Trước tình hình mưa bão trong những năm gần đây có nhiều diễn biến phức tạp, Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão (PCLB) Thanh Hóa đã thực hiện tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hóa, Sở NN&PTNT trong việc xây dựng kế hoạch bảo vệ đê điều và phòng chống lụt bão, nhằm hạn chế thấp nhất thiên tai gây ra. Xung quanh vấn đề này, PV Báo Xây dựng đã có cuộc tiếp xúc với ông Nguyễn Trọng Hải - Chi cục trưởng, Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa.
Thưa ông, công tác kiểm tra, tham mưu xử lý đối với các hành vi, vi phạm Luật Đê điều trong những năm qua được tiến hành như thế nào?
- Hiện nay, trên một số tuyến đê, việc người dân lấn chiếm xây dựng công trình nhà cửa, lều quán, mở mang dịch vụ… trong hành lang bảo vệ đê; làm bãi tập kết vật liệu trái phép ở bãi sông, vi phạm pháp luật về đê điều - PCLB vẫn còn xảy ra. Trước tình hình trên, Chi cục đã giao cho các Hạt quản lý đê tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện kịp thời các vụ việc vi phạm, lập biên bản, vận động, thuyết phục các hộ tự giác tháo dỡ; đồng thời báo cáo và đề nghị chính quyền các địa phương xử lý và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc xử lý ở các địa phương.
Bên cạnh đó, Chi cục phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh mở chuyên mục “Chủ động phòng chống lụt bão”, phản ánh về tình hình vi phạm pháp luật về đê điều và PCLB trên địa bàn tỉnh; phối hợp với UBND các huyện có đê, lồng ghép nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đê điều và PCLB trong các buổi tập huấn về kỹ thuật xử lý đê để cán bộ, nhân dân thực hiện và cùng tham gia giám sát việc thực hiện. Do vậy, trong năm 2012, lực lượng quản lý đê đã phát hiện kịp thời 19 vụ vi phạm Luật Đê điều, lập biên bản và đề nghị chính quyền địa phương xử lý. Đến nay, tình trạng khai thác, tập kết cát sỏi trái phép và xe quá tải chạy trên đê, cũng như tình trạng làm nhà cửa trái phép đã được hạn chế đáng kể.
Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, Chi cục đã đưa ra những biện pháp gì, nhằm đảm bảo an toàn đê điều trong mùa mưa lũ thưa ông?
- Hàng năm, trước mùa mưa bão, Chi cục phối hợp với các huyện có đê tiến hành tổng kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình đê điều trước lũ. Qua đó, báo cáo đề xuất cho UBND tỉnh, Sở NN&PTNT yêu cầu các huyện huy động lực lượng, vật tư tu bổ những đoạn đê yếu chưa đảm bảo yêu cầu chống lũ; xây dựng phương án bảo vệ cho các đoạn đê, kè xung yếu, đồng thời triển khai công tác tổ chức lực lượng, chuẩn bị vật tư theo phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng xử lý khi có sự cố xảy ra. Phối hợp với các huyện có đê, mở các lớp tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ tuần tra canh đê, kỹ thuật xử lý đê giờ đầu cho lực lượng canh đê xung kích với số lượng trên 6 nghìn người…
Đợt lũ đầu tháng 9/2012, trên tuyến đê sông Chu xảy ra 5 sự cố sạt lở; các sự cố trên đã được lực lượng quản lý đê phát hiện và báo cáo kịp thời. Ngay sau khi sự cố xảy ra, Chi cục đã giao cho các Hạt quản lý đê tổ chức quan trắc, theo dõi chặt chẽ diễn biến hư hỏng, lập phương án, đề xuất biện pháp xử lý. Trên cơ sở phương án xử lý của Chi cục, huyện Thiệu Hoá đã huy động nhân lực, vật tư tại chỗ xử lý trong lũ sự cố nứt sạt mái đê, kè Thiệu Vũ K24+400-K24+470 đê tả sông Chu, bằng hình thức thả cụm cây và rọ đá. Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh và ngành, Chi cục đã tập trung chỉ đạo các đơn vị thi công xử lý 5 sự cố hư hỏng trên, đến nay đã cơ bản hoàn thành, đáp ứng được yêu cầu phòng chống lụt bão.
Xin ông cho biết một số khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ của Chi cục?
