Nhằm tăng cường quản lý hoạt động BĐS, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 2196/CT-TTg về một số giải pháp tăng cường quản lý thị trường BĐS. Nội dung Chỉ thị, Thủ tướng yêu cầu phải nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong việc kiểm tra, thẩm định, cho phép đầu tư các dự án phát triển nhà ở, đầu tư kinh doanh BĐS.
Bộ Xây dựng là cơ quan chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và các địa phương trọng điểm có nhiều dự án đầu tư kinh doanh BĐS, rà soát các dự án, kiểm tra và yêu cầu chủ đầu tư các dự án phát triển nhà ở triển khai thực hiện nghiêm chỉnh quy định dành 20% diện tích đất xây dựng nhà ở đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật của dự án để xây dựng nhà ở xã hội; báo báo
Đồng thời, Bộ Xây dựng chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh các chương trình xây dựng nhà ở sinh viên, nhà ở công nhân khu công nghiệp và nhà ở thu nhập thấp tại khu đô thị và các chương trình mục tiêu hỗ trợ nhà ở tại khu vực nông thôn. Nghiên cứu xây dựng, trình Chính phủ trong quý I/2012 đề án nhà ở cho thuê, trong đó chú trọng phát triển nhà ở xã hội để cho thuê và đề án quỹ tiết kiệm nhà ở.
Việc ban hành Chỉ thị 2196/CT-TTg của Thủ tướng đã cho thấy một loạt giải pháp “mạnh tay” được đưa ra trong sự kiên trì và quyết tâm trong việc khống chế thị trường BĐS. Nhiều ý kiến cho rằng Chỉ thị 2196/CT-TTg là độ mở của tín dụng BĐS đã được nới rộng hơn. Bởi trước đó, Công văn số 8844/NHNN-CSTT của Ngân hàng Nhà nước đã giới hạn những khoản vay cho dự án có hợp đồng ký với nhà thầu hoàn thành công trình trước ngày 01/02/2012 mới không bị tính vào dư nợ phi sản xuất. Nhưng tại Chỉ thị 2196/CT-TTg, Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các địa phương rà soát, tiếp tục cho vay đối với các dự án BĐS sẽ hoàn thành và có khả năng bán, thu hồi vốn đầu tư trong năm 2012. Đây là một tín hiệu tích cực cho nhiều dự án đang đuối sức sau hàng loạt sức ép về vốn vay và lãi suất.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ Xây dựng nghiên cứu để có hướng dẫn các tổ chức tín dụng thực hiện chính sách tín dụng phù hợp với tiến trình tái cơ cấu thị trường BĐS. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng bố trí nguồn vốn để cho vay đầu tư các dự án phát triển nhà ở để bán, cho thuê phục vụ đối tượng thu nhập thấp, công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế; cho các đối tượng có nhu cầu thực sự vay mua nhà để ở. Trước mắt, hạn chế cho vay bồi thường, GPMB, các dự án khởi công mới, các dự án BĐS cao cấp; giám sát chặt chẽ để hạn chế việc cho các cá nhân vay kinh doanh BĐS. Rà soát, tiếp tục cho vay đối với dự án BĐS các cá nhân vay kinh doanh BĐS. Rà soát, tiếp tục cho vay đối với dự án BĐS
Tại Hội nghị DN ngành Xây dựng tổ chức mới đây ở Hà Nội, ông Lê Chí Hiếu - Chủ tịch HĐQT Thuduc House cho rằng: Việc theo đuổi các chính sách tiền tệ khắt khe như hiện nay Chính phủ đã bước đầu đạt được mục tiêu hạ nhiệt lạm phát tạm thời. Tuy chính sách trên lại tạo áp lực làm tăng lãi suất cho vay trên thị trường khiến nhiều DN BĐS phải oằn mình gánh chi phí lãi vay và các chi phí đầu vào liên tục tăng cao. Nếu việc thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP được triển khai một cách nghiêm túc thì vào giai đoạn cuối năm, các ngân hàng sẽ phải gia tăng siết nợ để thu hồi vốn của các DN BĐS.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội kiến nghị: Hiện nhiều DN có nguồn tiền để đầu tư nhưng họ còn băn khoăn trong việc bỏ vốn ra vì thủ tục hướng dẫn còn thiếu thống nhất. Hoặc trong công tác quản lý chung cư, BQL chung cư hầu như không được nắm phần phí bảo trì 2% để lại nên khi có sự cố xảy ra không có nguồn để xử lý. Hay vấn đề nóng bỏng không kém khác như phí dịch vụ chung cư, cơ chế trách nhiệm của thành phần người nước ngoài trong các BQL chung cư.
Báo cáo tham luận của Vụ Quản lý hoạt động xây dựng - Bộ Xây dựng trong hội nghị DN ngành Xây dựng nhấn mạnh, chỉ đạo điều hành giảm lỗ, cắt lỗ dưới các hình thức tái cấu trúc các DN bằng các biện pháp mua, bán, thoái vốn hạn chế tối đa mất vốn nhà nước. Tập trung chỉ đạo điều hành sản xuất ưu tiên những sản phẩm thiết yếu có thị trường tạo doanh thu… Đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao làm chủ đầu tư, thực hiện tổng thầu, thi công các dự án công trình trọng điểm quốc gia.
Thủ tướng cũng yêu cầu, UBND các tỉnh, thành phải tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, phát triển nhà ở, kinh doanh BĐS, kịp thời xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật, kể cả thu hồi giấy phép kinh doanh và dự án đầu tư hoặc đề nghị các cơ quan chức năng truy cứu trách nhiệm hình sự, cũng như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, người dân; tăng cường công tác quản lý hoạt động của thị trường, của các sàn giao dịch BĐS, bảo đảm yêu cầu về tính công khai, minh bạch của thị trường BĐS.
Những động thái tích cực từ Chính phủ đối với thị trường BĐS cho thấy, chính sách nhất quán trong thời gian tới đối với tín dụng BĐS vẫn là giảm tăng trưởng và tỷ trọng tín dụng BĐS với lộ trình hợp lý, tránh gây sốc, đồng thời áp dụng các biện pháp tăng tính thanh khoản, tránh đóng băng thị trường, tác động xấu đến hệ thống các tổ chức tín dụng và đời sống xã hội.
Thành Nam
Theo baoxaydung.com.vn