Đã được công nhận là huyện đạt chuẩn NTM, nhưng hiện nay việc triển khai nâng cao chất lượng các tiêu chí theo bộ tiêu chí mới của huyện Phú Ninh (Quảng Nam) vẫn gặp nhiều khó khăn.
Để có thể hoàn thành mục tiêu được công nhận lại là huyện NTM vào năm 2020, bên cạnh sự nỗ lực của hệ thống chính quyền huyện thì Phú Ninh đang rất cần những nguồn lực, sự hỗ trợ cả tỉnh và Trung ương...
Huyện Phú Ninh phấn đấu để được công nhận đạt chuẩn lại vào năm 2020
Được thành lập từ năm 2005 và có điểm xuất phát thấp nhưng sau một thời gian với sự chỉ đạo tích cực của chính quyền, bộ mặt nông thôn huyện Phú Ninh đã có những khởi sắc. Chính vì điều này, năm 2009, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã chọn xã Tam Phước của huyện là 1 trong 11 xã xây dựng thí điểm mô hình xã NTM. Đến năm 2010, BCĐ Trung ương quyết định chọn Phú Ninh là một trong 6 huyện chỉ đạo điểm xây dựng huyện NTM của cả nước.
Ngay sau khi có quyết định này, huyện đã xây dựng kế hoạch thực hiện đạt chuẩn NTM vào năm 2015 và được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt. Sau 5 năm tích cực thực hiện với những bước đi đúng hướng, đến năm 2015 Phú Ninh có 8/10 xã NTM. Hai xã còn lại là Tam Lộc và Tam Lãnh được công nhận đạt chuẩn 1 năm sau đó và được Thủ tướng Chính phủ Quyết định công nhận huyện đạt chuẩn NTM tại Quyết định số 520/QĐ-TTg ngày 31/3/2016.
Sau khi 10/10 xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, huyện Phú Ninh đã thực hiện kế hoạch duy trì và nâng cao chất lượng NTM trên địa bàn giai đoạn 2016 – 2020. Lãnh đạo huyện đã có sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai duy trì và nâng chuẩn xã NTM theo bộ tiêu chí mới, các xã đã cơ bản đạt chuẩn theo quy định.
Tuy nhiên theo Bộ tiêu chí mới bổ sung có thêm 10 chỉ tiêu nên nhiều xã chưa đạt chuẩn theo quy định ở một số tiêu chí cứng như cơ sở vật chất văn hóa (xây dựng khu vui chơi trẻ em, người cao tuổi) và một số tiêu chí mềm tuy đạt chuẩn nhưng ở mức tối thiểu, tính bền vững không cao như tổ chức sản xuất, văn hóa, môi trường...
Rà soát theo Bộ tiêu chí mới, huyện Phú Ninh có 5/9 tiêu chí cơ bản đạt chuẩn (tiêu chí số 3: Thủy lợi; tiêu chí số 4: Điện; tiêu chí số 6: Sản xuất; tiêu chí số 8: An tinh trật tự; tiêu chí số 9: Chỉ đạo xây dựng NTM) và 4/9 tiêu chí chưa đạt chuẩn (tiêu chí số 1: Quy hoạch; tiêu chí số 2: Giao thông; tiêu chí số 5: Y tế-Văn hóa-Giáo dục); tiêu chí số 7: Môi trường).
Tam Phước là 1 trong 11 xã của cả nước xây dựng thí điểm mô hình xã NTM
Ông Trương Thanh Anh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phú Ninh cho biết: “Một số tiêu chí trên địa bàn huyện do tỉnh trực tiếp quản lý khó tổ chức thực hiện đạt chuẩn như tiêu chí về Giáo dục so với quy định thì trường THPT đạt chuẩn 60%, trong khi đó huyện có 2 trường yêu cầu phải đạt chuẩn nhưng đang thiếu kinh phí đầu tư đạt chuẩn”.
Ngoài ra, quá trình xây dựng NTM để được công nhận đạt chuẩn lại vào năm 2020 của huyện Phú Ninh vẫn còn những trở ngại khác. Đây là huyện được BCĐ Trung ương chọn là 1 trong 6 huyện chỉ đạo điểm NTM của toàn quốc nhưng Trung ương chưa có cơ chế hỗ trợ đầu tư huyện điểm NTM. Huyện đạt chuẩn NTM chỉ đơn thuần là phép cộng của các xã (với 75% số xã đạt chuẩn) nên hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn.
Phú Ninh là huyện thuần nông nên thu ngân sách còn hạn chế. Do vậy chất lượng các tiêu chí đạt được chưa cao. Khi hoàn thành xây dựng NTM thì nợ đọng xây dựng cơ bản còn nhiều. Các xã đạt chuẩn NTM từ năm 2015 đến nay chưa được Trung ương, tỉnh hỗ trợ kinh phí nên việc thực hiện duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí chưa đảm bảo.
“Trước những khó khăn này, ngoài việc đề nghị Trung ương có cơ chế hỗ trợ để huyện thực hiện đạt chuẩn theo kế hoạch thì địa phương cũng rất mong Bộ GD-ĐT cơ cơ chế hỗ trợ nguồn vốn để nâng cấp 2 trường THPT đạt chuẩn theo quy định và xây dựng một trường THPT tại trung tâm hành chính huyện nhằm đảm bảo nhu cầu học tập của con em trên địa bàn. Đồng thời, huyện cũng mong muốn nhận được sự quan tâm về nguồn vốn để xây dựng một số trường Mẫu giáo, Tiểu học, THCS đạt chuẩn mức 2 theo quy định”, ông Anh nói.
Theo LÊ KHÁNH/Nongnghiep.vn