Đô thị hóa lan rộng cùng sự phát triển quá nhanh của các phương tiện tham gia giao thông đang khiến hạ tầng nhiều đô thị trở lên ngột ngạt, quá tải. Tình trạng tắc nghẽn giao thông luôn thường trực đang đòi hỏi phải có những giải pháp cấp bách để giải tỏa mối lo này. Và việc xây dựng một hệ thống đường trên cao (dù là giải pháp cấp bách) sẽ là hướng giải quyết tốt nhất vấn đề nóng bỏng này.
Rất nhiều nước đã chọn đường trên cao để giải quyết bài toán giao thông đô thị.
Thực tế nóng bỏng: Hạ tầng quá tải
Nghiên cứu của HealthBridge Canada tại Việt Nam chỉ ra rằng, các vấn đề về tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm không khí, biến đổi khí hậu, thiếu giao tiếp xã hội, tai nạn và tử vong do va chạm xe cộ, thiếu vận động thể chất, tiếng ồn, sử dụng tiền và không gian thiếu hiệu quả, chất lượng đời sống thấp… tất cả đều có liên quan mạnh mẽ đến việc sử dụng xe máy và ôtô. HealthBridge Canada cảnh báo rằng, sự phát triển đô thị quá nhanh khi mà hạ tầng chưa được “chuẩn bị” kỹ lưỡng cùng với sự gia tăng của các loại hình phương tiện giao thông như ô tô và xe máy đã và đang ảnh hưởng lớn tới chất lượng đời sống, sức khỏe cộng đồng và sự thoải mái về tinh thần của người dân trong các đô thị.
Thời gian qua, xu hướng tại nhiều đất nước mới phát triển là xây dựng những TP dành cho ô tô - một xu hướng có ảnh hưởng lớn tới sức khỏe cộng đồng và sự thoải mái về mặt tinh thần của người dân. Những TP dành ưu tiên cho ô tô được xây dựng đầu tiên ở Mỹ vào những năm 1930. Và mô hình này lan rộng sang nhiều đô thị trên thế giới. Hậu quả của gần một thế kỷ qua là, tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra triền miên, tai nạn giao thông nhiều hơn, số người tử vong tăng cao. Và để giải quyết những vấn đề này, hướng giải quyết cấp bách đầu tiên là xây dựng các hệ thống giao thông ngầm cùng các tuyến đường trên cao.
Phân tích của HealthBridge Canada chỉ ra rằng, để vận hành và duy trì cơ sở hạ tầng dành cho ô tô là rất tốn kém (xây dựng và sửa chữa đường, cung cấp nơi đỗ xe, nhiên liệu và sửa chữa phương tiện…). Nhu cầu về không gian lớn dành cho ô tô cũng có nghĩa là diện tích đất cho các sân chơi, công viên và những không gian công cộng khác sẽ giảm đi rất nhiều.
Để giải quyết những bức bách trên, trong điều kiện của Việt Nam, đơn cử như với trường hợp của Hà Nội, các chuyên gia về quy hoạch đô thị đều cho rằng, trước mắt, việc xây dựng các tuyến đường trên cao sẽ là giải pháp thích hợp và kinh tế nhất.
Tránh những tác động tiêu cực
Những tác động tiêu cực, nghiêm trọng của sự quá tải cơ sở hạ tầng đô thị đã khiến nhiều TP trên thế giới lâm vào khủng hoảng. Các chi phí để giải quyết vấn đề này đã “ngốn” rất nhiều ngân sách của các chính quyền đô thị. Và, để “giải tỏa” những bức bối trong giao thông đô thị, hướng xã hội hóa đầu tư lĩnh vực này đã được nhiều chính quyền đô thị áp dụng.
Các chuyên gia về quy hoạch đô thị cũng khuyến nghị, trong điều kiện hiện nay, các TP của Việt Nam nên tận dụng các nguồn lực khác trong việc đầu tư nâng cấp hạ tầng đô thị. Chẳng hạn như với trường hợp xây dựng tuyến đường trên cao Minh Khai - Ngã Tư Sở, nếu chỉ trông chờ vào ngân sách của TP sẽ khó có thể thực hiện được. Quan trọng là cần một chính sách áp dụng phù hợp, bảo đảm lợi ích hài hòa Nhà nước - doanh nghiệp - người dân. Phương thức xây dựng - chuyển giao (BT), đổi công trình lấy hạ tầng sẽ là hướng đi khả thi nhất.
Với thực trạng giao thông Hà Nội hiện nay, hướng giải quyết tốt nhất trong thời điểm gần vẫn là cần nhanh chóng quy hoạch và xây dựng một mạng lưới đường trên cao.
Theo các chuyên gia, với hiện trạng xây dựng của đô thị Hà Nội hiện tại, giải pháp để hạn chế ùn tắc giao thông thì có nhiều, xong khả thi và kinh tế nhất vẫn là cần xây dựng các tuyến đường trên cao. Bởi thực tế hiện nay, nếu theo phương án mở rộng đường hay xây dựng các công trình ngầm thì chi phí sẽ rất lớn. Đó là chưa kể đến những vướng mắc trong việc triển khai xây dựng công trình ngầm và khả năng thực hiện còn nhiều hạn chế.
Tương tự, các chính sách hạn chế và giảm ô tô, xe máy là vô cùng quan trọng để giảm bớt các tác động tiêu cực đến môi trường sống trong đô thị. Dĩ nhiên, tổn thất có thể có, nhưng về lâu dài, TP sẽ được đền đáp xứng đáng bằng việc nâng cao sức khỏe, bảo đảm an toàn về môi trường sống và chất lượng sống.
Những tuyến đường trên cao, nếu đựoc thiết kế tốt (trong điều kiện công nghệ hiện nay) vẫn sẽ bảo đảm đầy đủ các điều kiện về an toàn, môi trường và cảnh quan đô thị. Chỉ có điều những chính sách để triển khai, thực thi các công trình này một cách hiệu quả và nhanh chóng có được xây dựng kịp thời với xu thế và mong muốn chung của hiện thực đô thị Việt Nam hôm nay hay không mà thôi
Cẩm Tú
Theo baoxaydung.com.vn