Sáng 21/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về chủ trương xây dựng đường cao tốc giai đoạn 2021-2025 và định hướng tới năm 2030 để chuẩn bị báo cáo các cấp có thẩm quyền về nội dung này.
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn và lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Theo Bộ Giao thông vận tải, trong giai đoạn 2011-2020, cả nước đã đưa vào khai thác 1.163 km cao tốc. Phấn đấu tới năm 2025, cả nước có 3.171 km, đến năm 2030, cả nước có khoảng 5.000 km đường cao tốc.
Lấy thực tiễn làm thước đo
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, ý kiến tại cuộc họp đều cơ bản thống nhất các quan điểm lớn về xây dựng các tuyến đường cao tốc trong giai đoạn tới.
Cụ thể, phải hài hòa giữa các vùng miền nhưng tập trung cho những vùng động lực; không trông chờ, ỷ lại vào nguồn ngân sách Nhà nước, huy động nguồn lực xã hội là chính, kể cả nguồn lực trong và ngoài nước; đổi mới tư duy quản lý, đẩy mạnh phân cấp, quy trách nhiệm rõ ràng cho các bộ, ngành, địa phương, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân; huy động sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, nhân dân, các ngân hàng.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tiếp thu các ý kiến, tiếp tục hoàn thiện dự thảo báo cáo về thực hiện xây dựng đường cao tốc giai đoạn 2021-2025 và định hướng tới năm 2030.
Báo cáo phải đánh giá, làm rõ những kết quả đạt được trong 20 năm qua, nhất là trong 5 năm 2016-2020, những điểm chưa được, nguyên nhân chủ quan và khách quan, các công việc đang triển khai, các khó khăn, vướng mắc. Rút ra các bài học kinh nghiệm về lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, huy động nguồn lực và cơ chế chính sách.
“Lãnh đạo, chỉ đạo phải đúng hướng, đúng trọng tâm; việc tổ chức thực hiện phải huy động hệ thống chính trị và nhân dân vào cuộc; trong huy động nguồn lực cần tránh trông chờ, ỷ lại vào ngân sách nhà nước, đẩy mạnh hợp tác công - tư (PPP); cơ chế chính sách phải bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo”, Thủ tướng phát biểu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Trong giai đoạn phát triển mới, phải đầu tư công sức nhiều hơn, “vắt óc suy nghĩ” , chủ động hơn, sáng tạo hơn để tìm ra các giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả; đặt lợi ích quốc, gia dân tộc lên trên hết, trước hết. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Về phương hướng giai đoạn 2021- 2025 và tầm nhìn 2030, Thủ tướng yêu cầu phân tích cụ thể tình hình, làm rõ nhu cầu phát triển đường cao tốc, các điều kiện hiện nay, những thuận lợi (như đã có kinh nghiệm sau 20 năm làm đường cao tốc), những khó khăn (ngân sách nhà nước có hạn, các bộ, ngành địa phương vào cuộc chưa đồng đều, còn tâm lý trông chờ, ỷ lại). Từ đó, xác định các mục tiêu về số km cao tốc đạt được tới năm 2025 và năm 2030, trong đó tập trung cho cao tốc Bắc - Nam phía đông, vùng Nam Bộ, Tây Nguyên và các tuyến vành đai của Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, tiết kiệm, chống tiêu cực, tham nhũng.
Cùng với đó, làm rõ các giải pháp về phân kỳ đầu tư xây dựng; huy động nguồn lực; giải phóng mặt bằng; phân công, phân cấp trách nhiệm. Rà soát, trình cấp có thẩm quyền giải quyết các vướng mắc về cơ chế, chính sách, nếu nằm trong các luật thì trình Quốc hội xử lý. Làm tốt công tác truyền thông chính sách, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, người dân và xã hội đồng tình, ủng hộ.
Phải “vắt óc suy nghĩ”, sáng tạo tìm giải pháp
Thủ tướng nhấn mạnh trong giai đoạn phát triển mới, nhiệm vụ rất nặng, công việc rất nhiều, nhu cầu, mục tiêu rất cao nhưng nguồn lực và thời gian có hạn, do đó, phải đầu tư công sức nhiều hơn, “vắt óc suy nghĩ” , chủ động hơn, sáng tạo hơn để tìm ra các giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả; đặt lợi ích quốc, gia dân tộc lên trên hết, trước hết; chống cục bộ, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm.
