Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội đã đến thăm hỏi, trao quà của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho em Nguyễn Thị Sáng – người đã có nghĩa cử cao đẹp hiến tạng mẹ cho y học.
Ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội thuộc Bộ LĐ-TB&XH, thăm hỏi, trao quà của Thủ tướng Chính phủ cho ba chị em Sáng. Ảnh Tuổi trẻ
Ngày 10/4, ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội thuộc Bộ LĐ-TB&XH đã đến thăm hỏi, trao quà của Thủ tướng Chính phủ cho em Nguyễn Thị Sáng. Qua Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi lời thăm hỏi sâu sắc, chia sẻ với các em cùng gia đình trước nỗi mất mát đau thương này.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH và lãnh đạo huyện Cẩm Xuyên cũng định hướng cho các em cùng người thân trong gia đình một số phương án để lựa chọn theo nguyện vọng như: Gửi các em vào trung tâm chăm sóc nuôi dưỡng tập trung tại tỉnh Bình Dương, đối với Sáng sẽ tạo điều kiện tìm việc làm để có thu nhập ổn định.
Nếu các em muốn ở lại sinh sống tại quê hương, chính quyền sẽ tạo điều kiện cấp đất, hỗ trợ và kêu gọi các nhà hảo tâm để xây nhà; gửi 2 em của Sáng vào Làng trẻ mồ côi Hà Tĩnh để được chăm sóc, nuôi dưỡng. Riêng Sáng sẽ được tiếp nhận làm việc tại Làng trẻ mồ côi Hà Tĩnh.
Đến ngày 11/4, huyện Cẩm Xuyên có công văn gửi Bộ LĐ-TB&XH cho biết nguyện vọng của ba chị em Nguyễn Thị Sáng là được ở lại xã Cẩm Nhượng và được cấp đất, hỗ trợ làm nhà ở.
Em của Sáng là Nguyễn Thị Lương được tiếp tục đi học và ba chị em Sáng được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định của Nhà nước.
Lay động Chủ tịch nước
Báo Tuổi trẻ dẫn lời ông Nguyễn Tiến Đường ở thôn Tân Dinh, xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) – người đang cưu mang ba chị em Nguyễn Thị Sáng, con chị Nguyễn Thị Liễu (41 tuổi, mất do tai nạn giao thông ở Bình Dương) cho biết, ông Đường cho biết ông là anh của chị Liễu. Từ ngày ba con của chị Liễu về sống với ông, rất nhiều cá nhân, tổ chức đến chia sẻ, thăm hỏi, tặng quà cho các cháu.
Sáng kể 17/3 là ngày tai họa ập đến với ba chị em. “Đêm hôm đó em làm ở công ty thì nghe tin mẹ bị xe máy tông. Lúc đó em nghĩ sẽ không chuyện gì xảy ra với mẹ cả. Nhưng đến khi thấy mẹ bất tỉnh ba ngày liền thì em linh tính chuyện chẳng lành sẽ đến…”, Sáng nhớ lại.
Những ngày nằm điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), chị Liễu trong tình trạng hôn mê. Các bác sĩ thông báo chị bị mất máu quá nhiều, não có dấu hiệu chết dần, khó qua khỏi.
Nghe tin này, ruột gan Sáng như đứt từng khúc, chỉ biết khóc thương mẹ, nghĩ về cảnh các chị em sớm mồ côi mẹ.
Trong nỗi đau, Sáng sực nhớ một lần xem tivi có chương trình nói về việc hiến tạng người chết sẽ cứu được nhiều người.
“Lúc đó em đã nghĩ ngay đến những bệnh nhân nguy kịch như mẹ em mà không chết não sẽ được cứu sống nếu có người hiến tạng. Nên em quyết định hiến tạng mẹ cho y học”, Sáng kìm nước mắt nói.
Sau khi hiến tạng, thi thể chị Liễu được đưa về nhà ở xã Cẩm Nhượng mai táng.
Chuyện Sáng hiến tạng mẹ đã làm lay động lòng người. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã viết thư khen và tặng quà.
“Tôi hết sức xúc động được biết dù đang vô cùng đau thương khi biết mẹ đẻ bị tai nạn giao thông không thể qua khỏi, cháu đã quyết định hiến tạng của mẹ để kịp thời cứu sống nhiều người khác… Tôi chia sẻ với cháu và gia đình nỗi mất mát đau thương, mong cháu sớm khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, làm chỗ dựa cho các em mình trưởng thành”, Chủ tịch nước viết.
Ba chị em Sáng (Sáng là người bên phải bồng em) sớm mồ côi. Ảnh Tuổi trẻ
Gian truân chuyện gia đình
Ông Đường cho biết em gái ông sống chung với một người đàn ông cùng xã nhưng không kết hôn. “Sau đó vợ chồng nó vào Đắk Nông lập nghiệp và sinh được hai đứa con gái thì bỏ nhau”, ông Đường kể.
Đến năm 2015, chị Liễu sang ngang với một người đàn ông khác, nhưng người này tính vũ phu. Có lần bị chồng đánh đập tàn bạo, chị Liễu bồng con gái út (nay 17 tháng tuổi) về quê sống nương nhờ người thân. Được ít lâu thì chị vào Bình Dương.
Sáng kể tiếp, lúc mẹ đi Bình Dương thì đưa ba chị em Sáng theo. Tại đây, Sáng (nay 19 tuổi) xin làm công nhân may mặc, mẹ làm bảo vệ công ty. Em gái Sáng là Nguyễn Thị Lương (nay 17 tuổi) bỏ học để ở phòng trọ trông em nhỏ.
“Mọi người kể lúc bị xe máy tông, mẹ đã lấy thân mình che chắn nên em gái thoát nạn. Có lẽ ở suối vàng mẹ cũng hiểu cho việc làm của em khi hiến tạng mẹ cho y học”, Lương tâm sự.
Theo Chinhphu.vn