Chủ nhật 19/01/2025 04:13 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Cạnh tranh kém sẽ khó phát triển bền vững

00:30 | 01/01/2014

Cuộc đua cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt, nếu không quyết tâm cải thiện, đổi mới mạnh mẽ để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, chúng ta sẽ bị tụt hậu.


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Nhiệm vụ của Hội đồng là tư vấn cho Chính phủ để nâng cao thứ hạng, điểm số năng lực cạnh tranh của đất nước.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ điều này trong buổi làm việc với các thành viên Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng 31/12.

Cải thiện năng lực cạnh tranh - yêu cầu cấp thiết

Trong số những chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh của nước ta mà các tổ chức quốc tế (Ngân hàng Thế giới, Diễn đàn Kinh tế Thế giới) đánh giá, có những chỉ tiêu xếp hạng rất tốt (cấp phép xây dựng, tiếp cận nguồn vốn…) nhưng cũng có những chỉ tiêu còn yếu kém (thủ tục thuế, hạ tầng điện…), nên dứt khoát chúng ta phải có những bước cải thiện nếu không sẽ tụt hậu. Có thể nhiều chỉ số đánh giá chưa chính xác 100% nhưng cũng chỉ ra nhiều điều chúng ta cần phải làm để nâng sức cạnh tranh của Việt Nam trong cuộc đua toàn cầu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng, nâng cao năng lực cạnh tranh sẽ tạo được sự phát triển bền vững hơn, trong đó quan trọng là cần phải xác định rõ chúng ta đứng ở đâu và bằng cách nào để tiến lên. Những chỉ tiêu đánh giá năng lực cạnh tranh đều thấy rõ trách nhiệm thuộc về từng bộ, ngành.

Vì vậy, các thành viên Hội đồng cần tập trung làm rõ vị trí của Việt Nam trên bản đồ cạnh tranh toàn cầu, những nguyên nhân khách quan, chủ quan tác động đến từng chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh, từ đó kiến nghị giải pháp, nhiệm vụ cụ thể đối với từng bộ, ngành, địa phương.

Trong đó, xác định những lĩnh vực có thể làm được ngay, cải thiện được ngay, tốn ít kinh phí cùng với những giải pháp cần đầu tư dài hạn. Từ đó giao cho các Bộ trưởng có trách nhiệm phân tích sâu hơn, có giải pháp cải thiện trước mắt cũng như lâu dài những chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh liên quan đến lĩnh vực quản lý của bộ, ngành mình. Đồng thời, cần phải tăng cường truyền thông, chủ động cung cấp thông tin minh bạch, công khai về các chỉ tiêu năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

"Có những chỉ tiêu phải đầu tư nhiều tiền, nhiều thời gian mới có thể cải thiện nhưng cũng có những thứ có thể cải thiện được ngay, nhất là các vấn đề liên quan đến văn bản, thủ tục, chính sách… nếu chúng ta có nhận thức đúng", Phó Thủ tướng nói.


Phiên họp Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng 31/12.

Tìm nguyên nhân để quy trách nhiệm cụ thể 

Tại buổi làm việc, các thành viên Hội đồng đã nêu một số khuyến nghị liên quan đến việc cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia.

Lấy ví dụ từ kết quả nghiên cứu về thủ tục thương mại qua biên giới, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung cho biết, nếu chúng ta rút ngắn được 15 ngày đối với thủ tục xuất, nhập khẩu thì GDP cả năm có thể tăng thêm được 27 tỷ USD, hoặc nếu có thể rút ngắn 5/19 thủ tục khởi sự doanh nghiệp thì môi trường kinh doanh sẽ được cải thiện hơn nữa...

GS. Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, cho rằng cần phải lựa chọn những chỉ tiêu cạnh tranh chi tiết, cụ thể với tình hình của Việt Nam, có thể “điểm mặt, đặt tên”, quy trách nhiệm cho từng bộ, ngành để cải thiện, nâng cao chỉ tiêu.

Quan trọng nhất là phải tìm cho được nguyên nhân nào khiến chỉ số cạnh tranh quốc gia giảm xuống và đề ra chỉ tiêu cụ thể, giao bộ, ngành cụ thể chịu trách nhiệm cải thiện chỉ tiêu đó, cả ngắn hạn lẫn dài hạn, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển góp ý.

Một số ý kiến khác tại phiên họp đề xuất việc cải thiện các chỉ số năng lực cạnh tranh cần bám sát vào 3 đột phá chiến lược (thể chế, nguồn lực, kết cấu hạ tầng), đặt trọng tâm vào các nhóm lĩnh vực ưu tiên, hướng vào tiêu chuẩn thế giới, hình thành báo cáo chuyên sâu về từng nhóm, chỉ số năng lực cạnh tranh.

Chủ tịch HĐQT Công ty FPT Trương Gia Bình cho rằng, cần xác định rõ cạnh tranh toàn cầu thì phải đo (năng lực cạnh tranh) theo thước đo được chấp nhận trên toàn cầu, và những yếu điểm được nêu lên trong “thước đo” này phải được sửa hết nếu muốn nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước. Đồng thời phải xác định được sức mạnh cốt lõi của Việt Nam trong cuộc đua toàn cầu cũng như sân chơi mà chúng ta sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh.

Cũng tại phiên họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các thành viên Hội đồng cũng đã cho ý kiến cụ thể về Đề án xây dựng Bộ chỉ số và phương pháp đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia Việt Nam; phương hướng hoạt động của Hội đồng trong năm 2014; rà soát, phân tích, đề xuất giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong năm 2014.

Theo Chinhphu.vn

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load