Năm 2012, UBND TP Hà Nội giao các quận, huyện, thị xã phải đẩy nhanh tiến độ cấp GCN quyền sử dụng đất cho người dân với tổng số GCN phải cấp là 191.835 giấy. Tuy nhiên, đến tháng 6/2012 mới đạt 29.088/191.835 giấy, đạt 15,15% kế hoạch chỉ tiêu, và được đánh giá là chậm so với yêu cầu.
Nhiều hồ sơ xin cấp GCN đang bị “ngâm” ở phường, xã.
Sáu tháng đạt 15,5% chỉ tiêu
Nguyên nhân là còn tồn đọng khá nhiều trường hợp sử dụng đất có nguồn gốc vi phạm pháp luật, chưa đủ điều kiện cấp GCN, mà hiện chưa có căn cứ pháp luật để giải quyết. Như các trường hợp đất lấn chiếm, đất chuyển đổi sai mục đích, đất có tranh chấp, đất nằm trong quy hoạch, hoặc nằm trong hành lang bảo vệ công trình công cộng... Đối với thửa đất có nhiều người sử dụng, nhiều chủ sở hữu nhà ở, tài sản gắn liền với đất thì GCN đã được cấp cho từng chủ sử dụng.
Tuy nhiên, khi đăng ký biến động cho một người sử dụng đất thì rất khó khăn trong việc đăng ký nội dung biến động vào GCN đã cấp cho những người đồng sử dụng. Ngoài ra, việc cấp GCN quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng đối với những trường hợp xây dựng không phép, sai phép, không đúng quy hoạch... đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể; Quy định về hạn mức công nhận đất ở và việc xác định ranh giới giữa đất ở và đất nông nghiệp đối với các thửa đất có vườn, ao là rất khó, gây ảnh hưởng đáng kể tới công tác cấp GCN và đăng ký biến động về sử dụng đất ...
Công tác cấp GCN cho các tổ chức sử dụng đất của Hà Nội cũng còn khá nhiều vướng mắc. Như khi tiến hành công tác kê khai, cấp GCN thì tổ chức, DN phải thực hiện xong bước chuyển DN Nhà nước sang Cty CP. Về vị trí đất các đơn vị xin cấp GCN phải thực hiện theo các thủ tục được UBND TP quy định như: xác định lại diện tích thực tế đang quản lý, sử dụng; xin thỏa thuận của Sở QHKT, chỉ giới đường đỏ; các vị trí được cải tạo, hoặc xây mới phải thực hiện lập dự án... Đây là nguyên nhân dẫn tới sự chậm trễ trong kê khai xin cấp GCN cho các tổ chức kinh tế.
Đất trúng giá để được thực hiện dự án đầu tư, nhưng chủ đầu tư (người trúng giá) không lập và không thực hiện dự án theo quy định, mà đem chuyển nhượng QSD đất cho tổ chức khác. Thậm chí có trường hợp vừa trúng đấu giá xong đã tiến hành chuyển nhượng ngay, gây khó khăn cho công tác cấp GCN cho đơn vị....
Nhiều đơn vị hiện sử dụng đất không phù hợp quy hoạch nằm trong hành lang bảo vệ an toàn công trình đê điều, công trình di tích lịch sử, văn hóa, an ninh quốc phòng...Vì vậy chưa thể cấp GCNQSDĐ. Ngoài ra, không ít DN, đơn vị sử dụng đất đã có biến động về diện tích ngại không thực hiện côgn tác kê khai, lập hồ sơ công nhận quyền SDĐ, hoặc còn có các DN chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, phải truy thu theo quy định của pháp luât... đang góp phần gây trở ngại cho tiến độ cấp GCN quyền sử dụng đất ở Hà Nội.
Trao đổi với PV, ông Lê Văn Thư - Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm cho biết: Đến nay Từ Liêm vẫn còn gần 21 ngàn trường hợp (đã kê khai xin cấp GCN), nhưng vẫn chưa được cấp GCN, trong đó có khoảng 5.500 trường hợp có thể cấp ngay được trong năm nay. Còn lại gần 15 ngàn trường hợp vẫn vướng mắc về điều kiện cấp GCN. Cụ thể như đất nằm trong hành lang đê sông Nhuệ, đất đã có quyết định thu hồi, đất có nguồn gốc cho thuê làm Ki-ốt lâu dài, hoặc đất mượn; Nhà làm trên đất công, hoặc nằm trong quy hoạch của các dự án, nhà trong diện bán theo Nghị định 61...
