(Xây dựng) - UBND tỉnh Hà Giang và Cty Mckinsey & Company Việt Nam tổ chức Lễ ký kết hợp đồng tư vấn lập Quy hoạch phát triển du lịch Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn và TP Hà Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.
Là một trong 91 Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) tại 27 quốc gia trên thế giới, Cao nguyên đá (CNĐ) Đồng Văn với rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác. Làm thế nào để khai thác được tiềm năng, lợi thế của CNĐ Đồng Văn vẫn còn là một bài toán khó đối với Hà Giang. Và Quy hoạch phát triển du lịch CVĐCTCCNĐ Đồng Văn đến năm 2025 tầm nhìn 2035 là một trong những bước đi để giải bài toán này.
Đến nay, Hà Giang nói chung, CNĐ Đồng Văn nói riêng vẫn là vùng đất nghèo, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Theo Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh, việc đẩy nhanh tiến độ triển khai lập quy hoạch CVĐCTCCNĐ Đồng Văn để thu hút các nguồn vốn đầu tư cho công viên địa chất là yếu tố quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bởi trên thực tế, Hà Giang là tỉnh vùng cao biên giới còn nhiều khó khăn. Toàn tỉnh có 6/11 huyện nghèo đặc biệt khó khăn theo chương trình 30A của Chính phủ. Trong đó, khó khăn nhất hiện nay là thiếu đất sản xuất, thiếu nước, khí hậu khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, đường sá đi lại khó khăn nhất là mùa mưa lũ...
Theo hợp đồng vừa ký kết giữa UBND tỉnh Hà Giang và Cty Mckinsey & Company Việt Nam về việc tư vấn lập Quy hoạch phát triển du lịch CVĐCTCCNĐ Đồng Văn và TP Hà Giang đến năm 2025 tầm nhìn 2035 thì khu vực CNĐ Đồng Văn sẽ thành khu du lịch Quốc gia. Cùng với sự phát triển du lịch của TP Hà Giang, CNĐ sẽ có chức năng phục vụ tham quan, nghiên cứu giá trị địa chất, cảnh quan, các di tích, tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số; đồng thời làm cơ sở lập các quy hoạch chung xây dựng khu du lịch, quy hoạch cụ thể các khu chức năng... Mục tiêu chủ yếu đặt ra là kết hợp chặt chẽ giữa phát triển du lịch với thực hiện chiến lược con người, nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực,không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân. Tổng giá trị hợp đồng của dự án là trên 50 tỷ đồng.
Ông Marco Breu - Tổng giám đốc Cty Mckinsey&Company Việt Nam nhận định: CVĐCTCCNĐ Đồng Văn có giá trị cao về mặt địa chất, địa mạo; còn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ, chưa có tác động nhiều của con người. Đồng thời, đánh giá cao tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong phát triển du lịch thời gian tới; tin tưởng việc ký kết lần này sẽ là bước tiến quan trọng để đưa Hà Giang trở thành một trong những trung tâm du lịch Quốc gia; mở ra cơ hội đầu tư, kinh doanh cho cộng đồng DN.
Còn theo đồ án Quy hoạch xây dựng CVĐCTCCNĐ Đồng Văn do đơn vị tư vấn là Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia thực hiện thì CNĐ Đồng Văn sẽ trở thành một bảo tàng thiên nhiên về địa chất, sinh học và lịch sử văn hóa dưới dạng các công viên chuyên đề như: Công viên địa văn hóa, Công viên địa sinh học, Công viên khoa học địa chất… gắn với hệ thống khu, điểm du lịch nhằm phát huy hiệu quả, bền vững các giá trị về thiên nhiên và văn hóa trong vùng.
Cụ thể: Công viên địa văn hóa tại khu vực phía Bắc huyện Đồng Văn bao gồm các khu vực có giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc truyền thống, địa chất như Phố Cáo, thôn Lũng Cẩm, thị trấn Phó Bảng, Dinh họ Vương, thị trấn Đồng Văn, cột cờ Lũng Cú. Công viên khoa học địa chất tại khu vực phía Bắc huyện Mèo Vạc bao gồm hẻm vực Tu Sản, thị trấn Mèo Vạc, rừng Tát Ngà, sông Nho Quế. Còn Công viên địa sinh học tại khu vực các huyện Yên Minh, Quản Bạ bao gồm các khu bảo tồn thiên nhiên Du Già, khu vực sinh thái núi cao Na Khê, Lao Và Chải; khu bảo tồn thiên nhiên Bát Đại Sơn, rừng phòng hộ khu vực Tùng Vài.
Ngoài ra, đồ án Quy hoạch xây dựng CVĐCTCCNĐ Đồng Văn quy hoạch bốn trung tâm du lịch tại khu vực các đô thị Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Tam Sơn nhằm đảm bảo phát triển hài hòa nhưng vẫn có trọng tâm, trọng điểm thúc đẩy sự phát triển của vùng...
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, CNĐ Đồng Văn là nơi có những vùng đá vôi đặc biệt, chứa đựng dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển vỏ trái đất, những hiện tượng tự nhiên, cảnh quan đặc sắc về thẩm mỹ, với tính đa dạng sinh học cao và truyền thống văn hóa lâu đời của cộng đồng cư dân bản địa. Do đó, CNĐ Đồng Văn phải trở thành một công viên địa chất đặc thù, chứ không phải một đồ án thông thường. Cao nguyên phải đủ sức hấp dẫn du khách đến và quay trở lại.
Vân Anh
Theo