Thứ năm 18/04/2024 19:31 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Cần Thơ: Đề xuất xây dựng cầu Ô Môn bắc qua sông Hậu với tổng vốn đầu tư gần 9.200 tỷ đồng

10:23 | 21/02/2023

(Xây dựng) – UBND thành phố Cần Thơ vừa gửi Tờ trình số 14/TTr-UBND về việc đề xuất dự án phát triển mạng lưới giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Cần Thơ-Dự án 2 (Đầu tư xây dựng cầu Ô Môn qua sông Hậu kết nối thành phố Cần Thơ với tỉnh Đồng Tháp) tham gia chương trình DPO, đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính.

Cần Thơ: Đề xuất xây dựng cầu Ô Môn bắc qua sông Hậu với tổng vốn đầu tư gần 9.200 tỷ đồng
Trên dòng sông Hậu.

Cầu Ô Môn bắc qua sông Hậu xây dựng tại quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ và huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Dự án cầu Ô Môn nằm trong tổng thế tuyến liên vùng kết nối Đồng Tháp-Cần Thơ-Kiên Giang, bắt đầu từ vị trí giao Quốc lộ 54 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, vượt sông Hậu sang địa phận Cần Thơ (địa phần phường Thới An, quận Ô Môn) và kết thúc tại vị trí giao với đường Tỉnh 920 quy hoạch. Đoạn tiếp theo thuộc phạm vi dự án đường kết nối quận Ô Môn, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ với huyện Giồng Riềng tỉnh Kiên Giang.

Điểm đầu giao Quốc lộ 54 thuộc tỉnh Đồng Tháp, cách bến phà Phong Hòa-Ô Môn khoảng 2,7km về phía thượng nguồn sông Hậu. Điểm cuối giao đường Tỉnh 920 quy hoạch thuộc địa phận phường Thới An, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ. Tổng chiều dài khoảng 5.400m. Tổng bề rộng mặt cầu 26,50m, gồm: 04 làn xe cơ giới, 02 làn xe thô sơ, 01 dải phân cách giữa, 02 dải an toàn trong, 02 dải an toàn ngoài, 02 dải phân cách bên, 02 lan can, 02 giải bố trí dây văng. Tốc đô thiết kế 80km/h; Tải trọng thiết kế HL93; Tĩnh không thông thuyền cầu Ô Môn tương đương với cầu Vàm Cống, chiều rộng thông thuyền 300m, chiều cao 30m, riêng trong phạm vi 110m giữa khổ thông thuyền có chiều cao 37,5m.

Dự kiến tổng mức đầu tư 9.187,54 tỷ đồng, tương đương 374,24 triệu USD. Nguồn vốn ODA vay từ Chính phủ Nhật Bản. Dự kiến thời gian thực hiện: Năm 2023-2024: Lập, trình và phê duyệt đề xuất dự án; lập, trình và phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, Dự án đầu tư; Chính phủ ký kết Điều ước quốc tế khung và cụ thể, thỏa thuận về vốn ODA; Chuẩn bị thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Năm 2025-2026: Tiến hành thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; Trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu thầu và thực hiện tổ chức lựa chọn nhà thầu tư vấn thiết kế, khảo sát; Tiến hành trình thẩm định, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công-dự toán xây dựng công trình; Tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công xây lắp, tư vấn giám sát, bảo hiểm công trình. Năm 2027 khởi công xây dựng công trình, dự kiến thời gian thi công 36 tháng. Năm 2030 hoàn thành công trình.

Theo Tờ trình UBND thành phố Cần Thơ cho biết, hiện trạng khu vực dự án kết nối qua sông Hậu có cầu Cần Thơ trên tuyến Quốc lộ 1 và cầu Vàm Cống trên tuyến Cao Lãnh-Rạch Sỏi, khoảng cách giữa 2 cầu -50km là chưa đảm bảo thuận lợi cho kết nối giữa các tỉnh trong khu vực, thời gian di chuyển của phương tiện giao thông kéo dài, làm tăng lượng khí thải nhà kính gây ra sự nóng lên toàn cầu từ đó làm biến đổi khí hậu. Với khả năng thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu trong tương lai, dự án sẽ tạo ra một tuyến đường vận chuyển tốt và an toàn, giảm thiểu tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường cho khu vực dân cư có tuyến đi qua, đặc biệt là giảm tải Quốc lộ 1. Khi dự án hình thành kỳ vọng đảm bảo sự cân bằng giữa phát triển với bảo vệ môi trường, mang lại nhiều hiệu quả và tác động tốt đến sự phát triển kinh tế-xã hội của khu vực.

Việc xây dựng cầu Ô Môn sẽ bổ sung thêm một tuyến kết nối vùng, tăng khả năng kết nối giữa các tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Công trình có tác động lớn trong việc rút ngắn thời gian và giảm chi phí vận tải; tăng tính cạnh tranh và mở rộng giao thương của hàng hóa; giảm thiểu ùn tắc giao thông, hạn chế tai nạn giao thông…

Xây dựng cầu Ô Môn cùng với tuyến đường kết nối quận Ô Môn, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ với huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang và tuyến nối cầu Ô Môn với Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp sẽ hình thành lên một tuyến đường trục kết nối liên vùng đảm bảo sự phù hợp với kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu của Trung ương, vùng, tỉnh. Phù hợp với kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, với mục tiêu và các nhiệm vụ giải pháp đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 379/QĐ-TTg ngày 17/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Phù hợp hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch số 04/KH-UBND ngày 11/01/2022.

Huỳnh Biển

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load