“Một điều bấy lâu khiến các DN, các nhà đầu tư dự án sản xuất vật liệu xây không nung (VLXKN) vô cùng nhức nhối, ấy là có tới 8 nhà máy đang tồn tại trong tình trạng sản xuất cầm chừng, có nhà máy phải dừng hẳn sản xuất, 15 nhà máy đang chuẩn bị khánh thành và khoảng gần 20 nhà máy nữa đang trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng nhưng một “hành lang pháp lý” vô cùng cần thiết - hay còn gọi là đất sống cho các DN lại chưa được kiến tạo đầy đủ, đồng bộ”, ông Vũ Minh Sơn - Giám đốc Cty CP Bê tông khí chưng áp Việt Nam bức xúc cho biết!
Cũng theo ông Sơn, trong số 8 nhà máy đã đi vào hoạt động, có 1 nhà máy dừng hẳn, 7 đơn vị còn lại hiện chưa có nhà máy nào chạy hết công suất. Nhà máy nào hoạt động tốt nhất cũng chỉ phát huy được 50% công suất. Ông Sơn cho hay: Các DN sản xuất VLXKN chúng tôi đang đặt câu hỏi: Lý do gì mà Nghị định 567 lại “yếu sức” đến thế? Sự chậm trễ này còn kéo dài đến bao giờ? Có DN nào phá sản trước khi có cơ chế mở đường?
Lý do mà các DN VLXKN bức xúc bởi hiện chưa có định mức kinh tế kỹ thuật nên các công trình sử dụng vốn Nhà nước không dám sử dụng bởi không thể thanh quyết toán được. Họ chủ yếu tìm cách bán cho các công trình sử dụng vốn của các thành phần kinh tế khác nên rất vất vả. Với công trình dân sinh, tuy doanh số bán hàng có “nhích” lên nhưng không nhiều bởi người dân không tránh khỏi tâm lý nghi hoặc rằng công trình nhà nước không dám dùng, sao họ có thể đem nhà của mình ra “thí nghiệm” được?
Một giám đốc DN VLXKN khác cũng bức xúc: Quy định nhà 9 tầng trở lên phải sử dụng ít nhất 30% VLXKN khiến chúng tôi rất phấn khởi bởi những định hướng có tính chất mở đường mạnh mẽ cho một ngành VLXD non nớt phát triển. Ai dè, sự thiếu đồng bộ của chính sách khiến một chủ trương tốt đẹp ấy không những không phát huy tác dụng mà còn vô tình “trói buộc” các đối tượng có liên quan như chủ công trình và các DN…
Nỗi niềm đau đáu của các DN sản xuất VLXKN cũng là có lý, bởi tiền của một đống đổ ra, lại canh cánh nỗi lo thất thu, lãi suất, và thậm chí là phá sản… Đau hơn nữa, sản phẩm mà họ đang hướng tới lại được mệnh danh là dòng sản phẩm xanh - vật liệu xây của tương lai - với các ưu điểm như cách âm, cách nhiệt tốt, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên đất sét cho quốc gia, tận dụng được phế thải của ngành công nghiệp nhiệt điện, thân thiện với môi trường…
Báo Xây dựng đã đặt câu hỏi này với ông Lê Văn Tới - Vụ trưởng Vụ VLXD (Bộ Xây dựng). Ông Tới cũng đồng tình rằng việc tạo cơ chế đồng bộ cho VLXKN cần phải đẩy nhanh hơn vì những mục tiêu xã hội hết sức tốt đẹp. Ông Tới cũng cho hay, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cũng đã chỉ đạo rất cương quyết các cơ quan chức năng khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện Tiêu chuẩn thi công và nghiệm thu, Hướng dẫn thi công bằng vật liệu AAC và bê tông bọt; Bổ sung rà soát Bộ tiêu chuẩn sản phẩm để chuyển sang Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ KHCN) thông qua…
Được biết hiện nay, do chưa có tiêu chuẩn định mức nên vẫn không có bất cứ một công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước nào dùng gạch AAC. Đó là điều thật đáng tiếc. Bởi trong khi nguồn lực của các nhà máy VLXKN bị lãng phí thì rất nhiều công trình của quốc gia lại không có cơ hội để đưa những sản phẩm nhiều tính năng ưu việt vào sử dụng.
Một DN sản xuất VLXKN cho hay, họ có cảm giác bị… bỏ rơi sau khi nhiệt tình dốc hết tiền của vào triển khai một chủ trương đúng đắn của Chính phủ và Bộ Xây dựng. Bởi lẽ cũng vị này (giấu tên) thuật lại rằng, một cơ quan chức năng từng nói với họ rằng: “Các nước khác họ có cần tiêu chuẩn đâu mà họ vẫn cứ sử dụng VLXKN trong xây dựng là chính?”
Điều này chính một cán bộ chức sắc trong ngành Xây dựng cũng không đồng tình: Nói như thế là chưa thấu hiểu và thông cảm với nỗi khổ của DN. Bởi ở các nước tiên tiến, người ta sử dụng VLXKN phổ biến từ lâu như người Việt Nam sử dụng gạch đất sét nung trong xây dựng. Các trường đào tạo nghề của họ cũng có đào tạo chuyên sâu thợ xây cho dòng vật liệu này từ hàng chục năm nay. Thiết kế các công trình cũng “quy chiếu” từ dòng vật liệu tiên tiến này.
Rõ ràng, VLXKN ở Việt Nam hiện nay được coi là vật liệu mới thay thế cho gạch đất sét nung nên cần có chế khơi thông, càng không giống các điều kiện mà xã hội đã “dọn sẵn” như các nước đó đã dành cho VLXKN từ lâu nên không thể trả lời đơn giản, lạnh lùng như vậy. Ở Việt Nam hiện nay, AAC còn lạ lẫm với tất cả các đối tượng từ chủ đầu tư, nhà sản xuất, người sử dụng, người thiết kế và cả nhà quản lý, nên việc nhiều người cứ ngồi và nóng lòng chờ… chính sách là điều hết sức hiển nhiên.
Minh Ngọc
Theo baoxaydung.com.vn