(Xây dựng) – Mặc dù Tổng Cty Vận tải Hà Nội (Transerco) được thành phố Hà Nội giao quản lý các bến xe lớn như Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm…bên cạnh đó là việc vận hành kinh doanh hệ thống xe bus, bến bãi với hàng triệu lượt hành khách mỗi năm. Bên cạnh đó, Transerco còn được giao được nghiên cứu, lập và thực hiện xây dựng 4 bến xe khách tại các điểm đầu mối quan trọng của thành phố. Tuy nhiên sau nhiều năm, dự án xây mới 4 bến xe của Transerco vẫn “án binh bất động”, phải chăng Transerco không đủ năng lực để thực hiện các dự án này?
Năng lực hay sự ưu ái!
Như Báo điện tử Xây dựng đề cập tại bài viết trước, theo đồ án Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội sẽ có 22 bến xe khách liên tỉnh. Trong đó, khu vực phía bắc Sông Hồng có 4 bến (1 bến cũ và 3 bến xây dựng mới); khu vực phía nam Sông Hồng có 7 bến (4 bến cũ và 3 bến mới); khu vực đô thị vệ tinh xây dựng 8 bến mới. Ngoài ra còn 3 bến sẽ quy hoạch cho giai đoạn trung hạn. Cũng theo quy hoạch từ nay đến 2020, tầm nhìn đến 2030 Hà Nội sẽ đầu tư thêm nhiều bến xe khách sẽ nằm ở vành đai 4, kết nối với các tuyến xe khách liên tỉnh.
Thời gian qua, bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát luôn được coi bị rơi vào tình trạng “vỡ trận” mỗi dịp lễ tết, thế nhưng việc xây dựng những bến xe vệ tinh nhằm giảm tải cho bến xe nội đô vẫn còn “ngổn ngang” trên giấy.
Năm 2012 Transerco đã có văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội cho phép được nghiên cứu, lập và thực hiện xây dựng 4 bến xe khách tại các điểm đầu mối, cửa ngõ đi vào trung tâm thành phố. Theo đó, các cửa ngõ phía Nam, phía Tây và phía Bắc đều có dự án xây dựng các bến xe khách liên tỉnh với diện tích lên đến 10ha/bến, được đầu tư hiện đại. Ngày 17/10 2012, UBND TP Hà Nội có Văn bản số 8228/UBND-QHXDGT gửi các sở, ngành, quận, huyện liên quan về việc xây dựng bến xe khách tại các điểm đầu mối vào trung tâm thành phố. Theo đó, UBND TP chấp thuận với đề xuất của Sở Quy hoạch - Kiến trúc và giao Tổng Cty Vận tải Hà Nội nghiên cứu lập dự án đầu tư xây dựng 3 bến xe khách liên tỉnh tại Thường Tín, Gia Lâm và Hoài Đức (huyện Đan Phượng) để di dời, giảm tải cho các bến xe nội đô.
Về việc xây dựng các bến xe này, UBND TP Hà Nội đã chấp thuận và giao cho Transerco nghiên cứu lập dự án để đầu tư xây dựng các bến xe khách liên tỉnh, gồm: Bến xe khách phía Nam (xã Duyên Thái – Văn Bình, huyện Thường Tín), bến xe khách phía Đông (xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm) và bến xe khách phía Tây (xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức) bằng nguồn vốn tự huy động của Transerco. Tuy nhiên đến nay, 4 dự án xây dựng bến xe tại 4 cửa ngõ Thủ đô của Transerco vẫn còn đang “nằm trên giấy”, chưa biết ngày thực hiện. Trả lời phóng viên Báo điện tử Xây dựng, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín, Gia Lâm, Hoài Đức đều cho rằng dự án vẫn chỉ là quy hoạch, chưa thấy động thái triển khai.
Vì sao Transerco chưa thể làm bến?
Theo nội dung trả lời phóng viên Báo điện tử Xây dựng, đại diện Transerco cho rằng: Năm 2011, Tổng Cty đã chủ động khảo sát, đề xuất được nghiên cứu, lập dự án để đầu tư 4 bến xe khách tại điểm đầu mối vào trung tâm thành phố thuộc các địa phận: xã Duyên Thái, Văn Bình, huyện Thường Tín; xã Song Phương, huyện Hoài Đức; xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng; xã Hải Bối, huyện Đông Anh.
Bến xe Mỹ Đình một thời rơi vào tình trạng “vỡ trận”, có lẽ giải pháp giảm tải cho bến xe này sau một loạt lệnh “điều chuyển” tuyến là phải có ngay một bến xe vệ tinh, nhằm giảm tải cho bến xe Mỹ Đình.
Tuy nhiên, trên cơ sở Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, kết quả khảo sát thực địa và đề xuất của Liên ngành, cơ quan tư vấn TEDI, UBND thành phố Hà Nội đã chấp thuận giao Tổng Cty nghiên cứu lập dự án để đầu tư xây dựng 3 bến xe khách liên tỉnh tại các điểm đầu mối, cửa ngõ của thành phố tại: xã Duyên Thái, huyện Thường Tín (bến xe khách phía Nam); xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm (bến xe khách phía Đông); xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức (bến xe khách phía Tây) vào năm 2012. Căn cứ văn bản chấp thuận của thành phố, Tổng Cty đã triển khai các công tác chuẩn bị đầu tư, lập dự án theo các quy định hiện hành: lập bản đồ hiện trạng, chỉ giới đường đỏ, lập thiết kế quy hoạch chi tiết 1/500...
