Sáng 25/10, các đại biểu thảo luận về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2013; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2014; sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015; phương án phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016.
Tại tổ Hà Nội, đại biểu Đào Trọng Thi tán thành với quan điểm của Chính phủ về phương án phân bổ dự toán ngân sách. Theo đại biểu Thi, việc lập dự toán đã có nhiều tiến bộ, đặc biệt trong việc phân bổ cho một số lĩnh vực mang tính chất xã hội như giáo dục đào tạo, y tế, bảo vệ môi trường…. bởi khi chúng ta tập trung phát triển kinh tế nhằm đặt được tăng trưởng cao thường rất dễ quên lãng những lĩnh vực mang tính chất xã hội. Tuy nhiên, việc bố trí ngân sách năm tới vẫn chưa hoàn toàn đúng theo tỷ trọng đã được quy định.
“Tôi lấy ví dụ chúng ta coi giáo dục là quốc sách hàng đầu nhưng khi có khó khăn ngân sách thì lĩnh vực này lại bị cắt đầu tiên. Điều này thể hiện là chúng ta chưa coi lĩnh vực này là quốc sách hàng đầu, không tôn trọng những nguyên tắc, quan điểm mà chúng ta đã đề ra”, đại biểu Thi nói.
Đại biểu Nguyễn Đình Quyền đánh giá, báo cáo của Chính phủ về thực hiện ngân sách năm 2013 đã thẳng thắn hơn so với năm trước và năm qua, Chính phủ đã có nhiều giải pháp để thực hiện ngân sách theo đúng nghị quyết của Quốc hội. Bên cạnh những tiến bộ này, việc thực hiện dự toán vẫn tồn tại nhiều hạn chế lớn như chi hành chính vẫn rất lớn, năm sau tăng cao hơn năm trước; chi đầu tư phát triển vẫn dàn trải, hiệu quả thấp; đặc biệt, kỷ cương, kỷ luật thực hiện tài chính ngân sách ở một số địa phương, ngành còn buông lỏng.
Cùng quan điểm với đại biểu Thi, đại biểu Quyền cũng không đồng tình với việc giảm chi trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và xã hội, đề nghị phải đảm bảo các chỉ số mà Quốc hội đã đề ra. Tuy nhiên, với đầu tư cho khoa học công nghệ, đại biểu Quyền có quan điểm hơi khác: “Tôi đồng tình với đầu tư cho KHCN nhưng phải rà soát lại tính hiệu quả của việc đầu tư này, không thể để tình trạng hàng vạn đề án nghiên cứu khoa học làm xong chỉ để nhét ngăn bàn rồi mang ra làm giấy gói xôi”.
Với vốn trái phiếu Chính phủ, đại biểu Quyền đồng tình việc phát hành thêm, nhưng do nguồn lực còn ít, cần rà soát lại, những công trình nào có thể đưa vào sử dụng ngay thì rót vốn, còn những công trình mới khởi công thì kiên quyết dừng. Đồng thời, tiến tới phải sớm ban hành luật đầu tư công, tạo hành lang pháp lý chặt chẽ hơn cho việc quản lý nguồn vốn này. Tương tự, với các chương trình mục tiêu quốc gia, về lâu dài nên cắt giảm bớt các chương trình và đưa hết vào chi thường xuyên, như vậy mới khắc phục được cơ chế xin-cho, chạy chọt.
Chung quan điểm, đại biểu Trịnh Thế Khiết cũng đề nghị phải rà soát lại toàn bộ các chương trình mục tiêu quốc gia. Thực tế, có những bộ, ngành nắm tới 2-3 chương trình mục tiêu, gây ra tình trạng dàn trải, lãng phí trong đầu tư. Ông cũng nhất trí nên tiếp tục phát hành trái phiếu đầu tư cho những công trình dân sinh cấp bách đang được thực hiện dở dang, còn những công trình, kể cả công trình dân sinh, mà không cấp bách thì phải dừng.
Quan tâm đến nợ xấu, các đại biểu Bùi Thị An, Trần Thị Quốc Khánh đề nghị Chính phủ làm rõ nợ xấu, công bố con số thực là bao nhiêu và công bố cá nhân, tập thể nào nợ nhiều, đối tượng nào đã được khoanh nợ, ở mức nào, vì sao khoanh nợ…
“Nếu cứ chung chung như thế này thì chúng ta sẽ không có liều thuốc hữu hiệu để xử lý”, đại biểu An nói.
Trở lại với nội dung thực hiện dự toán ngân sách năm 2013, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường cho rằng, nguyên nhân gây hụt thu đã được Chính phủ phân tích khá rõ trong báo cáo nhưng theo quan điểm của bà, nguyên nhân chính là do sản xuất kinh doanh đình đốn, ảnh hưởng lớn đến thu ngân sách Nhà nước vì trong cơ cấu nguồn thu, thu nội địa chiếm tỷ trọng khá lớn.
“Hiện mỗi người dân gánh 826,4 USD nợ công, nếu năm tới lại tăng bội chi thì gánh nặng nợ nần sẽ tăng thêm. Chúng ta cần có chương trình dài hạn giảm nợ công xuống. Đồng thời, giữa nhu cầu vốn eo hẹp, việc phát hành trái phiếu của các địa phương cũng cần phải được đưa vào diện kiểm soát vì nếu không kiểm soát chặt, nợ công của địa phương sẽ gộp vào cùng với nợ công của chính phủ và lại khiến nợ công quốc gia tăng thêm”, đại biểu Hường nói.
Ngoài ra, đại biểu Hường cũng đề nghị cắt giảm chi cho hành chính song song với tinh giản bộ máy. Về phát hành trái phiếu, chính phủ phải trình danh mục các khoản chi rất cụ thể. Đặc biệt, với dự án đường QL 1A và QL 14, việc đầu tư là cần thiết nhưng phải chốt thật cụ thể khoản kinh phí dự phòng, thời gian hoàn thành.
Cũng bàn về hụt thu, đại biểu Nguyễn Phi Thường đưa ra một cảnh báo: “Việc thu không đạt thể hiện tình hình kinh tế xấu và tình hình này sẽ có thể tạo ra sự dàn đều ngân sách, làm phá vỡ cơ cấu ngân sách trung ương, tạo ra hố đen về vốn, trạng thái luôn có khoản hụt lớn trong ngân sách mà không rõ từ đâu. Chính phủ cần chú trọng xu thế này”.
Về dự toán thu năm tới, đại biểu Thường đề nghị cần rà soát lại việc phân bổ cơ cấu ngân sách để tăng thu ngân sách ở các mảng quan trọng, tránh tình trạng bỏ tập trung vào những mảng thu chính, chạy theo những mảng thu bấp bênh.
Chiều nay, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy, chữa cháy.
Theo Hanoimoi
Theo