Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) vừa đưa ra khuyến cáo người tiêu dùng nên cẩn thận trong các hoạt động giao dịch cho vay tín dụng tiêu dùng.
Ảnh chỉ mang tính minh họa
Theo cảnh báo, quá trình cung cấp và thực hiện dịch vụ tín dụng tiêu dùng hiện nay đang phát sinh nhiều bất cập, cụ thể nhiều công ty cung cấp thông tin cho khách hàng thường không chính xác, đầy đủ về hợp đồng theo mẫu cũng như điều kiện giao dịch chung.
Bên cạnh đó, nhân viên tư vấn cũng không thông báo đầy đủ, chính xác về mức lãi suất của hợp đồng; về cách thức tính lãi phạt; về thời hạn phải trả tiền hàng tháng và một số điều khoản đặc biệt trong hợp đồng tín dụng tiêu dùng.
"Thiếu sót này làm cho người tiêu dùng không biết chính xác về nghĩa vụ của mình, dẫn tới thực hiện sai hợp đồng và phát sinh khoản tiền phạt. Trong nhiều trường hợp, khi người tiêu dùng thắc mắc về mức tiền phạt thì không nhận được sự giải thích nhanh chóng, chính xác từ phía công ty. Thậm chí, đa số trường hợp gặp phải tình trạng đẩy trách nhiệm từ phía nhân viên tư vấn sang tổng đài công ty và ngược lại," văn bản của Cục Quản lý cạnh tranh cho hay.
Cũng theo Cục này thì nhiều trường hợp, sau khi ký kết, bản chính của hợp đồng cũng không được cung cấp kịp thời cho người tiêu dùng và thiếu sót trong cách thức cung cấp thông tin của các nhân viên tư vấn khiến cho người tiêu dùng không tiếp cận được với các điều khoản quy định điều chỉnh món tiền vay của mình, do đó, rất dễ mắc phải các lỗi phạt trong quá trình trả nợ hàng tháng.
Bên cạnh đó, trong quá trình thu thập thông tin để làm hồ sơ vay tiền, người tiêu dùng không được thông báo là các số điện thoại của người thân sẽ được sử dụng trong quá trình thu hồi nợ (nếu có) phát sinh về sau.
Do vậy, trong nhiều trường hợp nhân viên thu hồi nợ thường xuyên và liên tục liên hệ với người thân để tác động kèm theo đe dọa và quấy nhiễu nhằm thu hồi nợ của khách hàng.
"Trong tất cả các vụ việc hiện đang được Cục Quản lý cạnh tranh xem xét, giải quyết, tất cả người tiêu dùng và cả người thân thường xuyên và liên tục bị các cuộc điện thoại, tin nhắn liên hệ với mục đích thu hồi nợ. Những cuộc điện thoại và tin nhắn này liên tục kèm theo nội dung đe dọa với lời lẽ thiếu tôn trọng người nghe. Thậm chí, rất nhiều cuộc gọi và tin nhắn được thực hiện lúc tối muộn và tần suất liên hệ trên dưới 10 cuộc/ngày," Cục Quản lý cạnh tranh cảnh báo.
Cục Quản lý cạnh tranh cũng nêu đích danh một đơn vị đang bị nhiều phản ánh của người tiêu dùng về quá trình cung cấp và thực hiện dịch vụ tín dụng tiêu dùng.
Ảnh chỉ mang tính minh họa (Nguồn: PV/Vietnam+)
Thực tế tại Việt Nam, hoạt động tín dụng tiêu dùng thường được thực hiện dưới dạng các khoản vay để mua tài sản tiêu dùng như xe máy, máy tính, điện thoại…
So với các hồ sơ vay tại ngân hàng, các công ty cung cấp dịch vụ tín dụng tiêu dùng không yêu cầu chặt chẽ về việc chứng minh tài chính, xác minh nhu cầu tiêu dùng hoặc các thủ tục liên quan khác, thời gian giải ngân cũng nhanh hơn và trong nhiều trường hợp khi mua sắm tài sản thì giải ngân ngay sau khi ký hợp đồng.
Tuy nhiên, để hạn chế những mặt trái, Cục Quản lý cạnh tranh đưa ra một số khuyến cáo đối với người tiêu dùng, trước khi ký hợp đồng cần tham khảo các hình thức tín dụng tại các ngân hàng. Nếu không còn lựa chọn nào khác mới tham khảo hình thức tín dụng tiêu dùng tại các tổ chức tài chính.
Khi lựa chọn công ty cho vay cần tham khảo các đánh giá của cộng đồng người tiêu dùng về dịch vụ, uy tín từ phía công ty cung cấp dịch vụ.
Quan trọng hơn là phải đọc thật kỹ hoặc yêu cầu nhân viên tư vấn làm rõ nội dung hợp đồng, đặc biệt lưu ý các điều khoản vể lãi suất, thời hạn và phương thức trả nợ, cách tính tiền phạt và cẩn trọng khi cung cấp các thông tin cá nhân của mình và của người thân cho bên cung cấp dịch vụ.
Sau khi ký hợp đồng, người tiêu dùng phải đề nghị nhân viên tư vấn hoặc công ty cung cấp một bản sao có giá trị pháp lý của hợp đồng đã ký kết. Trường hợp hợp đồng được gửi sau bằng đường bưu điện cần lưu ý nhân viên tư vấn có hình thức xác nhận về việc sẽ gửi hợp đồng cho người tiêu dùng và thời gian hoàn thành gửi hợp đồng.
Trong quá trình thực hiện hợp đồng, Người tiêu dùng cần lưu giữ tất cả hóa đơn, tài liệu liên quan, bao gồm: hợp đồng, các tài liệu hướng dẫn do công ty cung cấp, các hóa đơn nộp tiền và các tài liệu liên quan khác để làm chứng cứ cho các hoạt động của mình.
Nếu có vấn đề phát sinh hoặc thắc mắc, cần chủ động liên hệ trực tiếp theo số máy điện thoại được cung cấp trên hợp đồng của công ty.
Trường hợp đã phản ánh, liên hệ nhưng vấn đề chưa được làm rõ hoặc giải quyết, cần phản ánh tới bên thứ ba (các Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các Sở Công Thương trên địa bàn hoặc Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng tại đầu số miễn phí 1800.6838 của Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương)...
Cũng theo Cục Quản lý cạnh tranh, ngày 20/8/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 35/2015/QĐ-TTg về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định 02/2012/QĐ-TTg, trong đó, bổ sung dịch vụ vay vốn cá nhân (nhằm mục đích tiêu dùng) vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.
Theo đó, trong thời gian tới, trước khi áp dụng các hợp đồng vay vốn cá nhân, các tổ chức liên quan phải đăng ký và được cơ quan bảo vệ người tiêu dùng ở trung ương hoặc địa phương chấp nhận mới được áp dụng ký kết với người tiêu dùng.
Theo Vietnamplus
Theo