- Trường Châu Văn Liêm: Trùng tu vẫn đảm bảo an toàn mà ít tốn kém
- Sở Xây dựng sẽ thẩm định phương án trùng tu trường Châu Văn Liêm
HĐND TP.Cần Thơ khóa IX, kỳ họp lần thứ hai vừa thông qua Nghị quyết về phương án khai xây dựng trường Châu Văn Liêm - ngôi trường được xây dựng cách nay tròn 100 năm.
Phương án được chọn là trùng tu nâng cấp dãy nhà giáp đường Xô Viết Nghệ Tĩnh và khối Nhà hiệu bộ (giáp phía góc đường Ngô Quyền và Trương Định) theo hiện trạng và kiến trúc cũ của Pháp. Các khối còn lại được xây dựng mới theo kiến trúc cũ của Pháp. Công trình thuộc Nhóm dự án B với tổng mức đầu tư khái toán 105 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ 2016-2018. Phương án này được cho là hợp lý nhất, vì vừa bảo tồn, giữ được “cái hồn” của công trình, vừa đảm bảo cở sở vật chất cho ngôi trường đạt chuẩn quốc gia.
Trường Châu Văn Liêm hiện nay chính là trường Collège de Can Tho, do Pháp xây dựng. Năm 1917, trường được bắt đầu xây dựng khối nhà số 1, phía đường Xô Viết Nghệ Tĩnh hiện nay, để sử dụng làm ký túc xá học sinh tiểu học. Hiện nay, khối nhà này được sử dụng làm Thư viện và Phòng truyền thống.
Năm 1921, trường tiếp tục được xây dựng và đến năm 1924 thì hoàn tất 4 khối nhà, gồm 5 khối nhà xây; khuôn viên đất có diện tích khoảng 17.000m2, được nối với nhau bằng hành lang có mái che, có các sân tiếp giáp với các dãy nhà; diện mạo các khối nhà được xây theo kiến trúc cổ, kết cấu tường chịu lực, mái ngói vảy cá, sàn bằng gạch đất nung (gạch tàu), cửa gỗ lá sách truyền thống vùng nhiệt đới; nhìn chung trường được thiết kế theo kiến trúc đặc trưng của thời kỳ này và nằm trong tổng thể kiến trúc đô thị đầu thế kỷ XX.
Từ năm 1945 đến năm 1975, trong quá trình sử dụng, trường được duy tu bảo dưỡng thường xuyên; năm 1972, trường được xây dựng bổ sung hai khối phòng học lầu với kết cấu bê tông cốt thép. Từ tháng 11 năm 1985, Trường chính thức mang tên Châu Văn Liêm. Trong giai đoạn này, để đảm bảo yêu cầu hoạt động dạy học, trường được xây mới bổ sung thêm ba khối: Khối phòng học Thí nghiệm – Hội trường; khối phòng Vi tính và khối nhà Hòa âm. Hàng năm nhà trường còn vận động phụ huynh đóng góp để sửa chữa, nâng cấp.
Đến năm 1997, phía Pháp có văn bản thông báo công trình đã hết niên hạn sử dụng. Năm 2010, Sở Xây dựng Cần Thơ đã tổ chức kiểm định, có kết luận công trình không đảm bảo về an toàn chịu lực và có Công văn số 190/SXD-QLXD ngày 15 tháng 3 năm 2011 gửi Sở Giáo dục và Đào tạo Cần Thơ, yêu cầu không sử dụng tiếp cho hoạt động dạy học và khẩn trương di dời đến địa điểm khác nhằm tránh rủi ro đáng tiếc xảy ra.
Ngày 30 ngày 10 năm 2014, UBND TP.Cần Thơ có Quyết định số 3178/QĐ-UBND về đầu tư xây mới theo kiến trúc và số tầng giống như cũ, chỉ khác là vật liệu sử dụng mới, kết cấu khung bê tông cốt thép chịu lực với tổng mức đầu tư hơn 98 tỷ đồng.
Tuy nhiên, công trình này đang trong giai đoạn lựa chọn nhà thầu, thì vấp phải sự phản ứng của dư luận, nhất là các cựu học sinh của ngôi trường này nên UBND TP.Cần Thơ đã quyết định dừng lại và tổ chức các cuộc hội thảo, tham vấn ý kiến cộng đồng.
Theo Phú Khởi/Báo Đầu tư
Theo