Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết đang trong giai đoạn lấy ý kiến của các chuyên gia để xây dựng đề án, trên cơ sở đó tiếp tục hoàn thiện và lấy ý kiến rộng rãi nhằm đảm bảo tính khả thi.
Giao thông ở Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Mặc dù hiện nay mới là giai đoạn nghiên cứu chuẩn bị xây dựng Đề án thu phí phương tiện giao thông vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc và ô nhiễm môi trường trên địa bàn Hà Nội, nhưng đã thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội cũng như đông đảo người dân Thủ đô. Vậy, Hà Nội sẽ thực hiện việc này ra sao, lộ trình như thế nào?
Cuộc trao đổi dưới đây giữa phóng viên Thông tấn xã Việt Nam và ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội sẽ làm rõ về vấn đề này.
- Thưa ông, dư luận từng cho rằng Hà Nội sẽ áp dụng thu phí xe cơ giới trên địa bàn; trong đó, có cả ý kiến không đồng bình và chưa nên áp dụng. Xin ông cho biết việc áp dụng thu phí này được tiến hành như thế nào?
Ông Vũ Văn Viện: Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐND về "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn," giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Nghị quyết 04), với 45 giải pháp đồng bộ nhằm tăng cường biện pháp quản lý phương tiện giao thông cá nhân, góp phần giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường; trong đó có nhiệm vụ xây dựng Đề án thu phí phương tiện giao thông vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc và ô nhiễm môi trường. Đây là vấn đề mới, phức tạp, nhạy cảm.
Trước khi thực hiện xây dựng Đề án, Ủy ban Nhân dân thành phố đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố Hà Nội lập Đề án "Thu phí phương tiện giao thông vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc và ô nhiễm môi trường" trình Hội đồng Nhân dân thành phố trước khi trình Thủ tướng Chính phủ (văn bản số 10040/VP-CP ngày 16/10/2018 của Văn phòng Chính phủ).
Đây là cơ sở để Sở Giao thông Vận tải cùng các cơ quan có liên quan nghiên cứu xây dựng Đề án nêu trên. Tôi xin nhấn mạnh thêm, hiện nay đang trong giai đoạn lấy ý kiến của các chuyên gia để xây dựng Đề án, trên cơ sở đó tiếp tục hoàn thiện và lấy ý kiến rộng rãi nhằm đảm bảo tính khả thi của Đề án.
- Vậy tại sao thành phố chọn thời điểm này để chuẩn bị xây dựng Đề án thu phí xe cơ giới, thưa ông?
Ông Vũ Văn Viện: Như Nghị quyết số 04 của Hội đồng Nhân dân thành phố đã chỉ rõ thực trạng giao thông, đặc biệt là khu nội đô, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông thành phố không theo kịp tốc độ gia tăng của phương tiện giao thông cá nhân, dẫn đến ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.
Nếu ngay từ bây giờ không chủ động xây dựng các giải pháp ứng phó kịp thời thì tình trạng này trở nên khủng hoảng trong tương lai. Với tư cách là đơn vị chuyên môn của thành phố, Sở Giao thông Vận tải đã tham mưu nhiều giải pháp; trong đó, có việc xây dựng Đề án.
Hà Nội hiện có trên 6,6 triệu phương tiện giao thông đường bộ; trong đó, khoảng 0,6 triệu ôtô các loại và 5,9 triệu xe máy. Phương tiện giao thông trong giai đoạn 2011-2018 bình quân tăng 11%/năm đối với ôtô (ôtô con là 11,5%/năm) và xe máy là 6,75%/năm.
Tốc độ tăng trưởng của hệ thống đường bộ không theo kịp với sự phát triển của phương tiện giao thông dẫn tới quá tải hệ thống đường bộ khiến tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng diễn biến phức tạp, ô nhiễm môi trường tăng lên.
- Có ý kiến lo ngại việc thu phí của Hà Nội dễ vướng phải "phí chồng phí" và trái với các văn bản pháp luật hiện hành, quan điểm của ông về việc này như thế nào?
