Tại cuộc họp với các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp chiều 12/4, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu tất cả ngành, lĩnh vực cần rà soát lại mục tiêu, nhiệm vụ, nỗ lực ở mức cao nhất để đạt được các chỉ tiêu tăng trưởng đã đề ra.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, để đạt mục tiêu phát triển chung 6,7%, cần thực hiện đồng bộ hàng loạt giải pháp, nhưng quan trọng nhất vẫn là sự nỗ lực của từng ngành, từng lĩnh vực, từng doanh nghiệp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các Bộ NN&PTNT, Công Thương, Xây dựng, GTVT, KH&ĐT, Tài chính, lãnh đạo các hiệp hội, tập đoàn, tổng công ty lớn.
Theo số liệu thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I ước chỉ tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, tuy cao hơn cùng kỳ các năm 2012, 2013, 2014 nhưng thấp hơn so với cùng kỳ các năm 2015, 2016. Nguyên nhân chủ yếu là do tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp và xây dựng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2016, trong đó ngành công nghiệp chỉ tăng 4,1 %, thấp nhất kể từ năm 2011 trở lại đây. Đặc biệt, ngành khai khoáng sụt giảm mạnh với mức giảm 10% so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, quý I/2017, khai thác dầu thô trong nước đạt 3,44 triệu tấn, giảm 14,8% so với cùng kỳ 2016. Tuy nhiên nếu so với chỉ tiêu năm 2017, con số này đã bằng 28% kế hoạch cả năm, vượt khoảng 5% so với kế hoạch khai thác của PVN. Kế hoạch khai thác cả năm 2017 là 12,28 triệu tấn, giảm 19,2% so với thực hiện năm 2016. Như vậy, mức giảm 14,8% của quý I đã giảm thấp hơn 4,4% so với mức giảm chung theo kế hoạch cả năm.
Sản lượng than sạch tính chung 3 tháng đầu năm ước đạt 9,7 triệu tấn, đạt 24,25 kế hoạch năm, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Do sản xuất than trong nước chủ yếu phục vụ cho sản xuất điện (chiếm khoảng 80% khối lượng tiêu thụ), trong khi đó nhu cầu than cho sản xuất điện quý I tăng không nhiều, do đó ngành than phải điều chỉnh sản lượng khai thác để giảm số lượng than tồn kho và bảo đảm hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Nhóm ngành sản xuất, phân phối điện tính chung 3 tháng đạt khoảng 21,4% kế hoạch năm, tăng 9,4% so với cùng kỳ. Mức tăng này thấp hơn cùng kỳ, nhưng nguyên nhân chính là do giảm nhu cầu điện trong nước.
Nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được đánh giá có vai trò đặc biệt quan trọng trong bối cảnh nhóm khai khoảng giảm. Qua rà soát ở nhóm ngành này cho thấy, nhiều ngành vẫn đang duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt như dệt may (11,6%), sắt thép (43,4%), giấy (11,6%), điện tử dân dụng (25,3%), sản xuất xe có động cơ (9,6%), đồ uống (8,4%).
Một số ngành có tốc độ tăng thấp hơn nhưng vẫn cao hơn mức tăng của cùng kỳ như sản xuất mỳ ống, mì sợi và các sản phẩm tương tự, chế biến bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản, sản xuất thuốc lá, sản xuất phương tiện vận tải…
Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng đối với ngành nông nghiệp, ở mức thấp là 2,55%, mức cao là 3,05%. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Mục tiêu khó, nhưng không bất khả thi
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, việc đạt chỉ tiêu tăng trưởng 6,7%, lạm phát ở mức 4% là rất khó nhưng không phải là không thể thực hiện, miễn là từng ngành, từng lĩnh vực đều nỗ lực hết sức và có các giải pháp phù hợp để khắc phục những khó khăn, hạn chế.
Bộ trưởng cho biết, mục tiêu tăng trưởng ngành nông nghiệp năm 2017 là 2,5-2,8%. Tăng trưởng quý I mới chỉ đạt 2,05% là thấp nhưng thể hiện quyết tâm rất lớn của ngành, nhất là trong bối cảnh quý I năm 2016, ngành nông nghiệp tăng trưởng âm. Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, từ nay đến cuối năm, nếu không có bất thường về thiên tai, ngành nông nghiệp sẽ tăng trưởng tốt. Cụ thể, căn cứ tình hình thực tế, dựa trên các nghiên cứu, đánh giá thị trường của các sản phẩm chủ lực, tình hình sản xuất của các tỉnh, ngành nông nghiệp đã tiến hành rà soát lại tất cả các lĩnh vực, từ đó đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng, ở mức thấp là 2,55%, mức cao là 3,05%.
Để đạt được mục tiêu này, giải pháp quan trọng nhất là thúc đẩy tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, doanh nghiệp lớn với doanh nghiệp nhỏ, bảo đảm an toàn thực phẩm. Cùng với đó, ngành nông nghiệp sẽ chú trọng việc xúc tiến, mở thị trường mới, coi thị trường là giải pháp sống còn. Ngành cũng sẽ làm việc với các hiệp hội, ngành hàng, các sản phẩm chính để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cũng cho biết, ngành sẽ làm việc cụ thể với các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp, hiệp hội để nắm bắt, từ đó có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, bảo đảm thực hiện mục tiêu tăng trưởng. Đối với ngành dầu khí, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho rằng việc thực hiện mục tiêu tăng sản lượng khai thác thêm 1 triệu tấn là khả thi. Tuy nhiên, muốn như vậy đòi hỏi toàn ngành dầu khí phải rất nỗ lực.
