tầm cỡ quốc tế
Phát triển không gian đô thị Vân Đồn mang dáng dấp của đô thị tiên tiến, hiện đại, tầm cỡ quốc tế, bao gồm: Không gian đô thị đảo Cái Bầu; không gian đô thị quần đảo Vân Hải; không gian đô thị trung tâm.
Trong đó, không gian đô thị đảo Cái Bầu gồm khu kinh tế phía Tây; ven biển phía bắc; thành phố sân bay; khu thương mại tự do; khu phức hợp nghỉ dưỡng có casino; thị trấn Cái Rồng và bán đảo cổng chào. Không gian đô thị quần đảo Vân Hải gồm công viên quốc gia; du lịch nông nghiệp; resort Trà Bản, golf resort, làng du lịch nghỉ dưỡng và hòn đảo du lịch trong tương lai gần.
Không gian đô thị trung tâm phân thành các khu trung tâm hành chính; đô thị trung tâm Cái Rồng; khu công nghiệp sáng tạo; khu công nghệ sinh học; khu dịch vụ sáng tạo; khu sản xuất tiên tiến và hậu cần; khu chế tạo; khu sân bay; khu thương mại tự do; khu thung lũng công nghệ; trung tâm tài chính…
Diễn biến mới nhất, ngày 27/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chính thức ký quyết định phê duyệt quy hoạch Vân Đồn tại văn bản số 1856/QĐ-TTg. Báo điện tử Xây dựng tiếp tục đăng tải các thông tin về quy hoạch Vân Đồn trong loạt bài tiếp theo.
Vũ Huyền
Theo