(Xây dựng) - Là doanh nghiệp xi măng (XM) lớn nhất cả nước, sở hữu 10 doanh nghiệp thành viên chuyên sản xuất XM ( gồm cả 2 đơn vị mới bàn giao về VICEM là Xi măng Sông Thao và Xi măng Hạ Long) nhưng trong bối cảnh thị trường XM dư cung như hiện nay, VICEM cũng đang phải gồng mình lo tiêu thụ.
Ảnh minh họa.
Theo thống kê mới nhất của Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) cho thấy, lượng XM tiêu thụ nội địa của từng khối trong tháng 7 như sau: VICEM đạt 1,63 triệu tấn, tăng 3,2% so với tháng 6 và giảm 10% so với cùng kỳ 2016; Khối liên doanh đạt 1,482 triệu tấn, tăng 3,5% so với tháng 6 và tăng 1% so với cùng kỳ năm 2016; khối các công ty - tập đoàn đạt 1,68 triệu tấn, tăng 5% so với tháng 6 và giảm 6% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong tháng 7/2017, lượng tiêu thụ XM và clinker của toàn ngành đạt 6,196 triệu tấn, tăng 5,2% so với tháng 6/2017 và tăng 2% so với cùng kỳ năm 2016. Theo thống kê 7 tháng của năm 2017, tổng lượng tiêu thụ XM và clinker của toàn ngành đạt 44,641 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2016.
Như vậy thị phần của VICEM trong 7 tháng đầu năm 2017 đã giảm, hiện chiếm 35,07%; thị phần khối liên doanh 29,89%; khối Cty, tập đoàn chiếm 35,04%. Nếu so với năm 2015 thị phần của VICEM là 36,03%; thị phần của XM liên doanh đạt 29,28%; thị phần XM khác là 34,69% thì thị phần của VICEM hiện giảm 0,96%; thị phần khối liên doanh tăng 0,61%; thị phần khối cty - tập đoàn tăng 0,35%.
Từ cuối năm 2016 đến nay, ở khu vực miền Trung hàng loạt các nhà máy mới đi vào hoạt động như Xi măng Long Sơn (Thanh Hóa), Xi măng Sông Lam (Nghệ An)… tăng thêm 6 - 7 triệu công suất, khiến việc tiêu thụ của VICEM ở khu vực này rất khó khăn. Vicem Hoàng Mai, Vicem Bỉm Sơn căng mình lo tiêu thụ, cạnh tranh với các thương hiệu XM khác.
Mặc khác khi VICEM áp dụng chiến lược phân vùng thị trường cho các công ty thành viên, các đơn vị thuộc VICEM không thuộc vùng được phân bổ bị rút khỏi địa bàn, nhường lại thị trường cho các doanh nghiệp khác trong họ VICEM. Mặc dù việc phân vùng này giúp giảm bớt chi phí vận chuyển nhưng cùng với hàng loạt các thương hiệu XM mới ra đời, cạnh tranh khốc liệt nên việc tiêu thụ của VICEM ở một số địa bàn bị giảm.
Để lấy lại thị phần, buộc VICEM phải có chiến lược kinh doanh phù hợp, giành lại thị trường bằng việc nâng cao chất lượng sản phẩm, chính sách dịch vụ, đặc biệt là hậu mãi tốt, nếu không sự cạnh tranh từ phía các doanh nghiệp - tập đoàn sẽ khiến thị phần VICEM giảm khó cứu vớt.
Vũ Huyền
Theo