(Xây dựng) - Trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 13 công trình hồ chứa nước thủy lợi đang được khai thác nhằm phục vụ nước tưới cho hàng trăm hec-ta (ha) lúa, hoa màu, phục vụ nuôi trồng thủy sản và cải thiện môi trường sinh thái. Trong đó nhiều hồ chứa đã xuống cấp, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác vận hành và an toàn vùng hạ du.
Hồ thủy lợi cho thấy hiệu quả trong việc điều tiết và cung cấp nước tưới tiêu cho phần hạ du.
Nhiều hạng mục công trình hồ bị hư hỏng, xuống cấp
13 hồ ở Điện Biên đang khai thác sử dụng với năng lực tưới thiết kế phục vụ cho 5.837 ha diện tích đất trồng lúa 2 vụ trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Qua công tác kiểm tra, rà soát hiện trạng hồ đập trên địa bàn, UBND tỉnh Điện Biên cho biết, hiện nhiều hồ đang bị hư hỏng, xuống cấp và cần nguồn kinh phí để sửa chữa, nâng cấp.
Các hồ chứa ở một số địa phương chưa được tiến hành kiểm định an toàn đập (7 hồ đã quá thời gian quy định tiến hành kiểm định an toàn đập gồm Pa Khoang, Huổi Phạ, Pe Luông, Bồ Hóng, Hồng Sạt, Hồng Khếnh và Tông Lệnh). Bên cạnh đó, các quy trình vận hành điều tiết hồ, phương án phòng chống lũ cho hạ du đang trong quá trình lập và trình thẩm định, vì vậy chưa được ban hành để tổ chức thực hiện.
Các công trình hồ chứa trên địa bàn huyện Điện Biên và thành phố Điện Biên Phủ đang thực hiện quan trắc đo đạc các yếu tố mực nước, lượng mưa. Các hồ còn lại mới quan trắc được mực nước, chưa thực hiện quan trắc đo đạc lượng mưa.
Khảo sát trên địa bàn huyện Điện Biên, hồ Pa Khoang xã Mường Phăng có lòng hồ (phần thượng lưu) bị bồi lắng nhiều, nước thấm ra chân mái hạ lưu đập đất, cống lấy nước bị thu hẹp không đảm bảo lưu lượng thoát nước theo thiết kế, tràn xả lũ chưa được nâng cấp.
Hồ Pe Luông thuộc xã Thanh Luông, lòng hồ bị bồi lắng nhiều, hai máy đóng mở của cống lấy nước có sự cố, mang tràn giáp đập bị lún, kênh hữu xuống cấp, nhiều đoạn bị hư hỏng…
Hồ Hồng Sạt xã Sam Mứn, có phần lòng hồ bị bồi lắng vượt qua cao trình mực nước chết tới 2,55m; cửa cống bị lấp; vai tràn bị thấm nước, phần gia cố đáy máng tràn bị đẩy trồi. Do vậy, khi không cần nước tưới vẫn phải mở nhỏ không mở thì bị tắc cống, gây ảnh hưởng lớn đến lượng nước cần trữ phục vụ sản xuất.
Hồ Hồng Khếnh bị bồi lắng nhiều, đập đất bị lún khoảng 0,6m, lòng khe sau tràn xả lũ bị xói quá sâu ảnh hưởng đến ổn định của mũi phun tiêu năng sau tràn. Hồ Bản Ban thì đập đất bị thấm nước mạnh, tràn xả lũ bị rò nước tại nhiều vị trí, cống lấy nước bị hỏng …
Hồ thủy lợi Pe Luông bị lún phần thân đập.
Cần ưu tiên các hạng mục sửa chữa sớm
Hiện, với những hạng mục công trình hồ chứa đang bị xuống cấp hư hỏng, Cty TNHH quản lý thủy nông Điện Biên – đơn vị quản lý 11/13 hồ thủy lợi ở Điện Biên cho biết, Cty đã dự có báo cáo về nội dung sửa chữa và dự toán kinh phí.
Theo đó, sẽ có 5 công trình hồ cần được nâng cấp theo Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020. Đó là, hồ Hồng Sạt, Bản Ban, Bồ Hóng, Pe Luông, Sái Lương. Các hạng mục nâng cấp chủ yếu là tràn, đập đất, cống lấy nước, nạo vét lòng hồ, đường vào hồ… với kinh phí ước tính từ 8-35 tỷ đồng.
Do kinh phí hạn hẹp nên cần có đánh giá - khung sàng lọc nhằm đề xuất thứ tự ưu tiên đập cần sửa chữa cấp bách.
Thực tế, các công trình hồ thủy lợi ở Điện Biên đã cho thấy hiệu quả trong việc điều tiết và cung cấp nước tưới tiêu cho phần hạ du. Nhưng, trong quá trình vận hành, cần phải đánh giá hiện trạng hư hỏng, xuống cấp để kịp thời sửa chữa, nâng cấp nhằm đảm bảo an toàn cho hạ du và phát huy hiệu quả dự án.
Do nguồn kinh phí có hạn vì vậy cần có đánh giá - khung sàng lọc nhằm đề xuất thứ tự ưu tiên đập cần sửa chữa cấp bách. Và việc thiết kế sửa chữa này cũng cần phải có tổ chức tư vấn có năng lực, kinh nghiệm để đưa ra các giải pháp tối ưu, đảm bảo kinh tế và kỹ thuật, tránh lãng phí.
Ngọc Hà
Theo