Tuy nhiên, theo lý giải của Transerco: Vị trí dự án bến xe khách phía Nam tại Duyên Thái, bến xe khách phía Tây có vị trí kết nối giao thông chưa thuận lợi nên khó phát huy hiệu quả của bến xe (chưa hình thành đường vành đai 4 để kết nối với bến phía Tây - giao thông đối ngoại, không kết nối được với các tuyến đường sắt đô thị số 1, số 3 - giao thông đối nội...). Chỉ có vi trí quy hoạch bến xe khách phía Đông tại Cổ Bi là có thể triển khai được ngay. Do những hạn chế về giao thông kết nối với bến xe, cơ quan tư vấn TEDI cũng có ý kiến khuyến nghị lựa chọn thời điểm đầu tư phù hợp với tiến trình phát triển của đô thị, cũng như khả năng kết nối hành khách liên tỉnh và nội đô (giao thông kết nối) đảm bảo thuận tiện cho hành khách đi lại tránh tình trạng đầu tư nhưng không thu hút được luồng hành khách.
Cũng theo Transerco: Căn cứ tình hình phát triển khai thác các dự án đầu tư hạ tầng giao thông của thành phố và đánh giá dự báo nhu cầu bến xe của thành phố, tránh tình trạng đầu tư bến xe không có giao thông kết nối (cả về giao thông đối ngoại và giao thông đối nội) gây lãng phí, không đảm bảo hiệu quả, Tổng Cty đã tập trung đẩy nhanh triển khai đầu tư dự án bến xe khách phía đông tại Cổ Bi – Gia Lâm. Đến nay, dự án đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt Đồ án quy hoạch 1/500. Kế hoạch tiếp theo, Tổng Cty sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ công GPMB, thi công xây dựng để có thể đưa bến xe vào vận hành trong năm 2018.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Vũ Hữu Tuyến, Chánh Văn phòng Tổng Cty Vận tải Hà Nội cho rằng: Theo quy hoạch chung của thành phố Hà Nội tại thời điểm năm 2011, thành phố có phê duyệt đầu tư cho 4 bến xe tại xã Duyên Thái – Văn Bình (huyện Thường Tín), xã Song Phương (huyện Hoài Đức), xã Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng), xã Hải Bối (huyện Đông Anh). Thực tế mà nói, năm 2012 thành phố có giao cho Tổng Cty nghiên cứu, xây dựng 3 bến đó tại các xã Duyên Thái (Thường Tín), xã Cổ Bi (Gia Lâm) và xã Đức Thượng (Hoài Đức); riêng bến tại xã Hải Bối (Đông Anh) phía Cty không được giao. Trên cơ sở 3 bến được giao, Cty đã lập kế hoạch chi tiết 1/500 báo cáo thành phố, tuy nhiên bến phía Nam trên địa bàn xã Duyên Thái và bến phía Tây - vành đai 3 Hoài Đức thì không có kết nối giao thông đối nội với những trục xuyên tâm, ví dụ như đường sắt, tàu điện ngầm sau này sẽ kết nối. Còn với giao thông đối ngoại, cũng rất hạn chế.
Ông Vũ Hữu Tuyến cho rằng: Tại thời điểm đó, qua nghiên cứu tính kết nối không có, mà đặc biệt đầu tư bến mà tính kết nối không có thì chắc chắn không hiệu quả. Đặc biệt do hạn chế đấy, thời điểm đấy cơ quan tư vấn của thành phố khuyến nghị là lựa chọn thời điểm đầu tư cho phù hợp, do vậy để kết nối được với giao thông nội đô tức là giao thông đảm bảo thuận tiện cho hành khách, tránh tình trạng đầu tư nhưng không thu hút được đầu khách, đến thời điểm này thì chỉ còn mỗi bến xe nằm trên địa bàn xã Cổ Bi (Gia Lâm) là thực hiện.
Việc cùng một lúc được giao nhiều việc, từ lập quy hoạch, triển khai xây dựng các bến xe, quản lý bến xe, kinh doanh vận tải hành khách…đang khiến dư luận “hoài nghi” về việc ưu ái đối với doanh nghiệp của UBND thành phố Hà Nội. Dự luận đang mong đợi tiếng nói phân minh, từ cấp có thẩm quyền của thành phố về vấn đề này.
Báo điện tử Xây dựng sẽ trở lại vấn đề này ở bài viết sau./.
Sở Giao thông – Vận tải Hà Nội: Cùng với việc cải tạo, nâng cấp các bến xe hiện có, từ nay đến năm 2020, Hà Nội sẽ đẩy nhanh tiến độ lập đồ án quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe. Đồ án này sẽ cụ thể hóa các bến, bãi đỗ xe đã đề cập trong các quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch giao thông vận tải. Danh mục đầu tư được đề xuất trên nguyên tắc phù hợp với quy hoạch được duyệt, thuận lợi về mặt bằng (đã có mặt bằng sạch hoặc không gặp nhiều khó khăn trong giải phóng mặt bằng), có khả năng kết nối thuận tiện với hệ thống hạ tầng giao thông khu vực, ưu tiên phát triển các bến xe ngoài Vành đai 4… Cùng với nguồn vốn ngân sách, thành phố sẽ kêu gọi xã hội hóa nguồn lực đầu tư các dự án bến, băi đỗ xe. |
Vũ Chiến – Việt Khoa
Theo