Thứ ba 03/12/2024 03:29 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Cần nhiều cơ chế hỗ trợ kinh tế tư nhân

16:56 | 17/04/2017

(Xây dựng) - Với mức đóng góp khoảng 40% GDP, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Tuy nhiên, làm thế nào để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, mạnh và bền vững cho đến nay vẫn còn là bài toán khó.

Thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2006, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp 40% GDP cả nước, 30% giá trị tổng sản lượng công nghiệp, gần 80% tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ, 64% tổng lượng hàng hóa. Đặc biệt, khu vực kinh tế tư nhân đã thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước và tạo khoảng 1,2 triệu việc làm cho người lao động mỗi năm. Trong lĩnh vực xây dựng, doanh nghiệp (DN) tư nhân phát triển ngày càng nhiều ở các tất cả các mảng, từ vật liệu xây dựng đến bất động sản, thi công xây lắp,… Điều đó chứng tỏ vai trò quan trọng, không thể thiếu của nền kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta hiện nay.

Tuy nhiên, theo PGS. TS Nguyễn Văn Thạo, Hội đồng Lý luận Trung ương thì với vai trò quan trọng như vậy nhưng kinh tế tư nhân chưa thật sự trở thành động lực quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế. Kinh tế tư nhân chủ yếu vẫn là kinh tế hộ cá thể. Bằng chứng là năm 2015, kinh tế tư nhân đóng góp 39,21% GDP, trong đó, các hộ cá thể đóng góp 31,33%, các doanh nghiệp tư nhân đóng góp 7,88%. Phần lớn doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ và siêu nhỏ (khoảng 97% tổng số doanh nghiệp tư nhân), trình độ công nghệ thấp, lạc hậu, chậm đổi mới; trình độ quản trị, năng lực tài chính, năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh, chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh thấp, chủ yếu tham gia ở phân khúc thị trường có giá trị gia tăng thấp, năng  lực hội nhập quốc tế còn hạn chế.

Cơ cấu ngành nghề của doanh nghiệp tư nhân chưa hợp lý. Hơn 80% doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, chỉ có hơn 10% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, thậm chí một số doanh nghiệp còn có xu hướng thoái lui khỏi dịch vụ công nghiệp. Chỉ còn 1% doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Ảnh minh họa.

Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng GDP của kinh tế tư nhân có xu hướng giảm xuống. Giai đoạn 2003 - 2010, tăng trưởng 11,93%/năm; giai đoạn 2011 - 2015 giảm còn 7,54%. Tỷ lệ doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động tăng cao. Bình quân giai đoạn 2007 - 2015 là  45 - 50% số doanh nghiệp mới thành lập. Năm 2016 có 73.130 doanh nghiệp chấm dứt hoạt động và 20.345 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động. Sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân chưa ổn định, bền vững. Tình trạng vi phạm pháp luật, cạnh tranh không lành mạnh trong kinh tế tư nhân khá phổ biến. Tình trạng sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm diễn ra nghiêm trọng, phức tạp…

PGS. TS Nguyễn Hồng Sơn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng nhận định, mặc dù đã có những phát triển không ngừng nhưng khu vực kinh tế tư nhân ở VIệt Nam chưa phát huy được hết tiềm năng của mình để thực sự đóng vai trò là động lực quan trọng của nền kinh tế. Nguyên chính dẫn đến tình trạng đó là do khu vực này vẫn đang phải đối mặt với nhiều rào cản về tư duy lý luận lẫn khung khổ pháp luật, điều tiết, cơ chế chính sách và thực thi cơ chế chính sách trên thực tế cũng như môi trường kinh doanh và năng lực nội tại của chính khu vực này.

TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khẳng định, phải coi khu vực kinh tế tư nhân là nền tảng, là động lực phát triển của nền kinh tế.

Theo TS Thiên, trước đây, Việt Nam có học hỏi kinh nghiệm phát triển của Hàn Quốc và Nhật Bản. Đó là phát triển dựa trên các trụ cột là các tập đoàn kinh tế. Nhưng chúng ta học vội quá. Chiến lược phát triển của họ là lấy các tập đoàn kinh tế tư nhân làm trụ cột. Ta quên mất hai chữ tư nhân, và xây dựng các tập đoàn kinh tế nhà nước.

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khuyến nghị phải tạo lập một thị trường mà trong đó các tập đoàn kinh tế tư nhân sẽ đóng vai trò trụ cột; Thiết kế một hệ thống chính sách khuyến khích và tạo điều kiện phát triển khu vực kinh tế tư nhân và “Chỉ cần nói là nền tảng thôi chứ không cần thêm gì khác. Nền kinh tế thị trường phải là nền kinh tế tư nhân”.

Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng, để kinh tế tư nhân có thể phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, Việt Nam cần tạo ra nhiều doanh nghiệp quy mô vừa và lớn, đủ năng lực cung ứng cho các nhà đầu tư nước ngoài, xuất khẩu và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ. Đây chính là yếu tố then chốt để doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Viễn Phong

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load