Thứ bảy 20/04/2024 04:50 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Cần xem xét gia hạn chính sách ưu tiên phát triển điện gió

15:16 | 01/04/2020

(Xây dựng) - Bộ Công Thương cho biết, Bộ mới nhận được đề xuất của UBND các tỉnh bổ sung vào quy hoạch điện gió tổng cộng gần 250 dự án, tổng công suất khoảng 45.000MW. Trong đó, tại khu vực Bắc Trung bộ, các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị đề nghị bổ sung quy hoạch 51 dự án, tổng công suất 2.919MW. Khu vực Duyên hải Nam Trung bộ, các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận đề nghị bổ sung quy hoạch 10 dự án, tổng công suất 4.193MW (gồm cả dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long Wind 3.400MW)…

can xem xet gia han chinh sach uu tien phat trien dien gio

Theo tính toán của Viện Năng lượng, công suất nguồn điện gió cần bổ sung quy hoạch đến năm 2025 ở phương án cơ sở là khoảng 6.030MW, ở phương án cao là 11.630MW. Như vậy, ngoài 4.800MW đã được bổ sung quy hoạch, công suất nguồn điện gió đến năm 2025 cần bổ sung khoảng 1.230MW ở phương án cơ sở và 6.830MW ở phương án cao.

Mặc dù vậy, theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ở thời điểm đầu năm 2020, cả nước mới có 9 dự án điện gió đưa vào vận hành thương mại (COD) với tổng công suất 370MW. Bên cạnh đó, có 31 dự án với tổng công suất 1.645MW đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA), nhưng chưa COD. Ngoài ra, có 59 dự án đã bổ sung quy hoạch đến đến năm 2025, nhưng chưa ký hợp đồng mua bán điện, với tổng công suất khoảng 2.700MW.

Hiện hàng chục dự án điện gió đang thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư ở miền Trung, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long, với mục tiêu hoàn thành và đưa vào vận hành trước ngày 1/11/2021 để được hưởng mức giá quy định tại Quyết định 39/2018/QĐ-TTg (sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam).

Nói về ưu thế của điện gió so với điện mặt trời, đại diện Hiệp hội Điện gió Bình Thuận cho biết, hệ số sử dụng trên lưới cao của điện gió là khoảng 30 - 35%, cao hơn so với mức 20% của điện mặt trời. Điện gió có cả ban ngày lẫn ban đêm và sử dụng rất ít đất, với định mức 0,35 ha/MW so với 1,2 ha/MW của điện mặt trời.

Tuy nhiên, do nhiều lý do khách quan và chủ quan, các dự án điện gió đang thi công đứng trước nhiều nguy cơ đội vốn và chậm tiến độ, khó đáp ứng mục tiêu đưa vào vận hành trước ngày 1/11/2021.

Theo đó, với mức giá điện gió trên đất liền là 8,5 UScent/kWh, chủ đầu tư chỉ có thể có lãi với điều kiện dự án có tiềm năng gió tốt, có nguồn vốn vay hợp lý và lựa chọn được thiết bị phù hợp. Trong khi đó, thi công điện gió phức tạp hơn rất nhiều so với điện mặt trời, bởi ngoài xử lý nền móng đủ vững chắc cho tua-bin gió vận hành ổn định trên 20 năm, thì còn phải có cần cẩu chuyên dụng để lắp các thiết bị siêu trường, siêu trọng, lên độ cao có khi trên 100m.

Ngoài ra, điều mà các doanh nghiệp làm điện gió tại Việt Nam rất lo là ở thời điểm hiện tại, ngành Điện gió trên thế giới đang trong giai đoạn phát triển nóng, cung đang vượt cầu. Thêm vào đó, do dịch Covid-19 nên các nhà xưởng chế tạo tại Trung Quốc đang bị đóng cửa, việc đặt hàng tua-bin gió gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều dự án phải đặt cọc với số tiền lớn và chỉ nhận được tua-bin sau 1 năm ký kết hợp đồng, làm đội giá thành và kéo dài tiến độ các dự án điện gió, khiến hiệu quả của dự án khó được như tính toán ban đầu.

Với những đặc trưng như vậy, nhiều nhà đầu tư cho rằng, Chính phủ, các bộ, ngành nên xem xét gia hạn chính sách ưu tiên phát triển điện gió theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg đến hết năm 2022.

Theo Bộ Công Thương, tổng công suất các dự án điện gió đã được phê duyệt vào quy hoạch phát triển điện lực trong 2 năm trở lại đây là khoảng 4.800MW, dự kiến đi vào vận hành trong giai đoạn đến năm 2021, chủ yếu ở khu vực Tây Nam bộ và Nam Trung bộ.

Tính đến thời điểm hiện tại, có 9 dự án điện gió đã đi vào vận hành, với quy mô công suất 350MW.

Viễn Phong

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load