Đợt mưa lũ vào cuối tháng Bảy đầu tháng Tám vừa qua tại Quảng Ninh đã gây thiệt hại không nhỏ về người và của cải. Ngoài nguyên do khách quan là lượng mưa lớn đổ xuống trong thời gian dài, thì một phần là do từ chính các bãi thải của ngành than mà ra.
Hàng chục công nhân thay phiên nhau đào xới, dọn dẹp những nơi lũ bùn càn quét. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Hiểm họa do chính mình tạo ra
"Nếu có xảy ra hiểm họa thì đó là do các bãi thải," đây là nhận định của ông Ong Thế Minh, Phó Giám đốc Công ty than Hà Tu.
Ông Minh khẳng định sẽ không có hiểm họa nào xảy ra tại các moong than kể cả trường hợp có mưa lớn bất thường xảy ra trong khoảng thời gian cuối tháng Bảy đầu tháng Tám vừa qua.
Ông Minh giải thích đợt mưa vừa qua quá lớn vượt xa so với các tính toán nên khi đất đá ngấm nước nhiều sẽ gây sạt lở nhanh chóng. Các mỏ than và người dân phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng. Đến thời điểm hiện tại, các bãi thải của Công ty đều an toàn, không ảnh hưởng đến người dân, do Công ty đã làm tốt các biện pháp an toàn theo quy chuẩn.
Về việc khẳng định không có hiểm họa từ các moong than chứa nước, ông Minh giải thích khi trời mưa bình thường, nước trong moong than của Công ty sẽ qua hệ thống mương thoát nước dẫn xuống các nhà máy xử lý nước thải, sau đó đổ ra suối Lộ Phong (phường Hà Tu, thành phố Hạ Long) rồi chảy ra biển. Nếu trường hợp trời mưa quá to như thời gian vừa qua, hoặc hơn thế nữa, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân sống quanh khu vực khai trường, Công ty sẽ phá đường mương dẫn nước, không cho chảy xuống khu dân cư, trực tiếp cho thẳng nước vào trong moong, chấp nhận chịu thiệt hại về kinh tế.
Khi được hỏi về trường hợp nước vượt tràn qua moong than, ông Minh cho biết đành chấp nhận để nước tràn. Ông Minh lý giải, nếu như không có moong than thì nước từ trên đồi núi vẫn cứ chảy xuống. Sau 5-7 năm, khi các moong không còn khai thác than, có thể làm hồ điều hòa, chứa nước ngọt. Và ông Minh khẳng định không thể có chuyện nước tràn qua moong than được.
Hiện tại vỉa 16 của Công ty đang bị ngập 6 triệu m3 nước và gần 700.000m3 bùn đất. Công ty đã huy động năm máy bơm với công suất 700 m3/giờ/máy. Công ty đang khẩn trương, nhanh chóng gia cố và xây dựng một số hạng mục công trình hệ thống thoát nước, kè chắn bị hỏng do mua lũ. Với phương châm khắc phục đến đâu sản xuất đến đấy.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Quảng Ninh, việc các bãi thải nằm sát các khu dân cư là rất nguy hiểm, ảnh hưởng tính mạng, tài sản của nhân dân. Ngoài ra sau mỗi trận mưa lũ kéo dài sẽ kéo theo lớp đất đá, bùn thải trôi ra làm lấp các dòng sông con suối và thậm chí là cửa biển, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường.
Nỗ lực khắc phục hậu quả
Theo báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV), đến thời điểm hiện nay Tập đoàn không có thiệt hại về người, ước thiệt hại vật chất trực tiếp khoảng 1.200 tỷ đồng, trong đó thiệt hại nghiêm trọng nhất là Công ty than Mông Dương.
Ngoài những thiệt hại về vật chất thì hiện nay, các đơn vị của ngành than bị ảnh hưởng đã phải ngừng sản xuất, không bố trí việc làm được cho 50-80% công nhân, tương ứng với trên 30.000 người, 967 hộ gia đình cán bộ công nhân viên bị ngập lụt, phải di dời 172 hộ.
TKV đã tập trung lực lượng, thiết bị để ứng cứu, hạn chế thiệt hại, đồng thời từng bước khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất sau mưa lũ trong thời gian sớm nhất . Giải pháp trước mắt đối với các bãi thải than sạt lở nghiêm trọng, các đơn vị đang tập trung gia cố đập chắn chân bãi thải Đông Cao Sơn; bơm tháo nước, chống ngập các hầm lò, khu vực khai thác.
Một số khu vực sạt lở lớn bắt buộc phải làm rọ thép chắn, thậm chí đổ bêtông, không cho bãi thải tràn xuống đường.
Đến ngày 12/8, hầu hết các đơn vị đã trở lại sản xuất, bố trí đủ việc làm cho lao động (trừ Công ty than Mông Dương). Ngoài ra, đối với những lao động phải nghỉ việc trong những ngày mưa lũ, TKV và các đơn vị thành viên giải quyết hỗ trợ tiền lương trong những ngày phải nghỉ việc theo quy định; hỗ trợ người lao động bị hư hỏng, mất nhà cửa, di chuyển đến nơi ở mới...
Trong buổi làm việc với TKV, ngày 5/8, tại Quảng Ninh, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng yêu cầu, TKV phải rà soát, bổ sung phương án phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; có phương án thiết kế, quy hoạch các bãi thải, về quy mô, đường sá, và cả quy hoạch các khu dân cư, di dời dân đến nơi an toàn. Không để các hộ dân sống ở khu vực chân bãi thải, gần kênh thoát nước.
Trong buổi họp nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành than gần đây, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long cam kết tỉnh sẽ đồng hành, cùng chia sẻ khó khăn với ngành than, quan tâm, rà soát lại các quy hoạch trong đó chú ý đến quy hoạch thoát nước ngành than; di dân ra khỏi nơi sông suối, nơi sạt lở. Tuy nhiên, TKV cần xem xét điều chỉnh lại quy hoạch trong phát triển ngành than nói chung, trong đó có quy hoạch các bãi thải.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu, ngành than cần thống nhất sớm với tỉnh về đề án tái định cư tổng thể cho các khu vực chân bãi thải nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân. Khẩn trương hoàn chỉnh chính sách đền bù tái định cư và ưu tiên đất tái định cư cho nhân dân.
Từ nay cho tới năm 2030, các mỏ lộ thiên tại Quảng Ninh sẽ sớm đi vào khai thác hầm lò, theo lộ trình đã được Chính phủ phê duyệt năm 2012. Sau khi ngừng khai thác, TKV sẽ phải hoàn nguyên, trồng cây để trả lại cảnh quan và xử lý triệt để các bãi thải nguy hại. Từ nay đến lúc đó, cùng với việc khai thác, TKV cần phải tập trung, đảm bảo an toàn tại các bãi thải, tránh ảnh hưởng đến người dân và môi trường.
Theo Vietnam+
Theo