Thứ hai 09/12/2024 15:21 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Sự cố vỡ đường ống nước sông Đà

Cần phải có cách nhìn chính xác về trách nhiệm!

13:53 | 21/07/2014

(Xây dựng) - Những ngày qua, báo chí đã tốn không ít giấy mực để phản ánh về việc đường ống nước Sông Đà liên tục xảy ra sự cố vỡ ống, làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của hàng ngàn hộ dân khu vực phía Tây Nam thành phố Hà Nội. Báo Xây dựng đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Đức Duy – Chánh Văn phòng, người phát ngôn của Bộ Xây dựng để làm rõ thêm về trách nhiệm của Vinaconex và các cơ quan liên quan đối với sự việc này.

PV: Thưa ông, thời gian qua đường ống nước Sông Đà liên tục xảy ra sự cố vỡ ống, làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của hàng ngàn hộ dân khu vực phía Tây Nam thành phố Hà Nội, với trách nhiệm là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động xây dựng, Bộ Xây dựng đã làm những gì để giải quyết sự cố này?

Ông Đỗ Đức Duy: Như chúng ta đã biết, tuyến ống truyền tải nước Sông Đà là một trong những hạng mục công trình chính của dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông, do Tổng công ty Vinaconex làm chủ đầu tư, khởi công xây dựng từ tháng 01/2006 đến tháng 4/2009 bắt đầu đưa vào khai thác, sử dụng. Sau khoảng 3 năm đầu vận hành ổn định, thì từ tháng 2/2012 đến nay, đường ống đã nhiều lần bị vỡ, đặc biệt trong khoảng thời gian từ tháng 4/2014 đến nay tần suất vỡ ống xảy ra thường xuyên. Theo pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng, đây được xác định là sự cố chất lượng công trình xây dựng, xảy ra trong quá trình khai thác, vận hành và có ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của hàng ngàn hộ dân.

Chính vì vậy, với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, ngay sau khi xảy ra sự cố, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã chỉ đạo Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng khẩn trương tổ chức giám định sự cố, làm rõ nguyên nhân, xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể có liên quan, cũng như đề ra các biện pháp nhằm xử lý, khắc phục sự cố trong trước mắt cũng như lâu dài, để đảm bảo cấp nước an toàn cho nhân dân trong phạm vi cung cấp nước của Nhà máy nước Sông Đà. Những nội dung này được thể hiện đầy đủ trong thông báo kết luận giám định nguyên nhân sự cố vỡ đường ống nước Sông Đà mà Bộ Xây dựng đã gửi cho Vinaconex, các cơ quan chức năng và cung cấp cho báo chí.

Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng thường xuyên chỉ đạo và đã trực tiếp làm việc với Sở Xây dựng Hà Nội và các đơn vị sản xuất, cung cấp nước sạch trên địa bàn thành phố Hà Nội (trong đó có Vinaconex và Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex), yêu cầu phải chủ động nghiên cứu, để xuất với UBND Thành phố Hà Nội và tổ chức thực hiện các giải pháp kịp thời, linh hoạt để đảm bảo cung cấp đủ nước sạch cho nhân dân Thủ đô, đặc biệt là các khu vực đang sử dụng nước sạch của Nhà máy nước Sông Đà trong mùa hè là thời gian cao điểm về nhu cầu dùng nước sạch.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của Bộ nghiên cứu, triển khai các giải pháp quản lý nhà nước nhằm đảm bảo cấp nước an toàn, ổn định cho các đô thị nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng như: nâng cao chất lượng công tác lập và triển khai quy hoạch, kế hoạch phát triển cấp nước đô thị; xây dựng cơ chế chính sách để huy động các nguồn lực, nhất là các nguồn lực ngoài nhà nước cho các dự án phát triển cấp nước; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến lĩnh vực cấp nước; phối hợp cùng các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ và các giải pháp thu hút nguồn lực để đầu tư xây dựng các dự án cấp nước lớn có quy mô cấp vùng như Nhà máy nước Sông Đà giai đoạn 2, Nhà máy nước Sông Hồng, Nhà máy nước Sông Đuống…

PV: Như vậy, Bộ Xây dựng đã có kết luận chỉ rõ nguyên nhân và trách nhiệm của các chủ thể có liên quan trong việc để xảy ra sự cố vỡ đường ống nước sông Đà. Thế nhưng cho đến nay, vẫn chưa thấy Bộ Xây dựng xem xét, xử lý trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân có liên quan của Tổng công ty Vinaconex, đơn vị phải chịu trách nhiệm chính về sự cố này theo kết luận của Bộ Xây dựng.

