(Xây dựng) – Trao đổi với phóng viên Báo Xây dựng, ông Nguyễn Trung Kiên - Giám đốc Cty CP Tư vấn Đầu tư và Xây dựng Đất Việt (CTCP VILANDCO), chuyên gia tư vấn công trình xanh cho rằng, để Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả (QCVN 09/BXD) đi vào đời sống cần phải có những đánh giá, đúc rút từ việc áp dụng các công trình tiết kiệm năng lượng trong thực tiễn.
Phối cảnh Dự án Viện khoa học công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST), công trình do Cty VILANDCO tư vấn đang được đầu tư xây dựng hướng tới đạt Chứng nhận công trình xanh LOTUS (Bạc) và G-SEED (2nd level).
PV: Quan điểm đổi mới hướng tới phù hợp với thực tiễn của ông đối với việc sửa đổi và ban hành mới QCVN 09/BXD là gì? Ông có thể nêu ví dụ cụ thể?
Ông Nguyễn Trung Kiên: Cá nhân tôi cho rằng, để đi vào được thực tiễn, QCVN 09/BXD cần phải bao hàm hết các vấn đề của thực tiễn, đồng thời được vận dụng một cách linh hoạt để đạt được mục tiêu đề ra.
Cụ thể, trong yêu cầu của QCVN 09/BXD về lớp vỏ công trình, đưa ra hệ số che nắng, nếu công trình được thiết kế có các giải pháp che nắng cho tường kính, cửa sổ, thì yêu cầu về hệ số hấp thụ bức xạ mặt trời của kính (SHGC) sẽ được giảm xuống. QCVN 09:2013/BXD đưa ra 2 cách tính. Cách tính thứ nhất là bằng bảng tra trong trường hợp kết cấu che nắng là kiểu ô văng ngang hoặc đứng dạng đơn giản. Cách tính thứ hai là tính theo công thức chỉ số truyền nhiệt tổng (OTTV) để xác định giá trị truyền nhiệt tổng của tường và mái đối với kết cấu che nắng phức tạp hơn. Tuy vậy, cả 2 phương án này vẫn không bao trùm được hết các giải pháp thiết kế vốn rất đa dạng và không ngừng biến đổi theo sáng tạo của các kiến trúc sư. Nếu sử dụng mô hình thiết kế để đánh giá theo phương pháp mô phỏng năng lượng thì việc này lại trở nên đơn giản.
Như vậy, rõ ràng việc áp dụng đánh giá QCVN 09:2013/BXD bằng phương pháp mô phỏng năng lượng cũng cần được xem xét như một lựa chọn. Ngoài việc đánh giá đạt hay không đạt, nếu áp dụng phương pháp này, chúng ta còn biết mức độ (%) tiết kiệm năng lượng của thiết kế so với yêu cầu của quy chuẩn. Với những dự án đạt được mức độ tiết kiệm cao, cơ quan quản lý Nhà nước có thể có hình thức khen thưởng để khuyến khích, động viên cũng như làm mẫu cho các dự án khác học hỏi. Càng có nhiều dự án đạt được mức tiết kiệm cao thì có nghĩa quy chuẩn được áp dụng thành công.
|
Một vấn đề nữa, mục đích của QCVN 09/BXD là đảm bảo các công trình xây dựng đạt được hiệu quả về sử dụng năng lượng và được cụ thể hóa bằng các yêu cầu kỹ thuật đối với lớp vỏ, hệ thống điều hòa không khí, thông gió, hệ thống chiếu sáng và các hệ thống sử dụng điện khác. Vậy, nếu một công trình không thỏa mãn được một trong số các yêu cầu kể trên nhưng lại làm tốt hơn các yêu cầu còn lại, đồng thời đảm bảo hiệu quả sử dụng năng lượng bằng hoặc thấp hơn so với yêu cầu của quy chuẩn đặt ra thông qua phương pháp đánh giá bằng mô phỏng năng lượng thì có được coi là hợp quy hay không?
Nói cách khác, QCVN 09/BXD có cho phép chủ đầu tư, tư vấn thiết kế được linh hoạt trong việc lựa chọn giải pháp về sử dụng vật liệu và trang thiết bị miễn sao thỏa mãn được mức độ tiết kiệm bằng hoặc thấp hơn so với quy chuẩn?
Kinh nghiệm ở một số nước trên thế giới cho thấy, việc áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn về năng lượng cần có sự linh hoạt. Ngoài phương pháp tra bảng còn cho phép người thiết kế có thể thực hiện đánh giá hợp quy bằng phương pháp mô phỏng năng lượng.
Thông qua mô phỏng năng lượng có thể tính toán được mức tiêu thụ năng lượng cụ thể của các phương án. Nếu áp dụng thêm biểu phí điện, chúng ta có thể đánh giá được các giải pháp khai thác năng lượng giá rẻ (bằng cách sử dụng bình trữ nhiệt) ở các khung giờ thấp điểm do có giá điện rẻ hơn so với khung giờ cao điểm. Việc này cũng nên được khuyến khích vì nó giúp giảm đỉnh tải của hệ thống truyền tải điện.
PV: QCVN 09:2017/BXD mới được ban hành có hiệu lực từ ngày 1/6/2018 với những điểm đổi mới rõ nét, từ 38 vấn đề cần kiểm tra xuống còn 18 vấn đề. Theo ông, QCVN 09:2017/BXD đã đi vào thực chất chưa? Có giải quyết được các bất cập mà ông vừa nêu?
Ông Nguyễn Trung Kiên: QCVN 09:2017/BXD rõ ràng đã có những chỉnh sửa, cập nhật theo hướng đơn giản hóa để dễ áp dụng vào thực tiễn. Tuy vẫn còn có một số ý kiến băn khoăn về tính chặt chẽ của quy chuẩn, nhưng cũng như ông Nguyễn Công Thịnh - Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) – đơn vị chủ trì đề án xây dựng QCVN 09/BXD đã chia sẻ: Việt Nam mới có hơn 10 năm kinh nghiệm làm quy chuẩn này, trong khi các nước trên thế giới đã đi trước rất nhiều năm, có những nước đã thực hiện được 40 - 50 năm. Để quy chuẩn đi vào đời sống cần phải có những đánh giá, đúc rút từ việc áp dụng trong thực tiễn. Trong khi đó, cho đến thời điểm hiện tại, trên thị trường mới chỉ có một số ít các công trình đánh giá theo chứng nhận công trình xanh và các công trình trình diễn được tài trợ bởi các tổ chức quốc tế (DANIDA, USAID, UNEP...) được áp dụng triệt để theo QCVN 09/BXD, nên sẽ cần thêm thời gian để quy chuẩn này có thể đi vào thực tiễn cuộc sống.
Trân trọng cảm ơn ông!
Thanh Nga
Theo