Thứ sáu 29/03/2024 20:35 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Cảnh báo tình trạng "cò đất" lộng hành, mạo danh doanh nghiệp

14:18 | 03/12/2021

Nhiều dự án chưa đủ điều kiện chuyển nhượng theo quy định đã được "cò đất" rao bán tràn lan, sai sự thật, cá biệt có cả tình trạng làm giá, ăn chênh… Theo các chuyên gia và luật sư, ngoài sự tỉnh táo của khách hàng, cần phải có sự vào cuộc của cơ quan chức năng để tránh làm nhiễu loạn thị trường bất động sản.

canh bao tinh trang co dat long hanh mao danh doanh nghiep
Nhiều người dân đi xem đất tại một dự án trên địa bàn ngoại thành TP.Hà Nội. Ảnh: A.Huy

"Cò đất" gạ vào tiền cọc, làm giá chênh

Dù pháp luật quy định khá đầy đủ việc quản lý hoạt động của môi giới bất động sản (BĐS), sàn giao dịch, song thực tế, cơ quan quản lý, nhất là cấp địa phương vẫn buông lỏng cho "cò" đất lộng hành thổi giá nhà đất.

Thực tế cho thấy, "cò" đất không chỉ lợi dụng thông tin xây dựng hạ tầng để thổi giá đất, mà ngay tại nhiều dự án BĐS, giới "cò" cũng lộng hành.

Trên nhiều trang rao vặt BĐS, mạng xã hội đã xuất hiện hàng loạt thông tin rao bán BĐS tại Dự án Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 2. Theo bảng hàng của "cò đất", giá lô đất dao động từ 24 triệu/m2 đến 28 triệu/m2. Ngoài việc "gạ" vào tiền cọc để giữ chỗ, "cò đất" còn tư vấn, giá vào hợp đồng cho mỗi lô đất 125m2 chỉ 11 triệu đồng /m2, còn lại là tiền chênh.

Nhưng thực tế, công tác xây dựng nhà ở thấp tầng tại Dự án Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 (Hud Mê Linh Centrel) tại xã Thanh Lâm và xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh mới đang được Tổng Công ty HUD triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư và đầu tư xây dựng, chưa đủ điều kiện thực hiện kinh doanh theo phương thức bán nhà ở hình thành trong tương lai theo quy định của pháp luật.

Đơn vị này đã đưa ra cảnh báo, các hành vi này gây ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của công ty đồng thời có thể có dấu hiệu lừa đảo khách hàng.

Tương tự như sự việc nêu trên, trước đó ngay trong báo cáo thị trường BĐS, Bộ Xây dựng đã lưu ý các địa phương cần chú ý nội dung báo chí phản ánh tại một số tỉnh/thành phố như: TPHCM, Hà Nội… xuất hiện hiện tượng trên các trang thông tin về BĐS, rất nhiều đơn vị môi giới BĐS đã mạo danh chủ đầu tư rao bán, tìm đủ mọi cách lừa người mua đặt cọc nhà ở xã hội.

Về tình trạng "cò đất" thổi giá, rao bán, huy động vốn khi chưa được phép, chưa đủ điều kiện đã chuyển nhượng, mua bán... ngày càng phức tạp, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam cảnh báo, đối với những thị trường BĐS vùng ven, tỉnh lẻ ở thời điểm hiện tại trước khi đầu tư đất nền cần phải hết sức lưu ý.

Bởi theo vị này, trong mấy tháng đầu năm đã xảy ra tình trạng "sốt ảo” khi giá đất bị đẩy lên quá mức nên nếu đầu tư lúc này chỉ có thua thiệt.

Giao dịch lộn xộn, chưa được kiểm soát

Trao đổi với Lao Động về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Huy An (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, pháp luật hiện nay đã có chế tài cho các hành vi mạo danh người khác, doanh nghiệp khác, không chỉ trong lĩnh vực BĐS mà đối với tất cả các lĩnh vực.

Đối với hoạt động kinh doanh BĐS, do giá trị tài sản lớn nên khi đã thực hiện trót lọt hành vi mạo danh để lừa khách hàng thì có thể sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 với tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Mức phạt cao nhất cho hành vi này là tù chung thân.

Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Theo Luật sư Nguyễn Huy An, khi phát hiện hành vi mạo danh, doanh nghiệp cần chủ động đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý quyết liệt, cũng là tạo tiền lệ đối với những hành vi tương tự.

Ngoài ra, nếu thu thập được bằng chứng thì có thể yêu cầu khởi kiện vụ án dân sự; yêu cầu xử phạt hành chính…

Mới đây khi bàn về các giải pháp tháo gỡ khó khăn để phục hồi thị trường BĐS trong giai đoạn hiện nay, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh, thông tin về nhà ở và thị trường BĐS vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu tính minh bạch, dẫn đến tình trạng thông qua các dự án BĐS, nhà ở chưa đủ cơ sở pháp lý, điều kiện huy động vốn hoặc dự án không có thật (dự án ma) để lừa đảo, chiếm dụng tiền huy động của người mua; hay việc lợi dụng các thông tin về quy hoạch, về nâng cấp đô thị, cấp hành chính để thổi giá, gây sốt ảo BĐS.

Đáng chú ý, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng chỉ rõ, hoạt động của các sàn giao dịch BĐS còn tồn tại nhiều bất cập, khiến công tác quản lý nhà nước về giao dịch BĐS gặp rất nhiều khó khăn.

Cụ thể, chưa hình thành được hệ thống giao dịch được kiểm soát, đảm bảo tính pháp lý trong giao dịch BĐS, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; Còn có hiện tượng các sàn giao dịch BĐS câu kết với nhau "ôm hàng", "làm giá", "tạo sóng", "thổi giá", gây "sốt ảo" ăn chênh lệch làm nhiễu loạn thị trường.

Bên cạnh đó, đội ngũ làm môi giới BĐS còn yếu về chuyên môn, hiểu biết pháp luật hạn chế, chưa có tính chuyên nghiệp, yếu kém về đạo đức kinh doanh dẫn đến tình trạng làm ăn "chụp giật", không chịu trách nhiệm, gây thiệt hại cho khách hàng; không ít những người hoạt động môi giới tự do, không có chứng chỉ môi giới BĐS.

Theo CAO NGUYÊN/laodong.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load