Ông Đỗ Đức Duy: Hiện nay, Vinaconex là Tổng công ty cổ phần, hoạt động theo Điều lệ của Tổng công ty do Đại hội cổ đông thông qua trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật về doanh nghiệp cổ phần. Đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại Vinaconex là Tổng công ty Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) trực thuộc Bộ Tài chính, tổ chức Đảng của Tổng công ty Vinaconex là Đảng bộ cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy Hà Nội. Trong khi đó, Bộ Xây dựng không phải là cơ quan chủ quản của Vinaconex, không được giao làm đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại Vinaconex, không trực tiếp quản lý cán bộ lãnh đạo của Vinaconex, tổ chức Đảng của Tổng công ty Vinaconnex không thuộc hệ thống các tổ chức Đảng của Bộ Xây dựng, vì vậy việc xem xét, xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo tại Tổng công ty Vinaconex không thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng, mà thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của đại hội cổ đông, Tổng công ty SCIC - Bộ Tài chính và Thành ủy Hà Nội theo đúng các quy định của Đảng, Nhà nước và Điều lệ của Tổng công ty.

Trong việc giải quyết sự cố vỡ đường ống nước Sông Đà - như đã nói là sự cố về chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng đã thực hiện đúng vai trò, chức năng của cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, trong đó Vinaconex là một chủ thể tham gia hoạt động xây dựng với tư cách là Chủ đầu tư dự án, được xác định phải chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức quản lý chất lượng công trình trong tất cả các khâu của quá trình thực hiện dự án, điều này đã thể hiện rõ trong kết luận giám định sự cố mà Bộ Xây dựng đã công bố.

PV: Việc đảm bảo cung cấp đầy đủ nước sạch cho người dân đô thị là trách nhiệm của chính quyền đô thị và các đơn vị sản xuất, cung cấp nước sạch. Vậy ông đánh giá như thế nào về sự vào cuộc của chính quyền Thành phố Hà Nội trong việc giải quyết sự cố vỡ đường ống nước sông Đà để đảm bảo cung cấp đầy đủ nước sạch cho người dân thành phố?

Ông Đỗ Đức Duy: Như chúng ta đã biết, nước sạch là nhu cầu thiết yếu của cuộc sống con người, việc mất nước ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Thành phố Hà Nội là một trong những địa phương rất quan tâm đầu tư phát triển hệ thống cấp nước, nhất là trong bối cảnh Thủ đô đang có tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, nhu cầu và phạm vi phục vụ cấp nước liên tục mở rộng, trong khi nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển cấp nước đòi hỏi rất lớn; cho đến nay, tỷ lệ dân cư khu vực đô thị được cấp nước tập trung trên địa bàn thành phố đạt trên 90% (cao hơn mức trung bình của cả nước là khoảng 79%).

Khi xảy ra sự cố vỡ đường ống nước sông Đà, với trách nhiệm theo phân cấp là đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân Thủ đô, UBND thành phố Hà Nội cũng như Sở Xây dựng đã nhanh chóng vào cuộc, đưa ra các biện pháp hỗ trợ, điều phối cấp nước cho các khu vực dân cư mất nước do tuyến ống bị sự cố cũng như các giải pháp phối hợp giữa các công ty cung cấp nước sạch để ứng cứu kịp thời. Đồng thời, UBND thành phố Hà Nội cũng đã quyết liệt chỉ đạo, nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật và tài chính để hỗ trợ cho các doanh nghiệp triển khai thực hiện đầu tư xây dựng tuyến ống truyền tải số 2 của Nhà máy nước Sông Đà, dự kiến sẽ khởi công ngay trong tháng 9/2014.

Bên cạnh đó, UBND thành phố Hà Nội cũng đã và đang tích cực phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế, giải pháp thu hút nguồn lực đầu tư xây dựng các dự án cấp nước quy mô lớn trong vùng Thủ đô. Sự vào cuộc tích cực của UBND và các sở, ngành có liên quan của thành phố Hà Nội đã góp phần nhanh chóng khắc phục sự cố, cũng như hướng tới mục tiêu cấp nước an toàn, ổn định lâu dài cho nhân dân trên địa bàn Thủ đô.