- Cần phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, lãnh đạo ở một số huyện, xã, phường vẫn chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm, tầm quan trọng của công tác quản lý, bảo vệ đê điều; thiếu quan tâm chỉ đạo thực hiện Luật Đê điều, không có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm; thậm chí chính quyền một số xã, phường có biểu hiện né tránh giải quyết các vi phạm mà các Hạt quản lý đê kiến nghị. Đối với những bãi tập kết cát trái phép, vì lợi ích cục bộ trước mắt, chưa thấy được hậu quả nghiêm trọng gây mất an toàn cho đê điều. Một số tổ chức, cá nhân vì lợi ích cá nhân, coi thường pháp luật, cố tình hình vi phạm Luật Đê điều: Khai thác, lập bãi tập kết cát sỏi trái phép gây ảnh hưởng đến dòng chảy, thoát lũ; xe quá tải đi trên đê làm hư hại mặt đê…
Mặt khác, công tác GPMB và kinh phí thực hiện dự án còn gặp nhiều khó khăn. Hiện tại ở các địa phương chưa có quy hoạch các khu tái định cư được cấp có thẩm quyền phê duyệt, vì vậy khi có dự án mà phải di dời một số hộ dân để thực hiện dự án thì hoàn toàn bị động. Việc bố trí xen cư thì không còn đất, vì vậy công tác di dời còn chậm, ảnh hưởng lớn đến tiến độ các dự án. Trong công tác GPMB, mặc dù Chi cục đã tích cực phối hợp cùng hội đồng GPMB tổ chức kiểm kê, áp giá đền bù nhưng khâu vận hành thủ tục lập và trình duyệt hồ sơ đền bù của các huyện là rất chậm, không kịp để chi trả tiền cho các hộ bị thiệt hại nên đã gây ra rất nhiều khó khăn trong triển khai thi công do vướng mặt bằng.
Hiện nay Chi cục đang tổ chức triển khai thực hiện đầu tư một số dự án tu bổ đê điều, nhưng hiện tại phần lớn các dự án nguồn vốn bố trí mới đạt được 25 - 30% giá trị xây lắp. Một số dự án chưa có kế hoạch vốn, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công xây dựng công trình nói riêng và quá trình thực hiện đầu tư nói chung. Mặt khác một số dự án đã hoàn thành nhưng vốn được ghi chưa đủ để thanh toán cho nhà thầu.
Vậy, theo ông, những giải pháp từ nay đến cuối năm là gì?
- Với những diễn biến bất thường của thời tiết, Chi cục tiếp tục tăng cường chỉ đạo các Hạt, tiến hành kiểm tra, phát hiện kịp thời các vụ việc vi phạm pháp luật đê điều, lập biên bản đề nghị chính quyền các huyện, xã xử lý; đôn đốc chính quyền các huyện, các xã ven đê tập trung xử lý dứt điểm các vi phạm còn tồn đọng, đặc biệt là tình trạng khai thác, tập kết cát trái phép ở lòng sông, bãi sông và tình trạng xe quá tải đi trên đê gây hư hại mặt đê.
Tiếp tục công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đê điều - PCLB rộng rãi trên thông tin đại chúng đến các cấp, các ngành, đến mọi tổ chức xã hội và đến mọi công dân, mà đặc biệt là đến các xã phường và quần chúng nhân dân các xã ven đê hiểu biết kỹ càng để thực hiện và cùng tham gia giám sát việc thực hiện.
Duy trì nghiêm túc công tác trực ban 24/24h đúng quy định tại văn phòng; theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết để tham mưu kịp thời cho Ban Chỉ huy PCLB tỉnh, UBND tỉnh trong công tác chỉ đạo điều hành các ngành, các địa phương đối phó với mưa, bão, lũ.
Đôn đốc các huyện tiếp tục bổ sung vật tư dự trữ để bù lại số vật tư đã huy động xử lý trong đợt lũ đầu tháng 9/2012 đảm bảo đủ vật tư để xử lý khi có sự cố xảy ra.
Tập trung chỉ đạo công tác tu bổ đê, kè, cống hoàn thành đúng tiến độ đề ra, đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu PCLB. Chuẩn bị kế hoạch tu bổ đê điều năm 2013 gồm các dự án duy tu, tu bổ đê thường xuyên và các dự án khác mà UBND tinh, Sở NN&PTNT giao cho.
Xin cám ơn ông!
Anh Toản (thực hiện)
Theo baoxaydung.com.vn