(Xây dựng) - Là người tham gia xây dựng Luật Xây dựng 2014 và vận dụng Luật những năm qua, ông Bùi Trung Dung - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Hoạt động xây dựng cho rằng, cần tích hợp nhiều công tác hơn nữa trong cấp Giấy phép xây dựng (GPXD).
Để miễn GPXD công trình, cần tăng cường nội dung thẩm định thiết kế cơ sở nhằm mục đích quản lý trật tự xây dựng tốt hơn.
Khi cơ quan quản lý nhà nước đã thẩm định thiết kế cơ sở thì nên tích hợp thêm một vài nội dung để miễn GPXD công trình. Để làm được điều này cần tăng cường nội dung thẩm định thiết kế cơ sở nhằm mục đích quản lý trật tự xây dựng tốt hơn. Việc tích hợp thẩm định thiết kế cơ sở với cấp phép xây dựng và chuyển nội dung thẩm tra, thẩm định thiết kế kỹ thuật cho chủ đầu tư và nhà thầu tư vấn chịu trách nhiệm trước pháp luật sẽ rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng giảm khoảng 70 ngày so với hiện nay.
Bên cạnh đó, cần quy định rõ hơn trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng,từ đó phân cấp trách nhiệm và chuyển sang hậu kiểm nhiều hơn. Ví dụ, đánh giá tác động môi trường của dự án đầu tư xây dựng, thẩm định phòng cháy chữa cháy (PCCC) của dự án xây dựng, quy định chiều cao tĩnh không quy hoạch 1/2000 của dự án xây dựng phải được tích hợp khi thực hiện thẩm định thiết kế cơ sở, cần được minh bạch cho nhà đầu tư. Nếu tích hợp được, minh bạch được các quy định này thì rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư lên đến 90 ngày.
Nói cách khác, khi nhà đầu tư thực hiện bước lập thiết kế cơ sở là đã có chiều cao tĩnh không ở quy hoạch 1/2000 do Nhà nước cung cấp cho nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án. Đối với đánh giá tác động môi trường, khi Nhà nước đã công bố các quy chuẩn, tiêu chuẩn, các quy định của môi trường, thì nhà đầu tư chỉ việc thuê đơn vịtư vấn nhằm thực hiện đúng, đủ quy định của Nhà nước đã công bố, đương nhiên đơn vị tư vấn có đủ năng lực và chịu sự quản lý của cơ quan quản lý nhà nước. Về PCCC, Nhà nước công bố tiêu chuẩn, quy chuẩn PCCC để đơn vị tư vấn thực hiện tư vấn cho nhà đầu tư khi triển khai dự án tuân thủ quy định của Nhà nước về PCCC.
Như vậy, việc tích hợp các công tác liên quan đến đánh giá tác động môi trường, chiều cao tĩnh không và PCCC ngay từ khâu thiết kế cơ sở, coi như nhà nước “buông lỏng” kiểm soát tiền kiểm để thực hiện hậu kiểm và thực quyền chấp hành pháp luật cho nhà đầu tư và DN tham gia hoạt động xây dựng. Nhà nước chỉ thực hiện thẩm định thiết kế kỹ thuật được quy định ở một số công trình đặc thù, công trình có vốn ngân sách hoặc nếu chủ đầu tư cóyêu cầu thẩm định. Việc thẩm định thiết kế kỹ thuật là bước hậu kiểm, không làm cản trở việc xây dựng công trình.
Ông Bùi Trung Dung cũng cho rằng, đương nhiên khi thực hiệnhậu kiểm, cơ quan quản lý nhà nước sẽ có đầu mối thực hiện quản lý bằng cách thành lập đoàn kiểm tra liên ngành đột xuất hoặc định kỳ (tối đa 2 lần/công trình), để kiểm tra lại toàn bộ việc tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn. Đồng thời, Nhà nước cũng ban hành văn bản đánh giá mức độ tuân thủ của nhà đầu tư khi thực hiện dự án để có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả khi chủ đầu tư sai phạm.
Như vậy, cần có chế tài xử phạt đảm bảo sức răn đe. Ông Bùi Trung Dung cho rằng, mức xử phạt lớn nhất là không cho phép công trình được vận hành khai thác, hạn chế sử dụng. Các biện pháp xử phạt theo pháp luật về đầu tư xây dựng và pháp luật khác có liên quan đều không có hiệu quả, nảy sinh tiêu cực.
Ngoài ra cũng cầnquy định rõ năng lực của công chức làm công tác thẩm định, thanh tra và giám định xây dựng theo vị trí việc làm được Bộ Nội vụ công bố trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, góp phần đảm bảo tiết giảm thủ tục hành chính, tăng cường trách nhiệm các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng và rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư.
Thanh Nga
Theo