Một khu đất đang nằm trong quy hoạch nên UBND quận Hoàng Mai, Hà Nội chưa thể cấp GCN.
Chậm cấp GCN do bị “ngâm” hồ sơ
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội cho biết, qua thanh tra tại các quận, huyện đã phát hiện nhiều vướng mắc, bất cập. Đáng chú ý là tình trạng nhiều hồ sơ xin cấp GCN bị "ngâm" lâu ở phường, xã và GCN đã xong nhưng tồn đọng ở quận, huyện nhiều do dân chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính. Những trường hợp chưa được cấp GCN phần lớn do nguồn gốc đất chưa rõ ràng hoặc có tranh chấp.
Vướng mắc trong việc cấp GCN có nguyên nhân ngay từ phía cơ quan xây dựng chính sách. Đơn cử, tại thông tư số 17/2009/TT-BTNMT ngày 21/10/2009 của Bộ TNMT nhằm triển khai Nghị định số 88/2009/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định về cấp GCN, nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể trong những trường hợp đăng ký biến động. Chẳng hạn, trong trường hợp thửa đất có nhiều người sử dụng, nhiều chủ sở hữu nhà ở, tài sản gắn liền với đất; việc cấp GCN đối với trường hợp xây dựng không phép, sai phép, không đúng quy hoạch; trường hợp không đủ điều kiện cấp GCN như nằm trong quy hoạch xây dựng công trình công cộng, vi phạm Luật Đất đai đang chờ xử lý; trường hợp lấn chiếm đất công, tự chuyển mục đích sử dụng...
Ngoài ra, quy định phải có sơ đồ nhà ở và công trình xây dựng trong thủ tục cấp GCN cũng chưa được quy định cụ thể, chặt chẽ gây khó khăn cho đơn vị thực hiện, áp dụng pháp luật.Việc quy định chồng chéo về nơi nộp hồ sơ xin cấp GCN, đăng ký biến động về sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất ở cấp huyện hiện cũng chưa thống nhất.
Theo ông Đinh Tiến Sỹ, Trưởng phòng TN&MT quận Thanh Xuân, trên địa bàn quận còn hàng ngàn hộ không cấp được sổ đỏ vì nằm trong khu vực dự án treo cả chục năm mà quận đã kiến nghị nhiều lần thành phố không trả lời. Khu căn hộ tại 262 Nguyễn Huy Tưởng là ví dụ điển hình, đã có hàng trăm hộ dân về ở mà nhiều năm không có sổ đỏ do chủ đầu tư có những vi phạm.
Vừa qua, UBND TP đã ban hành văn bản đề ra hướng tháo gỡ đối với tình trạng chậm cấp sổ đỏ tại hàng trăm dự án nhà ở theo nguyên tắc xử lý nghiêm chủ đầu tư vi phạm, bảo vệ quyền lợi của người dân như hướng dẫn của Bộ TNMT. Theo đó, trường hợp nhà đã bàn giao cho người mua theo đúng thiết kế nhưng dự án vẫn bị khiếu nại về giải phóng mặt bằng chưa giải quyết xong thì vẫn cấp sổ đỏ cho dân.
Lãnh đạo thành phố cũng yêu cầu xử lý nghiêm các chủ đầu tư vi phạm pháp luật đất đai, xây dựng và pháp luật về nhà ở. Đình chỉ không cấp phép đầu tư, không giao đất, cho thuê đất mới ở địa phương cho đến khi xử lý, khắc phục xong sai phạm tại các dự án đang thực hiện...
Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh đã yêu cầu các địa phương phải cấp xong GCN đối với trường hợp đất, nhà ở đủ điều kiện ngay trong năm 2013. Trường hợp không đủ điều kiện, phải thông báo với chủ sử dụng đất, sở hữu nhà ở và nêu rõ nguyên nhân, chỉ ra đầu mối quyền giải quyết, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm hoặc gây khó khăn, để người dân phải đi lại nhiều. |
Vũ Quang
Theo baoxaydung.com.vn