Quý IV-2016 là thời điểm nước rút đối với các nhà thầu thi công tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng. Để tăng tốc, phấn đấu hoàn thành dự án vào cuối năm 2016 như kế hoạch, các nhà thầu đã phát động thi đua, đồng loạt ra quân, tập trung đẩy nhanh tiến độ các hạng mục. Tuy nhiên, đến nay dự án đang gặp khó khăn do nhiều vị trí nền đường chưa tắt lún, đã khiến các gói thầu phải giãn tiến độ, có thể ảnh hưởng đến tiến độ tổng thể dự án.
Nhà thầu thi công gói thầu XL-03 thực hiện thi công cọc cát, bấc thấm xử lý nền đất yếu.
Cụ thể, tại các gói thầu thi công cầu, dù hạng mục cầu chính đều thực hiện đảm bảo theo kế hoạch, cơ bản hoàn thành các hạng mục của cầu chính. Song 2 mố đầu cầu kết nối với đường dẫn đến nay vẫn chưa tắt lún, vì thế các nhà thầu thi công cầu chưa thể hoàn thiện các hạng mục liên quan. Còn tại các gói thầu thi công đường, do địa chất khu vực đi qua phức tạp với nhiều ao đầm, vì thế đang có khá nhiều đoạn còn lún sâu. Điển hình tại gói thầu XL-03 thi công đường dài 5km, tuy nhiên đoạn qua Đầm Nhà Mạc dài 1,2km có chỗ sâu đến 25m là đất yếu. Theo tính toán của đơn vị tư vấn, sau khi đắp đất gia tải, đoạn tuyến trên sẽ lún khoảng 2,5m so với cốt nền đường, song đến hết tháng 10-2016 mới lún được hơn 1,5m. Quan trắc thực tế, phải sang cuối tháng 2-2017 mới tắt lún và tổ chức dỡ tải được. Điều này khiến các nhà thầu đến nay vẫn phải bổ sung đất đắp gia tải, giãn tiến độ thi công để đợi.
Ông Lương Bằng Phi, đại diện nhà thầu 319 thi công gói thầu XL-03 cho biết: Xác định đây là dự án có ý nghĩa rất quan trọng với tỉnh Quảng Ninh, vì thế ngay sau khi ký hợp đồng triển khai, các nhà thầu thi công gói thầu XL-03 đã huy động đông đảo nhân lực, thiết bị máy móc, tổ chức thi công tích cực. Tuy nhiên, do thi công trên nền đất yếu, cơ bản là ao đầm, ruộng nên tiến độ đến nay không được như mong muốn. Mặc dù nhà thầu đã triển khai các giải pháp thi công tiên tiến nhất hiện nay như đóng cọc cát, bấc thấm, tổ chức đắp đất gia tải để xử lý đấy yếu, song đến nay đã hơn 1 năm đợi (tháng 7-2015) lún vẫn chưa tắt, khiến việc thi công hầm chui dân sinh, mặt đường gặp khó khăn, nhà thầu phải giãn việc để đợi địa chất ổn định mới có thể tiếp tục thi công.
Nói về giải pháp xử lý các vị trí lún hiện nay tại cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, đại diện Ban Quản lý dự án cho biết: Ban đã chỉ đạo đơn vị tư vấn thực hiện khảo sát, tính toán chi tiết các vị trí lún để có kế hoạch xử lý, đảm bảo kịp thời tiến độ của dự án đề ra. Tuy nhiên, các giải pháp đều không khả thi, có thể ảnh hưởng đến chất lượng công trình sau khi đưa vào khai thác, sử dụng. Cụ thể, đối với các vị trí lún tại các gói thầu cầu, để giải quyết, tổ chức thi công hoàn thiện các mố cầu, nhà thầu phải thay đổi phương án thiết kế, bổ sung thi công cọc đất thay cho nền đất hiện nay. Tuy nhiên, chi phí xử lý cho mỗi mố cầu đội lên rất cao. Còn đối với các gói thầu đường, phương án đắp thêm tải đã được tính đến, xong với tốc độ lún hiện nay không thể tổ chức đắp thêm tải (tối đa lún không quá 1cm/ngày) vì có nguy cơ phá vỡ kết cấu khối nền phía dưới, khi đó không thể sửa chữa được nền đường...
Như vậy có thể thấy rằng, cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đang đối mặt với khó khăn do gặp nhiều vị trí đất yếu, để đảm bảo chất lượng tuyến đường rất có thể sẽ ảnh hưởng đến tiến độ quyết tâm của các nhà thầu đưa công trình hoàn thành vào cuối năm 2016.
Được biết, thời gian vừa qua nhiều tuyến đường trong cả nước đã xuất hiện hiện tượng hằn lún vệt bánh xe. Nhằm khắc phục điều này, Bộ GT-VT đã cho phép thay đổi thiết kế mặt đường tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng bằng bổ sung thêm lớp tạo nhám. Do đó, để tuyến cao tốc đảm bảo chất lượng khi đưa vào khai thác, các nhà thầu cần rà soát, tính toán lại cụ thể các vị trí hiện vẫn chưa tắt lún để có giải pháp thi công hợp lý. Cùng với đó, tập trung nguyên vật liệu để sẵn sàng tổ chức thi công khi địa chất đã ổn định. Với các đoạn tuyến không bị ảnh hưởng do địa chất, phải tập trung đẩy mạnh thi công, đảm bảo hoàn thành vào cuối năm 2016 như cam kết với UBND tỉnh.
PV
Theo