Đối với các ngành khai khoáng khác, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, muốn tăng sản lượng phải mở rộng được thị trường. Do đặc thù than trong nước chủ yếu cho phát điện, cần thiết nghiên cứu các giải pháp hạn chế nhập khẩu để tăng tiêu dùng trong nước. Ngoài ra, có thể nghiên cứu để cho phép xuất khẩu một số sản phẩm khoáng sản trong nước không có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng rất ít, vì thực tế, có một số sản phẩm nếu xuất khẩu để sản xuất ở nước ngoài sẽ có lợi hơn.
Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, việc tăng trưởng cao hơn đối với ngành sản xuất, phân phối điện là khó, vì phụ thuộc vào nhu cầu tiêu thụ của nền kinh tế. Tuy nhiên, nếu Chính phủ có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thu hút đầu tư vào các dự án điện mặt trời, điện gió quy mô lớn thì khả năng tác động đến tăng trưởng là rất lớn.
Đối với các ngành sản xuất, chế biến khác, cần có giải pháp thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu hàng hoá, đặc biệt các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh, còn dư địa tăng trưởng như dệt may, da giày, điện tử, điện thoại…
Tại hội nghị, bên cạnh việc kiến nghị tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc, lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty, hiệp hội cũng đã khẳng định quyết tâm sẽ nỗ lực ở mức cao nhất để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng.
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Cần giải pháp đúng, nỗ lực cao
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh yêu cầu các ngành, các cấp, doanh nghiệp thuộc tất cả các lĩnh vực cần tập trung rà soát lại các chỉ tiêu kế hoạch, tìm ra nguyên nhân, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng.
“Cuộc họp hôm nay là nhằm tập trung tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để các ngành, các lĩnh vực kinh tế phát triển cao hơn, đạt được mục tiêu tăng trưởng chung 6,7% trong năm 2017”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Để đạt được mục tiêu này, theo Phó Thủ tướng, cần thực hiện đồng bộ hàng loạt giải pháp, nhưng quan trọng nhất vẫn là sự nỗ lực của từng ngành, từng lĩnh vực, từng doanh nghiệp.
Cụ thể, phải tiếp tục thực hiện các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Cùng với đó, cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân có thể huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, các bộ, ngành, địa phương phải tập trung chỉ đạo rà soát mục tiêu, kế hoạch theo ngành, lĩnh vực quản lý; trong khi đó, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế cần chủ động xây dựng các kịch bản trên cơ sở điều kiện thực tế, năng lực doanh nghiệp để điều chỉnh kế hoạch, khuyến khích các sản phẩm, dịch vụ có nhiều thế mạnh, có thị trường.
Bộ KH&ĐT cùng với Bộ Công Thương tiếp tục rà soát lại kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội chung của từng ngành, lĩnh vực, sản phẩm theo từng tháng, từng quý và cả năm 2017 để xem sản phẩm nào, lĩnh vực nào có dư địa tốt để thúc đẩy tăng trưởng cao hơn, cùng với đó phải dự báo tình hình tăng trưởng cho từng ngành, sản phẩm.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nhấn mạnh yêu cầu mở rộng thị trường, lấy thị trường trong nước làm ưu tiên, thị trường quốc tế làm đích đến, để đổi mới sản phẩm, nâng cao năng suất, tăng kim ngạch xuất khẩu.
Đối với một số ngành, lĩnh vực sản xuất cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương tập trung chỉ đạo rà soát, nâng cao hiệu quả, sản lượng các lĩnh vực khai khoáng, đặc biệt là dầu khí, than.
Ngành may mặc, giày da, túi xách cần được ưu tiên hỗ trợ phát triển do đã đạt tỉ lệ nội địa hoá cao, có nhiều lợi thế như trình độ lao động, quy mô sản xuất, thị trường cho sản phẩm. Ngành công nghiệp ô tô cần được khuyến khích để tăng tỉ lệ nội địa hoá, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, lĩnh vực sản xuất điện thoại, linh kiện điện tử cũng cần được ưu tiên hơn.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT tập trung chỉ đạo, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, tái cấu trúc ngành, sản phẩm để ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hạn chế thấp nhất hậu quả của thiên tai, với mục tiêu đạt phương án tăng trưởng cao nhất như Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã báo cáo.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đề nghị cần có các cơ chế, chính sách để thúc đẩy đầu tư xây dựng; có các chính sách để tháo gỡ khó khăn về vốn cho đầu tư phát triển hạ tầng, đặc biệt là các dự án phát triển hạ tầng giao thông (đường cao tốc, cảng biển…), các dự án điện; lọc hóa dầu…
“Trong điều kiện hiện nay, cần có cơ chế huy động hiệu quả hơn các nguồn vốn xã hội, khuyến khích các hình thức hợp tác công-tư trong đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng”, Phó Thủ tướng nói.
Một số giải pháp khác cũng được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề cập là phải nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, sớm cấp phép, thực hiện đầu tư các dự án lớn; bảo đảm thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững.
Chốt lại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ KH&ĐT, Tổng cục Thống kê chủ động làm việc với các bộ, các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp lớn để xác định từng chỉ tiêu cụ thể, từ đó đề ra kế hoạch thực hiện, bảo đảm thực hiện tăng trưởng từng ngành, từng lĩnh vực, sản phẩm.
Theo Xuân Tuyến/Chinhphu.vn