Ông Vũ Văn Viện: Trong quá trình xây dựng Đề án, chúng tôi phải làm rõ bản chất của khoản phí này và đảm bảo việc thu phí phương tiện cơ giới trên địa bàn là một loại phí mới, không trùng lặp với các loại phí khác. Loại phí này chưa có trong Luật phí và Lệ phí nên theo đề xuất của Bộ Tài chính đã được Chính phủ thống nhất giao cho thành phố Hà Nội xây dựng Đề án.
Khi xây dựng xong dự thảo Đề án, Sở Giao thông Vận tải sẽ báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố. Lộ trình xây dựng Đề án xuyên suốt từ khâu phê duyệt Đề án, lấy ý kiến chuyên gia, thẩm tra, thẩm định của các cơ quan chức năng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Những việc này đều phải tuân thủ đúng quy định, thống nhất, chặt chẽ.
(Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
- Song song với giải pháp thu phí, thời gian qua, thành phố đã có giải pháp gì để hạn chế ách tắc cũng như giúp huyết mạch giao thông Thủ đô thông suốt?
Ông Vũ Văn Viện: Nghị quyết 06/2015/NQ-HĐND ngày 01/12/2015 của Hội đồng Nhân dân thành phố về Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016-2020 đã xác định rõ những giải pháp đồng bộ để giảm ùn tắc giao thông; trong đó, đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông là khâu đột phá.
Với hàng loạt công trình, dự án trọng điểm được hoàn thành và đưa vào sử dụng như: tuyến đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ-Ninh Bình giai đoạn một, cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên, Hà Nội-Lào Cai, Hà Nội-Hải Phòng, Hà Nội-Hòa Bình, cầu Nhật Tân, đường Nhật Tân-Nội Bài, cầu Đông Trù, đường 5 kéo dài, Quốc lộ 32, nút giao thông Thanh Xuân và nút giao Trung Hòa; đường Vành đai 2, đoạn Nhật Tân-Cầu Giấy, đường Lê Trọng Tấn; nút giao trung tâm quận Long Biên và hàng loạt cây cầu vượt tại các nút giao thông và gần đây nhất ngày 10/10/2019 đã thông xe giai đoạn một đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch-cầu Thăng Long.
Những công trình này đã nâng cao năng lực giao thông của Thủ đô, tăng khả năng kết nối, bảo đảm an ninh-quốc phòng trên địa bàn, từng bước tạo diện mạo đô thị văn minh, hiện đại, góp phần giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông và phát triển kinh tế-xã hội.
- Vậy giải pháp về giao thông công cộng sẽ như thế nào, thưa ông?
Ông Vũ Văn Viện: Bên cạnh việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, thành phố tập trung đầu tư phát triển hệ thông xe buýt theo hướng văn minh, hiện đại.
Đến nay, Hà Nội đã có 124 tuyến buýt (100 tuyến trợ giá, 10 tuyến không trợ giá, 12 tuyến kế cận, hai tuyến city tour). Mạng lưới xe buýt đã phủ khắp 30 quận, huyện, thị xã và phục vụ đến 453/584 số xã, phường, thị trấn (đạt 78%); 66/71 bệnh viện (đạt 93%); 296/708 các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông đạt (42%); 32/37 các khu công nghiệp (đạt 86%); 82/85 các khu đô thị mới (đạt 96%). Vận tải hành khách công cộng tiếp tục có sự tăng trưởng.
Tổng sản lượng vận chuyển hành khách công cộng trên toàn thành phố năm 2019 ước đạt 948,5 triệu lượt hành khách; trong đó xe buýt đạt 510,5 triệu lượt hành khách, đáp ứng khoảng 17,03% nhu cầu đi lại của người dân, tăng 3,2% so với năm 2017. Với hệ thống giao thông công cộng này đã góp phần hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố.
- Trân trọng cảm ơn ông./.
Theo Nguyễn Văn Cảnh (TTXVN/Vietnam+)