PV: Sau sự cố đường ống nước sông Đà liên tục bị vỡ và Bộ Xây dựng đã kết luận về nguyên nhân cũng như trách nhiệm của các bên liên quan đối với sự cố này, có ý kiến cho rằng Thanh tra Chính phủ cần vào cuộc thanh tra toàn diện đối với dự án này, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Ông Đỗ Đức Duy: Dự án Nhà máy nước Sông Đà là dự án có quy mô đầu tư rất lớn, góp phần quan trọng giải quyết nhu cầu nước sinh hoạt là một trong những nhu cầu thiết yếu của trên 70 ngàn hộ dân Thủ đô Hà Nội. Sau một thời gian vận hành ổn định, đã liên tiếp xảy ra sự cố vỡ đường ống, không chỉ gây thiệt hại về chi phí khắc phục, sửa chữa, làm ảnh hưởng hưởng đến uy tín, thương hiệu của chủ đầu tư Vinaconex, mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của hàng ngàn hộ dân khu vực phía Tây Nam thành phố. Rõ ràng, đây là điều mà cả chủ đầu tư, các cơ quan quản lý và đặc biệt là người dân Thủ đô hoàn toàn không mong muốn.

Mặc dù vậy, Vinaconex là doanh nghiệp cổ phần có vốn nhà nước, phải chịu trách nhiệm trong việc bảo toàn, phát triển vốn nhà nước, cũng như trách nhiệm chính trị, xã hội trong việc góp phần đảm bảo an sinh xã hội, cụ thể ở đây là đầu tư sản xuất và cung cấp nước sạch cho người dân. Chúng tôi ủng hộ quan điểm cho rằng, ngoài các yếu tố hạn chế về kỹ thuật, kinh nghiệm, tổ chức quản lý của chủ đầu tư và các nhà thầu đối với một loại công nghệ lần đầu tiên được áp dụng ở Việt Nam, nếu xét thấy có các dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quản lý và tổ chức thực hiện dự án, làm thất thoát, lãng phí vốn đầu tư của nhà nước, ảnh hưởng đến chất lượng công trình thì các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần tiến hành kiểm tra, thanh tra để phát hiện, xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân có sai phạm (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

Phòng PV (Thực hiện)

Theo

Cùng chuyên mục
  • Vĩnh Phúc: Tập trung phát triển công nghiệp chiều sâu, hướng tới công nghiệp xanh

    (Xây dựng) – Những năm qua, Vĩnh Phúc đã có nhiều cơ chế, chính sách tập trung phát triển ngành công nghiệp chiều sâu, có lợi thế, gia tăng giá trị, thân thiện với môi trường. Qua đó giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, thực hiện tốt an sinh xã hội, thúc đẩy thúc đẩy phát triển kinh tế hiệu quả, môi trường sinh thái được đảm bảo.

  • Khu kinh tế cửa khẩu Lạng sơn: Tiếp tục đẩy mạnh công tác thu hút các nhà đầu tư

    (Xây dựng) - Xác định là vùng kinh tế động lực chủ đạo, phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Đồng thời, tập trung thu hút và mở rộng các dự án phát triển các kho, bãi có sức chứa lớn tại Khu Kinh tế cửa khẩu (KTCK) Đồng Đăng - Lạng Sơn.

  • Vĩnh Phúc: Nỗ lực thực hiện công tác giải phóng mặt bằng ở huyện Bình Xuyên

    (Xây dựng) - Những năm gần đây, cùng với nhịp phát triển chung của tỉnh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc là một trong những địa phương có nhiều công trình, dự án quan trọng mang tính đột phá, liên kết vùng được triển khai thực hiện, nhất là các dự án giao thông. Với nhiều giải pháp công khai, minh bạch và quyết liệt, huyện Bình Xuyên nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, bảo đảm tiến độ thi công các dự án đầu tư có sử dụng đất.

  • Thẩm tra, quyết toán chi phí giám sát thi công thế nào?

    (Xây dựng) - Ông Nguyễn Văn Toàn (Thừa Thiên - Huế) công tác tại Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực (đơn vị sự nghiệp công lập). Đơn vị ông được giao làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng, trong đó chủ đầu tư tự thực hiện giám sát thi công xây dựng công trình.

  • Vị trí “chiến lược” của Đồng Nai trong phát triển kinh tế, xã hội

    (Xây dựng) - Với Đề án quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và lợi thế từ hạ tầng giao thông kết nối, là “cửa ngõ” của miền Đông Nam bộ, tỉnh Đồng Nai có vị “chiến lược” đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội.

  • Kinh tế tiếp tục giữ đà tăng trưởng

    (Xây dựng) – Việt Nam đang thể hiện rõ vai trò và trách nhiệm trong việc nỗ lực tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA), quan hệ ngoại giao đối tác chiến lược toàn diện với các nước lớn. Và đã được minh chứng bằng việc liên tục thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trong 11 tháng năm 2024 đạt 715,55 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load