Thủ tướng nhắc lại và tiếp tục nhấn mạnh quan điểm các dự án cao tốc phải triển khai theo hình thức PPP là chính, trên nguyên tắc hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư, người dân và chia sẻ rủi ro.
Thủ tướng trao đổi với lãnh đạo Bộ GTVT bên lề cuộc họp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Quan điểm dứt khoát là dự án đi qua nơi nào, địa phương nơi đó là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, các địa phương phải lo ngân sách, chịu trách nhiệm về khâu giải phóng mặt bằng cho các dự án. Căn cứ vào tình hình cụ thể, Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần kinh phí (tối đa 50%) cho phần xây lắp tại các dự án. Nguồn vốn Nhà nước sẽ đóng vai trò “vốn mồi” dẫn dắt các nguồn vốn khác.
Chuẩn bị phải kỹ, suy nghĩ phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, làm cao tốc thì “qua sông bắc cầu, qua ruộng đổ đất, qua núi khoét núi”.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý việc đổi mới tư duy, cách làm cần phải có quá trình và độ trễ, trên cơ sở thống nhất tư tưởng, các cơ quan Trung ương cần cùng làm, cùng chia sẻ với các địa phương, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mục tiêu là quản lý, sử dụng vốn hiệu quả nhất, “nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật”.
Tổng kết, nhân rộng các mô hình hay, cách làm đột phá, hiệu quả
Hoàn toàn đồng tình với các quan điểm của Thủ tướng Chính phủ, các đại biểu tham dự cuộc họp đều khẳng định, các tuyến cao tốc mang lại hiệu quả rất lớn về kinh tế, lợi ích về xã hội, quốc phòng - an ninh; tạo động lực phát triển kinh tế xã hội, tạo không gian phát triển và quỹ đất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa phương và khu vực.
Lãnh đạo Bộ GTVT báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Các đại biểu phân tích cụ thể hơn và đề nghị đẩy mạnh nghiên cứu, tổng kết một số mô hình, cách làm hiệu quả để phát triển cao tốc mà các địa phương đã triển khai trong thời gian qua.
Trong đó, ví dụ nổi bật nhất là tỉnh Quảng Ninh, trong thời gian ngắn đã kêu gọi đầu tư được nhiều dự án theo phương thức PPP trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông với mô hình địa phương chủ động quản lý và thực hiện.
Đối với kêu gọi đầu tư cao tốc, tỉnh đã mạnh dạn áp dụng nhiều cơ chế mới như hỗ trợ toàn bộ chi phí giải phóng mặt bằng, linh hoạt trong phân chia dự án thành phần, xen giữa các đoạn đầu tư công với các đoạn đầu tư PPP, tạo hấp dẫn đối với nhà đầu tư và khả thi cho phương án tài chính dự án.
Tỉnh cũng quy hoạch và phát triển quỹ đất dọc đường cao tốc; tạo điều kiện cho các nhà đầu tư khai thác vật liệu phục vụ thi công xây dựng với thời gian ngắn, kiểm soát giá thị trường ổn định. Cả hệ thống chính trị của tỉnh vào cuộc kêu gọi, vận động nhân dân nhường đất, nhường nhà, nhờ đó đã giải quyết tốt khâu khó khăn nhất trong thực hiện dự án. Tỉnh luôn quyết liệt trong chỉ đạo và cải cách các thủ tục hành chính, đem lại niềm tin lớn đối với các nhà đầu tư, đem lại thành công cho các dự án với hiệu quả “nhìn thấy, sờ thấy được”.
Ngoài mô hình thành công tại tỉnh Quảng Ninh, còn một số tỉnh như Lạng Sơn, Tiền Giang cũng mạnh dạn đảm nhận vai trò cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, tổ chức thực hiện một số dự án cao tốc đem lại kết quả tốt, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Theo Hà Văn/Baochinhphu.vn